1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sóng nhiệt 50 độ C "càn quét" Ấn Độ, 87 người chết do sốc nhiệt

Đức Hoàng

(Dân trí) - Đã có tới gần 90 người thiệt mạng ở Ấn Độ trong năm nay khi quốc gia Nam Á phải đối mặt với đợt nắng nóng khốc liệt và cực đoan, với một số khu vực vượt ngưỡng 50 độ C.

Sóng nhiệt 50 độ C càn quét Ấn Độ, 87 người chết do sốc nhiệt - 1

Nắng nóng cực đoan càn quét Ấn Độ trong những ngày qua (Ảnh: Reuters).

Times of India đưa tin, chỉ trong 36 giờ qua, có 45 người Ấn Độ đã thiệt mạng vì nắng nóng, nâng tổng số người chết vì sốc nhiệt ở quốc gia này trong năm nay lên 87.

Nhiều người thiệt mạng là nhân viên bầu cử phải đứng ngoài trời làm nhiệm vụ trong thời gian dài, trong bối cảnh quốc gia Nam Á đang tiến hành cuộc tổng tuyển cử. 

Ấn Độ đang trải qua những ngày nóng dữ dội làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người. 

Cuối tháng trước, thủ đô Delhi của Ấn Độ ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục 52,9 độ C. Con số này tới nay đã giảm, nhưng vẫn ở mức rất cao, 47 độ C.

Chính quyền Delhi đang điều tra xem liệu con số 52,9 độ C có chính xác hay do lỗi cảm biến, tuy nhiên, không thể phủ nhận được tình trạng nắng nóng dữ dội đến cực đoan ở quốc gia Nam Á.

Ngoài nắng nóng, Ấn Độ cũng đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt do mực nước trên sông Yamuna giảm mạnh. Đây là nguồn cung cấp nước chính của Ấn Độ.

Tại bang lân cận Uttar Pradesh, một cảnh sát đã sử dụng phương pháp hô hấp nhân tạo để cứu một con khỉ đã ngất xỉu và rơi từ trên cây xuống vì nắng nóng. Thậm chí, truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin về việc chim bị sốc nhiệt trong thời tiết khắc nghiệt.

Nhiệt độ cao cũng gây ra nhiều vụ cháy ở một số vùng, bao gồm cả Jammu và Kashmir phía bắc, nơi chính quyền đang sử dụng máy bay không người lái để theo dõi cháy rừng.

Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất phải hứng chịu nhiệt độ cao bất thường. Hàng tỷ người trên khắp châu Á đang phải vật lộn với nắng nóng và ở nước láng giềng Pakistan, nhiệt độ đã vượt quá 52 độ C trong tuần này.

Các nhà khoa học cho biết xu hướng này ngày càng trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Ấn Độ, nước phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 thế giới, đã đặt mục tiêu trở thành nước phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.

Theo Times of India, Reuters