1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Saudi Arabia "thêm dầu vào lửa" ở Trung Đông

Trong một động thái được cho là đổ thêm dầu vào lửa, Bộ Nội vụ Saudi Arabia hôm 2-1 thông báo đã xử tử 47 người bị kết tội “khủng bố”, trong đó có Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr.

Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr là nhân vật chủ chốt trong làn sóng biểu tình nổ ra năm 2011 ở miền Đông Saudi Arabia, nơi cộng đồng người Shiite thiểu số lên tiếng bày tỏ sự bất mãn vì bị chính quyền cách ly.

Vụ hành quyết này đã vấp phải làn sóng giận dữ của người Shiite khắp nơi trên thế giới, và khiến căng thẳng leo thang trên toàn khu vực.

Thế giới phản đối hành động của Saudi Arabia

Ngày 3-1, lãnh tụ tinh thần của Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei cảnh báo Saudi Arabia sẽ phải đối mặt với “cuộc báo thù thần thánh” liên quan tới việc Riyadh xử tử Giáo sỹ Nimr. Đại Giáo chủ Ali Khamenei nhấn mạnh hành động trên là “sai lầm” của Chính phủ Saudi Arabia.

Trước đó, đêm 2-1, một đám đông người biểu tình Iran đã dùng bom xăng tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia ở thủ đô Tehran. Thậm chí, hàng chục người đã đột nhập vào bên trong Đại sứ quán, phá hủy đồ đạc và đốt cháy trụ sở, bất chấp hàng rào an ninh được thắt chặt.

Saudi Arabia "thêm dầu vào lửa" ở Trung Đông - 1

Người Hồi giáo Shiite biểu tình phản đối bên ngoài Đại sứ quán Saudi Arabia ở thủ đô Sanaa, Yemen ngày 2-1.

Trước đó cùng ngày, Chính phủ Iran cũng đã triệu Đại biện lâm thời Saudi Arabia tại Tehran để phản đối vụ Giáo sĩ Nimr bị xử tử. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaber Ansari đã cáo buộc Chính phủ Saudi Arabia hỗ trợ khủng bố và các phần tử cực đoan takfiri, trong khi lại hành quyết những người bất đồng.

Ông Ansari nhấn mạnh vụ việc cho thấy “sự thiếu thận trọng và thiếu trách nhiệm” của Saudi Arabia: “Chính phủ Saudi Arabia sẽ phải trả giá đắt vì đã áp dụng chính sách như vậy”. Không chỉ Iran, Liban cũng lên tiếng phản đối hành động của Saudi Arabia. Hội đồng Hồi giáo Shiite Tối cao của Liban cho rằng, Riyadh đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng.

Tại Bahrain, lực lượng an ninh đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông vài trăm người biểu tình ở làng Abu-Saiba, phía Tây thủ đô Manama, phản đối hành động của Saudi Arabia. Tại Iraq, hàng trăm người đã biểu tình phản đối tại thành phố Karbala linh thiêng của người Shiite. Nhà lập pháp Khalaf Abdelsamad đã kêu gọi đóng cửa Đại sứ quán của Saudi Arabia tại thủ đô Baghdad và hối thúc chính phủ trục suất Đại sứ Saudi Arabia. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cũng cho rằng vụ Riyadh xử tử Giáo sĩ Nimr có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đối với an ninh khu vực.

Trong khi đó, từ châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời cảnh báo rằng vụ việc này có thể gây ra “các hậu quả nghiêm trọng” đối với khu vực. Tại Đức, một quan chức Bộ Ngoại giao giấu tên đã bày tỏ quan ngại về vụ việc trên, đồng thời tái khẳng định lập trường của Berlin rằng án tử hình là một hình phạt vô nhân đạo.

Còn Mỹ thì đưa ra cảnh báo đối với Saudi Arabia, việc nước này xử tử Giáo sĩ Nimr sẽ khiến Riyadh phải đối mặt với “nguy cơ gia tăng căng thẳng tôn giáo”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cũng hối thúc Saudi Arabia “tôn trọng và bảo vệ” nhân quyền, đảm bảo việc xét xử minh bạch và công bằng trong tất cả các vụ án. Ông Kirby cũng tái khẳng định sự cần thiết của việc các nhà lãnh đạo Trung Đông cần tăng gấp đôi nỗ lực để giảm leo thang căng thẳng khu vực.

Về phía tác giả vụ việc, trong một động thái đáp trả, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ngày 2-1 thông báo đã triệu Đại sứ Iran tại Riyadh để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với “những tuyên bố hung hăng của Iran về bản án được thực thi ngày hôm nay (2-1) đối với các phần tử khủng bố ở Vương quốc (Saudi Arabia)”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Saudi Arabia Mansur al-Turki đã gọi phản ứng của Iran là “vô trách nhiệm”.

Xung đột Saudi Arabia – Iran hay mâu thuẫn Shiite – Sunni?

Với việc “sở hữu” hai Thánh địa Hồi giáo Mecca và Medina, Saudi Arabia bấy lâu nay luôn tự coi mình là quốc gia lãnh đạo thế giới Hồi giáo và Riyadh không thể chấp nhận một Iran, quốc gia Shitte nằm trong khu vực người Sunni chiếm đa số, giương cao ngọn cờ Shitte để lãnh đạo khu vực. Theo đó, trong nhiều năm qua, Saudi Arabia và các đồng minh chống Iran đã phản ứng bằng việc áp dụng chiến lược đổ dầu vào lửa xung đột Shiite – Sunni.

Minh chứng là trong nhiều thập kỷ, mạng lưới giáo dục Hồi giáo do Saudi Arabia tài trợ khắp thế giới tập trung tuyên truyền chống người Hồi giáo Shiite. Không chỉ Saudi Arabia, trong thập niên 80, Pakistan cũng từng mở chiến dịch đàn áp người Shiite để chặn ảnh hưởng của Iran. Năm 2003, xung đột Shiite - Sunni tiếp tục bùng lên khi Mỹ đưa quân xâm chiếm Iraq. Và căng thẳng giữa hai giáo phái Hồi giáo này được đẩy lên cao độ khi cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) “ra đời” tại Iraq. IS không công nhận người Shiite là người Hồi giáo, buộc họ lựa chọn hoặc cải đạo, hoặc bị xử tử.

Tuy nhiên, trên thực tế, các chuyên gia Trung Đông và giới quan sát quốc tế chỉ ra rằng, xung đột Shiite - Sunni chủ yếu xuất phát từ tham vọng tranh giành quyền lực và ảnh hưởng chính trị, chứ mâu thuẫn giáo phái chỉ đóng một vai trò rất nhỏ. Giáo sĩ người Lebanon Shiite Seyed Ali Fadlullah nhận định, công cụ giáo phái luôn được các thế lực chính trị sử dụng trong cuộc tranh giành quyền lực bởi hiệu quả của nó là rất lớn.

Giáo sĩ Hồi giáo Nimr al-nimr là ai?

Được coi là tiếng nói phản đối sự phân biệt đối xử của Chính phủ Saudi Arabia theo dòng Sunni đối với cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite thiểu số, Giáo sĩ Nimr, 56 tuổi, là giáo chức cao cấp của hệ phái Shiite, một gương mặt nổi bật của phong trào phản kháng triều đại Al-Saoud theo hệ phái Sunni.

Giáo sĩ Nimr là một trong những nhân vật chủ chốt trong cuộc tuần hành chống chính phủ diễn ra tại miền Đông Saudi Arabia hồi năm 2011, khi đang diễn ra phong trào biểu tình Mùa xuân Arab tại Trung Đông. Khi đó, Giáo sĩ Nirm khẳng định, ông không chỉ đứng về phía người Shitte mà còn cả những người mong muốn sự thay đổi sau nhiều năm sống trong chế độ độc tài. Ông đồng thời phản đối mọi hình thức bạo lực và được nhiều người đạo Hồi tôn trọng.

Chỉ sau đó 1 năm, năm 2012, Giáo sĩ Nimr bị bắt giữ, và bị chính quyền Riyadh gán tội danh “xúi giục bạo động, phá hoại an ninh quốc gia” cũng như lên án chống chính phủ và bảo vệ cho những tù nhân chính trị của nước này. (Kim Linh)

Theo Khổng Hà (tổng hợp)

Công an nhân dân