1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Siêu tăng T-90 Nga lộ điểm yếu khi giáp lá cà với thiết giáp Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, đoạn video ghi lại cảnh thiết giáp M2 của Ukraine phá hủy xe tăng T-90 của Nga cho thấy siêu tăng của Moscow có điểm yếu dù sở hữu thông số vượt trội hơn.

Siêu tăng T-90 Nga lộ điểm yếu khi giáp lá cà với thiết giáp Ukraine - 1

Thiết giáp Bradley của Ukraine nã hỏa lực vào siêu tăng T-90 của Nga (Ảnh: Telegraph).

Trong tháng này, thiết giáp M2 Bradley của Ukraine đã phá hủy xe tăng T-90 của Nga trong một trận chiến Stepove, bên ngoài Avdiivka.

Trong cuộc đối đầu với chiếc xe tăng được trang bị vũ khí và lớp giáp thép mạnh mẽ hơn, kíp lái M2 đã có chiến thuật sáng tạo để giành lợi thế. Nó đồng thời cho thấy nhược điểm trên chiếc T-90 khiến Ukraine đã khai thác thành công.

Thiết giáp Bradley Ukraine phá hủy siêu tăng T-90 Nga (Video: Telegraph).

Mykola Salamakha, một chuyên gia về tác chiến xe tăng, cho hay, T-90 có thông số kỹ thuật vượt trội và trên lý thuyết có thể áp đảo M2 trong một cuộc chiến giáp lá cà. Tuy nhiên, T-90 cũng sở hữu những điểm yếu.

Đầu tiên, các điểm ngắm và công cụ quan sát dành cho cả chỉ huy xe tăng và xạ thủ của T-90 quá hẹp để cận chiến: 4⁰ khi phóng to cỡ 12x và 12⁰ khi phóng to cỡ 4x. Điều này khiến kíp lái T-90 khó quan sát trọn vẹn tình hình bên ngoài, nhất là trong bối cảnh thiết giáp Ukraine áp sát ở khoảng cách chỉ 150-200m.

Một đặc điểm khác là tấm bảo vệ trên ống ngắm của súng PNM-T và ống ngắm toàn cảnh quá lớn, khiến chúng dễ dàng trở thành mục tiêu hoàn hảo để bắn ở cự ly 150m.

Trong đoạn video nói trên, kíp lái của M2 đã nhắm hỏa lực vào bộ phận quang học của xe tăng T-90. Đây là bộ phận giúp kíp xe tăng Nga quan sát chiến trường.  Lúc này, xe tăng Nga trở nên mất phương hướng vì không thể quan sát chiến trường và quân nhân Ukraine bắt đầu tung đòn quyết định.

Ngoài ra, T-90 còn có vấn đề về hỏa lực. Quá trình nạp đạn trên xe tăng mất ít nhất 8 giây trong khi pháo tự động M242 Bushmaster của M2 Bradley có thể bắn gần như không ngừng nghỉ. Trong một trận giáp lá cà, việc đạn được phóng ra liên tiếp rất quan trọng để một bên áp đảo bên còn lại. Các xe sẽ không có nhiều thời gian để phản ứng với tình huống khi bị tấn công liên tiếp.

Ngoài ra, theo chuyên gia Salamakha, T-90 cũng có những điểm yếu khác dễ bị khai thác khi cận chiến.

Phần tháp chỉ huy nhìn chung chỉ được bảo vệ bằng giáp 30mm, tháp pháo có lớp giáp chỉ dày 25mm, khu đựng đạn phía sau tháp pháo được bọc giáp 20mm, còn lớp giáp phía 40mm phía sau có thể chịu được một phát bắn của súng phóng lựu nhưng không thể chịu được một phát bắn bằng đạn xuyên giáp của Bradley.

Đây là những điểm yếu mà đối phương hoàn toàn có thể nhằm vào khi cận chiến với T-90, làm suy giảm đáng kể năng lực tác chiến của siêu tăng này. Đó là lý do vì sao T-90 dù áp đảo về mặt thông số nhưng lại chịu thất thế trước Bradley trong cuộc đối đầu trực diện. 

Bradley là xe chiến đấu bộ binh do Mỹ phát triển vào những năm 1970 để đối phó với xe chiến đấu bộ binh của Liên Xô.

Ngoài khả năng chở binh sĩ và bảo vệ cho bộ binh trên chiến trường, xe bọc thép này còn được coi là một loại "sát thủ diệt tăng" khi được trang bị 2 bệ phóng với 7 tên lửa chống tăng TOW. Lớp giáp của Bradley có thể chịu được hỏa lực súng máy hạng nặng đối thủ.

Theo Defense Express