Son môi trong trường mẫu giáo ở Hàn Quốc
Ngành công nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc đã trở thành hiện tượng toàn cầu với cách thức làm đẹp kỹ lưỡng từng bước một.
Giờ đây, các công ty mỹ phẩm nước này đang tăng cường xem trẻ em là đối tượng khách hàng tiềm năng, dẫn đến tranh luận gay gắt rằng liệu có nên gây thêm áp lực về ngoại hình cho trẻ nhỏ vốn đã quá mệt mỏi vì chuyện học hành, thi cử hay không.
"Các nữ anh hùng hoạt hình hào nhoáng mà các bé gái ngưỡng mộ được trang điểm từ đầu đến chân. Khi trang điểm và mặc váy để bắt chước các nhân vật đó, các bé gái tự cho rằng thành công của một người phụ nữ có liên quan chặt chẽ với nhan sắc" - bà Yoon-Kim Ji-yeong, chuyên gia tại Trường ĐH Konkuk (Hàn Quốc), cho biết.
ShuShu Cosmetics được xem là công ty mỹ phẩm tiên phong tiếp cận trẻ em tại Hàn Quốc. Từ năm 2013, công ty đã mở 19 cửa hàng khắp nước, cung cấp các loại mỹ phẩm dành riêng cho trẻ em gái, như sơn móng tay có thể hòa tan và son môi không độc hại.
Ông Kim Ju-duck, chuyên gia nghiên cứu sắc đẹp tại Trường ĐH Sungshin (Hàn Quốc), cho rằng trào lưu này dường như không thể đảo ngược khi hình ảnh các cô gái trẻ trang điểm xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông và trẻ em dễ dàng tiếp cận mỹ phẩm hơn. Theo tờ The Washington Post (Mỹ), cuộc khảo sát 288 nữ sinh tiểu học vào năm 2016 của ông Kim cho thấy 42% trong số này có trang điểm. Ông Kim cho biết thêm tỉ lệ này tiếp tục tăng trong thời gian qua.
Dù vậy, không ít chuyên gia lo ngại có những em quá nhỏ đến nỗi chưa thể đọc được nội dung trên bao bì sản phẩm làm đẹp nhằm vào họ. Bà Yoon-Kim chỉ trích thị trường mỹ phẩm sẵn sàng kiếm tiền từ sự bất an về ngoại hình của trẻ em.
Theo Xuân Mai
Người Lao Động