1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Sinh viên Singapore "ngồi trên đống lửa" vì nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ

(Dân trí) - Nhiều sinh viên Singapore đang lo lắng vì chính sách thị thực mới của chính quyền Tổng thống Trump, trong đó các sinh viên học trực tuyến hoàn toàn có nguy cơ bị trục xuất hoặc không được cấp visa.

Sinh viên Singapore ngồi trên đống lửa vì nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ - 1

(Ảnh minh họa: VIA)

Sau vài tuần tìm kiếm nhà thuê tại thành phố New York, sinh viên Katherine Sumantri, 25 tuổi, cuối cùng đã có thể làm hợp đồng thuê một căn hộ cùng 3 sinh viên khác vào ngày 6/7.

Sumantri đã đặt vé máy bay từ Singapore tới New York để bắt đầu năm thứ 2 và cũng là năm học cuối tại trường Teachers College, Đại học Columbia dù các lớp học của cô sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến do đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Nhưng chỉ một giờ sau khi thỏa thuận thuê nhà được chấp nhận, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) đã ra một thông báo nói rằng sinh viên tham gia các khóa học hoàn toàn trực tuyến sẽ không được cấp thị thực vào Mỹ. Thông báo này được áp dụng với cả các sinh viên quốc tế đã có lớp học chuyển sang hình thức online do các lo ngại về tình hình dịch bệnh.

Sự thay đổi bất ngờ này đã khiến kế hoạch của Sumantri và hàng trăm nghìn sinh viên quốc tế khác bị đảo lộn, và họ phải liên lạc khẩn cấp với các trường để xem liệu mình có bị ảnh hưởng hay không.

“Thực trạng tình hình của các sinh viên quốc tế lúc này là có nhiều điều không chắc chắn và không ai trong số chúng tôi thực sự biết cần phải làm gì tiếp theo”, Sumantri cho biết sau khi phải hủy vé máy bay và hợp đồng thuê nhà.

“Tôi chưa từng rơi vào tình huống như thế này, khi bạn cảm thấy vô vọng”, cô nói.

Theo số liệu của Viện Giáo dục Quốc tế, có 4.632 sinh viên Singapore theo học tại Mỹ trong năm ngoái. Tổng số các sinh viên quốc tế tại Mỹ rơi vào khoảng trên 1 triệu người.

Một số trường đại học đang đưa ra hình thức các lớp học xen kẽ giữa trực tuyến và trên lớp, hoặc cho phép các sinh viên thay đổi các học phần của khóa học để tham gia một chương trình trên lớp, qua đó giúp họ không bị hủy thị thực.

Ít nhất 12 trường đại học hàng đầu, trong đó có các trường thuộc nhóm Ivy League như Đại học Harvard hay mạng lưới Đại học California, đã phát đơn kiện quy định mới của ICE.

“Nếu súng và niềm tự hào của nền giáo dục Mỹ đang chĩa về phía chúng tôi thì tôi nghĩ họ cần suy nghĩ lại, tôi hi vọng như vậy”, Benita Lim, 33 tuổi, người đang học năm thứ 2 chương trình tiến sĩ về văn hóa và thần học tại viện Fuller Seminary ở Los Angeles, cho hay.

Lim cho biết, trường của cô phải đưa ra quyết định về việc cần làm gì vào đầu tháng 8 tới. “Chúng tôi sẽ ở trong tình trạng vô hướng trong khoảng 1 tháng”, cô nói.

Thậm chí các sinh viên có các lớp học được thực hiện theo hình thức bán trực tiếp và nhiều khả năng tiếp tục được cấp thị thực sinh viên cũng phải quyết định giữa việc liệu có trở lại Mỹ hay không và nguy cơ bị "tống cổ" nếu tình hình dịch Covid-19 ngày càng xấu đi và các trường lại phải đóng cửa.

Clarissa Eyu, 24 tuổi, người hiện đang học thạc sĩ về quan hệ công chúng tại Đại học Nam California, đã được thông báo rằng một trong các lớp học của cô yêu cầu phải tham gia trực tiếp.

“Dù là điều đó có thể giúp giảm bớt một gánh nặng lúc này nhưng nguy cơ trục xuất vẫn có thể xảy ra ở giữa học kỳ”, Eyu, người sẽ trở lại Mỹ vào ngày 15/7, cho biết.

Nếu các sinh viên lựa chọn tham gia các lớp học trực tuyến từ Singapore, họ sẽ phải học vào nửa đêm do lệch múi giờ và không được tiếp cận thư viện và phòng thí nghiệm.

Một số sinh viên Singapore đã tham gia các nhóm trò chuyện trực tuyến để nắm bắt các thông tin mới nhất, chia sẻ các cách thức để thích ứng với hệ thống di trú hay thay đổi của Mỹ.

Một sinh viên cho biết cô đang cân nhắc lại về việc học tại một trường đại học trong nước, trong khi một người khác cho hay cô không thể chuyển các tín chỉ sang trường đại học mà cô muốn.

Lựa chọn giữa học hành và sức khỏe

Các sinh viên từ Singapore cho biết quy định thị thực cũng buộc họ phải giữa chọn giữa sự an toàn và việc học, không giống các bạn cùng lớp tại Mỹ có thể học trực tuyến hoàn toàn và không bị nguy hiểm về sức khỏe.

Lim cho biết cô không cảm thấy an toàn khi tham gia các lớp học trực tiếp trong bối cảnh số ca Covid-19 tại California đang tăng mạnh và cô vẫn nhìn mọi người đi lại mà không đeo khẩu trang.

“Bạn không biết có bao nhiêu người thực sự có trách nhiệm khi vào lớp học. Cuối cùng, tôi sẽ phải chọn sức khỏe. Tôi có người thân và không muốn khiến gia đình lo lắng. Dù phải ngừng mọi thứ lại thì tôi cũng phải làm”, Lim nói.

Những người có kế hoạch xin việc làm tại Mỹ sau khi tốt nghiệp theo chương trình thực tập không bắt buộc (OPT) phải tham gia học 1 năm học đầy đủ và phải có mặt tại Mỹ mới đủ tiêu chuẩn.

“Tôi sẽ không chỉ chọn giữa học hành và sức khỏe, mà cũng là chọn nghề nghiệp tương lai”, Eyu nói.

Quy định mới của ICE là một trong số vài biện pháp được chính phủ Mỹ đưa ra gần đây nhằm hạn chế thị thực sinh viên và lao động đối với người nước ngoài trong dịch Covid-19. Các nhà chỉ trích cho rằng Covid-19 đang bị xem là cái cớ để chính quyền của Tổng thống Donald Trump để kiểm soát nhập cư, trong bối cảnh các sinh viên quốc tế đã được học trực tuyến từ kỳ học trước.

“Họ để nguyên với kỳ học trước khi đại dịch diễn ra. Nhưng khi đại dịch vẫn tiếp diễn, họ quyết định thay đổi các quy định”, Sumantri nói.

Nhưng Sumantri cho biết, cô ấm lòng bởi sự ủng hộ của những người bạn Mỹ cùng lớp thay mặt các sinh viên quốc tế vận động với các chính trị gia địa phương và nhà trường, mà sau đó các trường tuyên bố rằng sinh viên quốc tế cần học trực tiếp sẽ được phép học mà không phải đóng thêm phí.

“Tôi học trung học tại Mỹ rồi tiếp tục học đại học. Đây là ngôi nhà thứ 2 của tôi và đây là lần đầu tiên trong suốt những năm qua tôi cảm thấy không được chào đón. Tôi không biết bạn cảm thấy thế nào tại một nơi bạn không được hoan nghênh. Có một điều là bạn bè ủng hộ bạn và nhà trường nói họ cần bạn có mặt ở đó. Nhưng đây là một văn bản chính thức của chính phủ. Tôi không muốn quay lại khi tôi không được chào đón”.

An Bình

Theo ST