1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sóng gió dồn dập “bủa vây” giấc mộng toàn cầu của Trung Quốc

(Dân trí) - Ngày càng nhiều quốc gia lo ngại và thách thức tham vọng mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc sau một loạt chính sách cứng rắn của Bắc Kinh trong thời gian qua.

Sóng gió dồn dập “bủa vây” giấc mộng toàn cầu của Trung Quốc - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AP)

 

Khi thế giới vẫn chưa hết bất ngờ sau chiến thắng của tỷ phú phản đối toàn cầu hóa Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo đã đặt kỳ vọng vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông có bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos vào tháng 1/2017.

Bài phát biểu ủng hộ toàn cầu hóa và thương mại tự do của ông Tập đã nhận được nhiều lời khen từ các chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trên toàn thế giới.

“Đây là bài phát biểu rất quan trọng tại một thời khắc quan trọng”, nhà sáng lập Diễn đàn kinh tế thế giới Klaus Schwab nhận định.

Hai năm sau đó, sự lạc quan của cộng đồng quốc tế giảm dần và Trung Quốc phải đối mặt với phản ứng ngày càng tiêu cực từ nhiều nước trên thế giới.

Chỉ tính riêng trong 2 tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng chỉ trích các trại tập trung của Trung Quốc tại Tân Cương, Anh cáo buộc chính phủ Trung Quốc vì hành vi tấn công mạng trên diện rộng, trong khi Mỹ tăng cường chiến dịch kiềm tỏa tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu.

Cùng lúc đó, hàng loạt quốc gia dọa sẽ cắt đứt quan hệ với tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc vì lo ngại hạ tầng di động 5G của Huawei sẽ phục vụ cho mạng lưới gián điệp toàn cầu của Bắc Kinh.

Theo Steve Tsang, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc SOAS, phản ứng tiêu cực của cộng đồng quốc tế với Trung Quốc là kết quả từ chính sách đối ngoại “gây hấn” của chính quyền Bắc Kinh. Ông Tsang cũng cảnh báo lập trường cứng rắn của Trung Quốc khó có thể thay đổi.

“Ông Tập Cận Bình đã thay đổi nền chính trị tại Trung Quốc. Ông ấy không thể và cũng không muốn để lộ bất kỳ dấu hiệu yếu kém nào của Trung Quốc”, CNN dẫn lời chuyên gia Tsang nhận định.

Khi sức mạnh kinh tế và chính trị của Trung Quốc gia tăng trong một thập niên gần đây, Mỹ thường tìm cách duy trì chính sách hợp tác hòa dịu với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, bài phát biểu cứng rắn của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vào tháng 10 năm ngoái là dấu hiệu cho thấy Washington bắt đầu thay đổi. Ông Pence đã thẳng thừng cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp công nghệ, “cướp bóc” kinh tế và gây hấn quân sự.

Bài phát biểu của Phó Tổng thống Pence cũng cho thấy sự bất bình của Mỹ đối với các hoạt động bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như việc Bắc Kinh yêu cầu các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, Washington cũng tin rằng các chương trình của chính phủ Trung Quốc nhằm cung cấp các khoản vay trị giá hàng tỷ USD cho các nước đang phát triển là chiêu bài kinh tế để giành được những lợi ích về chính trị.

"Sóng gió bủa vây" Trung Quốc

Sóng gió dồn dập “bủa vây” giấc mộng toàn cầu của Trung Quốc - 2

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị nhân viên an ninh theo sát tại Canada (Ảnh: The Canadian Press)

 

Vài tháng sau bài phát biểu của ông Pence, Mỹ đã công bố hàng loạt cáo trạng nhằm vào các cá nhân và tổ chức Trung Quốc với tội danh gián điệp. Các quan chức an ninh cấp cao của Mỹ cũng có những bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ và tại các sự kiện quan trọng, cảnh báo các mối đe dọa từ Trung Quốc không chỉ đối với Mỹ mà còn với toàn thế giới.

Mới đây, Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, ngày 12/2 đã cảnh báo: “Thông qua sự sợ hãi và cưỡng ép, Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng hệ tư tưởng của họ nhằm bẻ cong, phá vỡ và thay thế trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện tại”.

Cùng lúc đó, chính quyền Trump cũng phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, áp thuế đối với hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Susan Shirk, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21, cho rằng sự đồng thuận của lưỡng đảng giúp Mỹ trở nên cứng rắn hơn trong việc đối phó với Trung Quốc trong một năm vừa qua.

Kể từ đầu năm nay, mối lo ngại của phương Tây về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc chủ yếu xoay quanh tập đoàn Huawei - biểu tượng cho sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc. Mỹ ngày càng gia tăng sức ép với các đồng minh nhằm buộc các nước này phải từ bỏ sử dụng công nghệ của Huawei do lo ngại mối liên hệ của Huawei với các cơ quan an ninh của Bắc Kinh.

Trong chuyến công du châu Âu gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thậm chí còn đưa ra “tối hậu thư”, đề nghị các nước hoặc chọn Mỹ, hoặc chọn Huawei. Theo đó, Đức, Ba Lan, Séc, Lithuania và Anh đều lên tiếng thể hiện sự quan ngại về các sản phẩm của Huawei. New Zealand cấm công ty viễn thông lớn của nước này sử dụng dịch vụ của Huawei, trong khi nhà mạng Vodafone khổng lồ của Anh cũng dừng sử dụng công nghệ của Huawei hồi tháng trước.

Phản ứng giận dữ của Trung Quốc sau vụ Canada bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo đề nghị của Mỹ hồi tháng 12/2018 cũng không giúp xoa dịu nỗ lo ngại về mối quan hệ của Huawei với chính quyền Bắc Kinh. Kể từ đó, nhiều công dân Canada đã bị bắt tại Trung Quốc, trong đó có một trường hợp bị kết án tử hình.

Vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc cũng trở thành đề tài gây chú ý trong những tháng gần đây khi các đối tác của Bắc Kinh trong khu vực, những nơi có cộng đồng người Hồi giáo đông đúc, ngày càng bất bình với các chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương. Thổ Nhĩ Kỳ hôm 9/2 đã cáo buộc Trung Quốc bắt giữ tùy tiện hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, bất chấp phản bác của Bắc Kinh.

Một loạt các quốc gia, bao gồm Mỹ và Australia, cũng kêu gọi Trung Quốc đóng cửa các trại “cải huấn” Tân Cương, nơi có khoảng 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi. Trong khi đó, Indonesia, quốc gia có quan hệ thương mại gần gũi và tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đã triệu tập đại sứ Trung Quốc và yêu cầu giải thích về các vấn đề liên quan tới cộng đồng người Hồi giáo. Ngoài ra, làn sóng phản đối Trung Quốc cũng lan sang Malaysia.

Theo Steve Tsang, chuyên gia về Trung Quốc, nếu Bắc Kinh quay trở lại chính sách đối ngoại bớt gây hấn hơn dưới thời người tiền nhiệm của Chủ tịch Tập Cận Bình, căng thẳng của cộng đồng quốc tế với Trung Quốc có thể được xoa dịu. Tuy nhiên, ông Tsang nhận định chính quyền Trung Quốc hiện tại sẽ không từ bỏ chính sách cứng rắn vì điều này có thể làm suy giảm quyền lực. Do vậy, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ chỉ còn một phương án là tiếp tục lao vào vòng xoay của chính sách đối ngoại quyết liệt hơn.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm