1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thỏa thuận ngừng bắn mới trên toàn Syria:

Số 3 mong manh

Dù có lạc quan thế nào đi nữa thì cũng cần nhớ rằng, đây đã là thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc thứ ba tại Syria trong năm qua. Trước đó, hai thỏa thuận tương tự do Mỹ và Nga đưa ra vào tháng 2 và tháng 9-2016 đều sụp đổ chỉ sau vài tuần thực thi.

Thông qua sự trung gian của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Chính phủ Syria và các nhóm đối lập tại nước này vừa đạt được lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria, đồng thời nhất trí khởi động các cuộc hòa đàm. Giới phân tích quốc tế nhận định, đây có thể là bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến kéo dài gần 6 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Theo hãng tin TASS, lệnh ngừng bắn nói trên chính thức có hiệu lực từ ngày 30-12-2016. Tham gia thỏa thuận ngừng bắn có các lực lượng Chính phủ Syria và 7 nhóm vũ trang đối lập, với khoảng 60.000 tay súng.

Ba văn bản đã được ký, bao gồm thỏa thuận ngừng bắn, các cơ chế kiểm soát để bảo đảm thỏa thuận này được thực hiện và quan trọng hơn là tuyên bố khởi động tiến trình đàm phán nhằm tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria.

Được biết, quân đội Syria tuyên bố sẽ dừng mọi hoạt động quân sự, trừ cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các tay súng thuộc Mặt trận Al-Nusra có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda.

Cảnh hoang tàn tại thành phố Aleppo của Syria, nơi chứng kiến những cuộc giao tranh được coi là ác liệt nhất. Ảnh: BBC
Cảnh hoang tàn tại thành phố Aleppo của Syria, nơi chứng kiến những cuộc giao tranh được coi là ác liệt nhất. Ảnh: BBC

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29-12, Tổng thống Bashar al-Assad đã khẳng định sẵn sàng tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn mới. Trong khi đó, Liên minh Dân tộc đối lập Syria cũng tuyên bố ủng hộ lệnh ngừng bắn, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ thỏa thuận này.

Theo tờ The Guardian (Anh), dự kiến sắp tới, các bên sẽ tham gia đàm phán hòa bình ở Kazakhstan sau khi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran tuyên bố sẵn sàng làm trung gian để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài sáu năm qua tại Syria.

Tổng thống Putin mới đây khẳng định, Nga sẽ tiếp tục ủng hộ Tổng thống al-Assad và cho biết Moskva sẽ giảm lực lượng trên lãnh thổ Syria.

Còn theo Reuters, mặc dù không tham gia các cuộc đàm phán gần đây và cũng sẽ không xuất hiện tại vòng đàm phán sắp tới ở Kazakhstan, song Mỹ có thể trở lại tiến trình hòa bình ở Syria sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống.

Mới đây, trong một lần xuất hiện trên truyền hình, Tổng thư ký mới của Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định rằng, cuộc xung đột tại Syria "đã trở thành một khối ung thư trên quy mô toàn cầu". Cuộc chiến này không chỉ gây ra sự đau khổ cho người dân Syria, mà còn làm nảy sinh "những phản ứng bạo lực mà trong một số trường hợp sẽ dẫn đến hành động khủng bố".

Có lẽ vì vậy mà giới chức các quốc gia liên quan và dư luận quốc tế đều cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn mới là một diễn biến tích cực và sẽ mở ra hướng đi quan trọng để giải quyết vấn đề Syria.

Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura, bày tỏ hy vọng thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính phủ Syria và các nhóm đối lập sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán mang tính xây dựng trong thời gian tới và trước mắt sẽ giúp bảo vệ tính mạng của người dân, tạo điều kiện cho công tác cứu trợ nhân đạo trên khắp Syria.

Có cùng quan điểm như trên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn ở Syria đang mở ra một cơ hội không nên bị bỏ phí. Về phần mình, Ngoại trưởng Walid al-Moualem nhận định rằng đã xuất hiện “cơ hội thực sự" để đạt được giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria.

Thế nhưng, dù có lạc quan thế nào đi nữa thì cũng cần nhớ rằng, đây đã là thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc thứ ba tại Syria trong năm qua. Trước đó, hai thỏa thuận tương tự do Mỹ và Nga đưa ra vào tháng 2 và tháng 9-2016 đều sụp đổ chỉ sau vài tuần thực thi.

Cũng chính vì thế mà có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại rằng, thỏa thuận lần này cũng đang đứng trước nguy cơ “chết yểu”. Nhận định này càng có cơ sở khi chỉ ít giờ sau khi lệnh ngừng bắn thứ ba có hiệu lực, các cuộc giao tranh giữa lực lượng Chính phủ Syria và các tay súng đối lập đã tiếp tục nổ ra ở một số nơi.

Khi mà tất cả các bên đều tạm buông súng, chỉ cần một vi phạm nhỏ cũng có thể khiến cảnh chết chóc tái diễn và hy vọng về hòa bình thực sự tại Syria sẽ thêm một lần nữa bị chôn vùi.

Theo Trung Dũng

Quân đội nhân dân