Dịch Covid-19:
Số người chết tại Tây Ban Nha vượt 16.000, Italia gần 19.000
(Dân trí) - Pháp, Tây Ban Nha và Italia tiếp tục ghi nhận thêm hàng trăm ca tử vong vì Covid-19, trở thành những ổ dịch lớn nhất tại châu Âu.
Hơn 13.000 người chết tại Pháp
Giám đốc Cơ quan Y tế Pháp Jerome Salomon ngày 10/4 cho biết nước này ghi nhận thêm 987 ca tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 554 ca tại các bệnh viện và 433 ca tại các viện dưỡng lão. Tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Pháp tính đến thời điểm hiện tại được ghi nhận ít nhất 13.197 người.
Số người chết vì Covid-19 tại các viện dưỡng lão ở Pháp đã tăng lên tới 4.599 trường hợp, chiếm hơn 1/3 trong tổng số ca tử vong tại nước này. Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 tại các viện dưỡng lão tại Pháp đã vượt 34.100 người.
Số ca nhiễm và nghi nhiễm virus corona tại Pháp cũng tăng thêm 7.120 người, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 124.869.
Theo thống kê của Bộ Y tế Pháp, 7.004 người đang được điều trị tại các phòng chăm sóc tích cực tính đến ngày 10/4, giảm 62 người so với ngày trước đó.
Giới chức Pháp ngày 10/4 đã chuyển thêm 45 bệnh nhân Covid-19 bằng tàu cao tốc tới khu vực tây nam của nước này nhằm giảm bớt sức ép cho các bệnh viện đang bị quá tải ở khu vực thủ đô Paris.
Khoảng 200 bệnh nhân Covid-19 đã được sơ tán bằng đường bộ và đường hàng không từ khu vực Paris kể từ ngày 1/4. Tây nam Pháp vẫn là một trong những khu vực bị ảnh hưởng ít nhất bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại các viện dưỡng lão vẫn là vấn đề khó khăn tại Pháp. Giới chức y tế vùng Ile-de-France Paris và các khu vực lân cận cho biết hơn 400 trên tổng số 700 viện dưỡng lão tại đây đã ghi nhận ít nhất 1 ca mắc Covid-19.
Pháp đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3 trong một nỗ lực nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19. Người dân chỉ được phép ra ngoài trong các trường hợp cần thiết và sẽ bị xử phạt nếu vi phạm.
“Chúng ta bắt đầu chứng kiến những hiệu quả đầu tiên của lệnh phong tỏa trong những ngày qua”, ông Salomon nói, đồng thời cho biết đại dịch đang “chậm lại” tại Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có bài phát biểu trước toàn dân vào ngày 13/4. Đây là bài phát biểu lần thứ 3 của ông Macron kể từ khi dịch bùng phát tại Pháp. Dự kiến Tổng thống Pháp sẽ thông báo kéo dài lệnh phong tỏa, sau khi lệnh phong tỏa hiện tại kết thúc vào ngày 15/4.
Pháp hiện là nước có số ca tử vong vì Covid-19 cao thứ 3 thế giới, sau Italia và Mỹ, trong khi số ca mắc Covid-19 tại Pháp hiện đứng thứ 4 thế giới.
Italia thêm 510 ca tử vong
Italia ngày 10/4 tiếp tục ghi nhận thêm 510 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát hôm 21/2 lên 18.849 người. Italia cũng là nước có số người chết vì Covid-19 cao nhất thế giới.
Italia hôm qua cũng ghi nhận thêm 3.951 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 147.577 người. Nước vượt qua Italia trên bảng thống kê số người mắc Covid-19 là Mỹ với 501.778 trường hợp.
Tính đến ngày 10/4, 3.497 người đang được điều trị tại các phòng chăm sóc tích cực tại Italia, giảm so với 3.605 người vào ngày trước đó. Đây cũng là ngày giảm thứ 7 liên tiếp, đánh dấu tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Italia.
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte hôm qua thông báo sẽ kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 3/5, thay vì tới ngày 13/4 theo lệnh phong tỏa hiện tại. Các hoạt động kinh doanh tại Italia vẫn phải đóng cửa, trong khi người dân chỉ được ra ngoài nếu có lý do cấp thiết.
Số người chết tại Tây Ban Nha vượt 16.000
Tại Tây Ban Nha, số ca tử vong vì Covid-19 tính đến ngày 10/4 đã lên tới 16.081 trường hợp, tăng 634 ca so với ngày trước đó. Trong khi đó, số ca nhiễm tại Tây Ban Nha tăng thêm hơn 5.000 trường hợp, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 158.273 người và xếp thứ hai thế giới sau Mỹ.
Sau gần 1 tháng áp lệnh phong tỏa toàn quốc, Madrid và Catalan vẫn là hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha. Quân đội Tây Ban Nha đã triển khai gần 7.000 binh sĩ để tham gia cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Tuần tới Tây Ban Nha sẽ bắt đầu chương trình xét nghiệm kháng thể để kiểm soát quy mô dịch Covid-19 tại nước này. Hơn 62.000 người từ 30.000 hộ gia đình sẽ cung cấp mẫu máu để xét nghiệm.
Quốc hội Tây Ban Nha ngày 9/4 đã kéo dài tình trạng khẩn cấp tại nước này đến ngày 26/4. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết nhiều khả năng các biện pháp phong tỏa tại Tây Ban Nha sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất tới ngày 11/5.
Một số nước châu Âu cũng ghi nhận số ca tử vong và mắc Covid-19 tiếp tục tăng lên trong 24 giờ qua.
Số ca tử vong vì Covid-19 tại Anh ngày 9/4 đã tăng vọt lên tới gần 9.000 người, trong khi số ca nhiễm hiện ở mức hơn 73.000 người.
Hà Lan và Bỉ cũng được xem là 2 điểm nóng dịch bệnh tại châu Âu với số người chết lần lượt là 2.511 và 3.019 trường hợp. Thụy Sĩ cho đến nay có ít nhất 1.002 ca tử vong, trong khi số người chết tại Thụy Điển được ghi nhận 870 trường hợp.
Thành Đạt
Theo Reuters, AFP, France 24