1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Saudi Arabia hứng bão “chỉ trích” vì vụ sát hại nhà báo Khashoggi

Saudi Arabia tiếp tục hứng chịu “cơn bão chỉ trích” từ dư luận quốc tế khi vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi dần được làm sáng tỏ.

Saudi Arabia bác bỏ mạnh mẽ vụ việc có liên quan đến chính quyền Hoàng gia, các nước đã bắt đầu đưa ra các đòn trừng phạt đầu tiên nhằm vào nước này và dự kiến các biện pháp trừng phạt sẽ còn tiếp tục.


Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters


Nhận định về bài phát biểu trên của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, đó là những lời lẽ “khá gay gắt” dành cho chính quyền Riyadh. Tuy nhiên, chính nhà lãnh đạo Mỹ cũng phải thừa nhận, đồng minh thân cận bậc nhất của Washington tại khu vực, đã dàn dựng một “vụ che giấu tồi tệ nhất” lịch sử. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, cách chính quyền Saudi Arabia đã thực hiện vụ ám sát và che giấu vụ việc là một thất bại hoàn toàn, ngay cả khi nó chưa bắt đầu.Ngày 23/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên tiếng bác bỏ toàn bộ câu chuyện được phía Saudi Arabia đưa ra trong vụ giết hại nhà báo Khashoggi, rằng ông này đã chết trong một vụ xô xát bên trong Lãnh sứ quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan cho rằng, đây là một kế hoạch được Saudi Arabia chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng thời thúc giục chính quyền Riyadh điều tra “từ đầu đến cuối” vụ việc để vạch trần những người có liên quan.

“Tôi cho rằng họ không nên nghĩ về nó. Một khi họ nghĩ về nó, mọi thứ khác cũng sẽ là sai lầm. Họ không nên nghĩ đến điều này cũng như thực hiện chúng. Một khi họ nghĩ về nó, mọi thứ họ làm đều xấu. Việc thực hiện và che đậy vụ việc thật khủng khiếp. Đáng lẽ không bao giờ nên có một cuộc hành quyết hay một sự che đậy nào cả”, Tổng thống Trump nói.

Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với Saudi Arabia khi Washington đã có thể xác định được 21 đối tượng có liên quan đến vụ việc.

“Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ làm việc với Quốc hội và các quốc gia khác để trừng phạt những người chịu trách nhiệm về vụ việc giết hại nhà báo Khashoggi. Chúng tôi đã xác định được ít nhất một số cá nhân có trách nhiệm bao gồm những người trong cơ quan tình báo, Tòa án Hoàng gia, Bộ Ngoại giao và các bộ khác của Saudi Arabia. Chúng tôi sẽ thu hồi thị thực nhập cảnh và sẽ đưa ra một số biện pháp khác”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết.

Theo ông Pompeo, Mỹ có thể áp dụng Đạo luật Magnitsky Toàn cầu để trừng phạt các cá nhân nước ngoài bằng cách phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào nước này. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là động thái cuối cùng của Mỹ.

Trước Mỹ, chính phủ Đức ngày 22/10 cũng đã quyết định ngừng hợp tác quân sự với chính quyền Saudi Arabia như một biện pháp trừng phạt. Cường quốc số một châu Âu đã kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đưa ra những hành động tương tự. Trong khi đó, các đại diện, công ty từ nhiều nước phương Tây cũng đã tẩy chay Hội nghị “Sáng kiến đầu tư cho tương lai” đang diễn ra tại Saudi Arabia, khi cho rằng Riyadh phải chịu trách nhiệm về vụ giết hại nhà báo Khashoggi.

Ngày 23/10, Ngoại trưởng các nước thuộc Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã ra tuyên bố “lên án vụ sát hại nhà báo Khashoggi bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất”, đồng thời kêu gọi Riyadh phải đảm bảo vụ việc như vậy không bao giờ tái diễn. Trong tuyên bố, các Ngoại trưởng G7 cho rằng những giải thích của Saudi Arabia về cái chết của nhà báo Khashoggi “để lại nhiều câu hỏi không có lời giải đáp”. Các Ngoại trưởng G7 cũng nhắc lại lời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, đáng tin cậy, minh bạch và nhanh chóng.

Trước cơn bão chỉ trích của dư luận và những trừng phạt bước đầu từ các nước đồng minh thân cận, nội các Saudi Arabia hôm qua đưa ra cam kết sẽ “mạnh tay” với những người “không hoàn thành nhiệm vụ” và gây ra cái chết cho nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, cường quốc vùng vịnh này vẫn kịch liệt bác bỏ vụ việc có liên quan đến chính quyền hoàng gia, trong đó có Thái tử Mohammad Bin Salman.

Theo Đình Nam

VOV1