1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sóng ngầm trong lòng nước Pháp

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhấn mạnh sự tức giận của người dân phải được lắng nghe.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe hôm 4-12 thông báo tạm hoãn tăng thuế nhiên liệu trong vòng 6 tháng. Quyết định tạm hoãn này cũng áp dụng với việc tăng giá điện, khí đốt và các quy định kiểm soát khí thải xe cộ.

Trong bài phát biểu trên truyền hình sau cuộc họp với các nghị sĩ đảng Nền Cộng hòa tiến bước cầm quyền, Thủ tướng Philippe nhấn mạnh sự tức giận của người dân phải được lắng nghe và các biện pháp tăng thuế/giá sẽ chỉ áp dụng sau khi có những đàm phán phù hợp với người bị ảnh hưởng.

"Những người Pháp mặc lên mình chiếc áo ghi-lê vàng yêu đất nước này. (...) Vai trò chính của nhà nước là giữ trật tự công cộng song chúng ta cũng phải chống lại bất cứ điều gì đe dọa sự đoàn kết của quốc gia" - ông Philippe nói nhưng cũng khẳng định bạo lực phải ngừng lại. Theo ông, bất cứ cuộc biểu tình nào trong tương lai cũng phải công bố chính thức và tổ chức một cách hòa bình.


Các sinh viên biểu tình đứng bên ngoài một trường trung học ở TP Marseille - Pháp hôm 4-12 Ảnh: REUTERS

Các sinh viên biểu tình đứng bên ngoài một trường trung học ở TP Marseille - Pháp hôm 4-12 Ảnh: REUTERS

Đáng nói là chỉ mới 3 tuần trước đó, Thủ tướng Philippe khăng khăng chính phủ sẽ không thay đổi chính sách và vẫn theo đuổi mục tiêu giảm sử dụng các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường. Một trong những thủ lĩnh phong trào "Áo ghi-lê vàng" đứng sau các cuộc biểu tình thời gian qua, ông Benjamin Cauchy, nhấn mạnh: "Đó là bước đi đầu tiên nhưng chúng tôi sẽ không giải quyết vấn đề nửa vời". Ngay trong ngày 4-12, người biểu tình vẫn phong tỏa nhiều kho nhiên liệu.

Trong khi đó, Tổng thống Emmanuel Macron cáo buộc các đối thủ chính trị lợi dụng phong trào "Áo ghi-lê vàng" để ngăn chặn chương trình cải cách của mình. Ông chủ Điện Élysée đã tổ chức họp an ninh khẩn cấp hôm 3-12 sau khi hủy chuyến thăm Serbia. Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Laurent Nunez cho rằng chưa phải lúc bàn đến việc ban bố tình trạng khẩn cấp.

Cuộc biểu tình ban đầu phản đối tăng thuế xăng dầu - dự kiến giá xăng tăng thêm 4 cent/lít từ tháng 1-2019 so với mức giá 1,42 euro/lít ở Paris hiện nay, sau đó lan rộng thành phong trào phản đối tình trạng bất công ở các khu vực nông thôn, chi phí sinh hoạt cao và chính sách kinh tế của Tổng thống Macron. Kể từ khi nổ ra hôm 17-11, tới nay đã có 3 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc đụng độ. Đặc biệt, theo đài BBC, khoảng 136.000 người đã tham gia biểu tình trên khắp cả nước hôm 1-12, gây ra cuộc bạo loạn tồi tệ nhất nước Pháp suốt 5 thập kỷ qua.

Tới ngày 3-12, khoảng 50 thành viên phong trào "Áo ghi-lê vàng" đã chặn lối vào kho nhiên liệu chính ở cảng Fos-sur-Mer, gần TP Marseille và các trạm xăng đã hết nhiên liệu trên khắp nước Pháp. Làn sóng biểu tình còn lan sang học đường với sự kiện học sinh từ 100 trường trung học trên toàn quốc tổ chức phản đối cải cách giáo dục và thi cử.

Cũng trong ngày 3-12, hàng chục tài xế xe cứu thương tư nhân Pháp biểu tình phản đối một loạt cải cách về an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe mà họ cho là đe dọa đến công việc của mình. Các xe cứu thương đã chặn một cây cầu dẫn đến tòa nhà quốc hội tại thủ đô Paris. Theo báo Standard (Anh), các nhân viên y tế đã đốt đống rác nhỏ và chặn các tuyến đường, đỉnh điểm là đụng độ với cảnh sát chống bạo động khi người biểu tình cố tiếp cận tòa nhà quốc hội.

Chưa rõ quyết định bước ngoặt hôm 4-12 của chính phủ Pháp có xoa dịu được tình hình hay không khi Nghiệp đoàn Pháp (CGT) kêu gọi biểu tình trên toàn quốc trong ngày 14-12, với mục đích kêu gọi chính phủ tăng lương tối thiểu, lương hưu và phúc lợi xã hội.

Theo Xuân Mai

Người lao động