Hòa bình Syria: Mỹ buộc phải theo chân Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc thông qua thỏa thuận ngừng bắn ở Syria do Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran thành lập, máy bay Mỹ phải kiêng dè ở Syria.
Ngày 31/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết chấp thuận lệnh ngừng bắn tại Syria, vốn do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dàn xếp. Dự thảo nghị quyết có nội dung ủng hộ lệnh ngừng bắn tại Syria, cũng như cuộc đàm phán hòa bình dự kiến diễn ra tại Thủ đô Astana của Kazakhstan.
Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria chính thức có hiệu lực từ 0 giờ ngày 30/12 theo giờ địa phương và gần như được tuân thủ trên khắp lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, vẫn có thông tin về các vụ đụng độ rải rác gần Thủ đô Damascus.
Thỏa thuận này đạt được giữa Chính phủ Syria và các nhóm đối lập thông qua sự trung gian của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận không áp dụng đối với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng và Dzhebhat al-Nusra đang hoạt động tại đây.
Thông tấn TASS của Nga cho hay, thỏa thuận ngừng bắn có sự tham gia của các lực lượng Chính phủ Syria và bảy nhóm vũ trang đối lập với khoảng 60.000 tay súng. Giới phân tích quốc tế nhận định đây có thể là bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến ở Syria.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ đã hoàn toàn bị gạt ra khỏi các vai trò tái thiết ở Syria và rơi vào vị thế vô cùng yếu khi nhất cử nhất động ở đây đều cần "xin ý kiến" của 3 nhân tố chủ chốt trên.
Đương nhiên, Mỹ không hài lòng với kết cục này.
Cố vấn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ilnur Cevik trả lời phỏng vấn Sputnik hôm 30/12 cho rằng, Washington muốn trừng phạt Moscow và Ankara vì những bước tiến thành công của họ trong vấn đề giải quyết xung đột ở Syria bằng cách viện cớ sự can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ và gia tăng hàng loạt các hạn chế với cá nhân và quan chức tình báo Nga.
"Người Mỹ, tất nhiên là rất thất vọng vì bị đẩy lùi về kế hoạch phía sau và bị gạt ra khỏi tình hình ở Syria… Vì vậy họ đã nghĩ ra những lí do bên ngoài rằng Nga có liên quan tới các cuộc tấn công mạng chống lại chính quyền Mỹ và yêu cầu 35 nhà ngoại giao Nga rời khỏi nước họ. Hành động này không chỉ nhằm phá hoại những mối quan hệ tốt đẹp giữa ngài Putin và ngài Trump, mà còn để trừng phạt Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vì những bước tiến thành công tại Syria” – ông Cevik nói.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn trên Kênh 5 truyền hình Italy, Tổng thống Assad khẳng định chính quyền Syria có thái độ lạc quan thận trọng vì chưa biết được chính sách mà Tổng thống đắc cử Trump sẽ theo đuổi liên quan tới khu vực Trung Đông nói chung và cách thức mà ông Trump sẽ liên lạc với các nhóm vận động hành lang ở Mỹ, trong đó có những nhóm "phản đối mọi giải pháp ở Syria và việc cải thiện quan hệ với Nga".
Ông Assad còn nhận định rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Mỹ sẽ có lợi cho gần như toàn bộ thế giới, trong đó có cả những nước nhỏ như Syria, do vậy nó có thể đem lại giải pháp chấm dứt xung đột tại quốc gia Trung Đông này.
Theo Ngọc Dương
Đất Việt