1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sơ suất tai hại khiến chiến hạm 2 tỷ USD của Mỹ bị cháy thành sắt vụn

Đức Hoàng

(Dân trí) - USS Bonhomme Richard bị bắt lửa năm ngoái do một người cố tình châm lửa đốt, nhưng con tàu cháy tới mức không thể sửa chữa được và phải đem đi rã sắt vụn là do sơ suất tai hại của thủy thủ đoàn.

Sơ suất tai hại khiến chiến hạm 2 tỷ USD của Mỹ bị cháy thành sắt vụn - 1

Chiến hạm Mỹ cháy dữ dội hồi tháng 7 năm ngoái với khói bốc lên ngùn ngụt (Ảnh: Getty).

Hồi tháng 7 năm ngoái, tàu USS Bonhomme Richard bất ngờ bốc cháy khi đang đậu tại cảng San Diego. Hải quân Mỹ đã mất 4 ngày để dập tắt đám cháy. Con tàu hư hại nặng nề hơn 60% và có thể tốn chi phí tới 3,2 tỷ USD để sửa chữa nên Mỹ đã quyết định loại biên và đem đi rã sắt vụn con tàu.

Tháng 7 năm nay, hải quân Mỹ đã truy tố một thủy thủ bị cáo buộc cố ý phóng hỏa trên tàu, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Trong tháng này, hải quân Mỹ công bố một báo cáo chi tiết về vụ tàu tấn công đổ bộ này bị thiêu cháy tới mức không thể cứu chữa, trong đó tiết lộ sự thật rằng, USS Bonhomme Richard bị phá hủy một phần là do các thủy thủ trên tàu đã không nhấn một nút có khả năng kích hoạt một hệ thống dập lửa quan trọng.

Cựu chỉ huy Hạm đội 3 hải quân Mỹ Scott Conn cho biết trong một báo cáo điều tra về vụ cháy rằng: "Mặc dù ngọn lửa bùng lên do hành động cố tình đốt phá, nhưng con tàu đã bị phá hủy do ngọn lửa không thể bị dập tắt sớm". Ông đặc biệt nhấn mạnh tới cách mà "thủy thủ đoàn thiếu sự chuẩn bị" đã khiến việc "dập lửa trở nên kém hiệu quả".

Báo cáo đã chỉ ra hàng loạt vấn đề, bao gồm việc không tuân thủ các nguyên tắc chữa cháy cơ bản, ví dụ như sử dụng hệ thống chữa cháy bằng bọt (AFFF).

Theo USNI News, hệ thống chữa cháy đã không được kích hoạt vì nó đã được bảo trì không đúng cách và các thủy thủ không quen với cách sử dụng nó.

"Thủy thủ đoàn trên tàu không cân nhắc triển khai AFFF kịp lúc và điều này góp phần khiến lửa lan ra dữ dội và không thể kiểm soát được lửa", báo cáo nhận định.

Sơ suất tai hại khiến chiến hạm 2 tỷ USD của Mỹ bị cháy thành sắt vụn - 2

Con tàu bị hư hại nặng tới mức không thể phục hồi và buộc Mỹ phải loại biên để rã sắt vụn (Ảnh: Reuters).

Các nhà điều tra cho biết, ngay cả khi AFFF chỉ hoạt động ở cường độ thấp thì nó cũng đã có thể hạn chế được cường độ dữ dội của vụ hỏa hoạn. Tuy nhiên, hệ thống này không hoạt động trong vụ cháy.

"Thủy thủ đoàn lẽ ra nên kích hoạt AFFF. Hoàn toàn không có bất cứ thảo luận nào về việc kích hoạt hệ thống này 2 giờ đồng hồ sau khi lửa bùng lên", báo cáo nhận định.

Các nhà điều tra nói rằng, AFFF hoàn toàn có thể được bật lên chỉ bằng cách bấm vào một nút nhưng nút này không được bấm trong suốt vụ hỏa hoạn và không một thủy thủ nào đã cân nhắc tới việc bấm nút, hoặc nắm được vị trí của nút ở đâu và chức năng là gì.

"Thật đáng ngạc nhiên khi không ai ở hiện trường biết cách kích hoạt hệ thống", chuyên gia quốc phòng Bryan Clark nhận định, nhấn mạnh rằng toàn bộ thủy thủ đoàn lẽ ra phải hiểu rõ về tính năng này.

Ngoài ra, hàng loạt sơ suất khác được liệt kê như chậm trễ báo cáo về vụ hỏa hoạn, các chỉ thị đưa ra rối loạn và sự bất lực trong việc phong tỏa một số khu vực đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn trong vụ việc.

Sơ suất tai hại khiến chiến hạm 2 tỷ USD của Mỹ bị cháy thành sắt vụn - 3

Nhiều khu vực của tàu bị cháy trơ khung sau 4 ngày chìm trong "biển lửa" (Ảnh: Reuters).

"Việc con tàu bị loại biên lẽ ra hoàn toàn có thể tránh được", Phó tham mưu trưởng Hải quân Mỹ BilLescherer nhận định. Ông khẳng định những người có liên quan tới việc con tàu bị loại biên sẽ phải chịu trách nhiệm.

Trong cuộc điều tra, hải quân Mỹ đã xác định được 36 người có liên quan tới việc con tàu bị hỏng hoàn toàn, bao gồm cả sĩ quan chỉ huy của tàu.

USS Bonhomme Richard được đưa vào biên chế năm 1998. Vào thời điểm nó bị cháy, giá trị của con tàu ước tính vào khoảng 2 tỷ USD.