1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sau tàu ngầm, Australia, Mỹ tăng cường hợp tác về chiến lược vũ trụ

Thanh Thành

(Dân trí) - Australia và Mỹ sẽ đẩy mạnh hợp tác trong không gian, bao gồm cả sứ mệnh đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2024, còn gọi là "Sứ mệnh Artemis", như một phần của thỏa thuận an ninh AUKUS.

Sau tàu ngầm, Australia, Mỹ tăng cường hợp tác về chiến lược vũ trụ - 1

Tổ hợp liên lạc truyền thông không gian sâu Canberra (CDSCC), một trạm Trái đất tại Tidbinbilla, Australia (Ảnh: Guardian).

Phát biểu trong một hội thảo với Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson về vai trò của Australia trong sứ mệnh đưa con người quay trở lại Mặt trăng vào năm 2024, Giám đốc Cơ quan vũ trụ Australia Enrico Palermo ngày 7/10 nhấn mạnh rằng chính thỏa thuận an ninh AUKUS (giữa Mỹ - Anh và Australia) sẽ giúp thúc đẩy hợp tác giữa nước này với Mỹ trong lĩnh vực không gian.

"Thỏa thuận Aukus là một dấu hiệu cho sự hợp tác ngày càng sâu rộng... giữa Mỹ, Australia và Anh. Và chúng tôi hy vọng động lực này sẽ tiếp tục trong nhiều lĩnh vực thương mại lớn hơn nữa cũng như lĩnh vực không gian trong tương lai gần", ông Palermo nói.

Ông Palermo cho biết thêm, việc Canberra ký Sứ mệnh Artemis về các quy tắc khám phá không gian là dấu hiệu cam kết rõ ràng đối với "các quy tắc và chuẩn mực nhằm đảm bảo sự an toàn, ổn định và bền vững ở bên ngoài không gian".

Về phần mình, ông Nelson đã nói về liên minh lâu đời của Australia trong các cuộc chiến và trong nhiệm vụ không gian Apollo, đồng thời đề cập đến vai trò của Canberra trong cuộc đổ bộ lên Mặt trăng vào năm 1969. Ông cam kết, NASA sẽ sớm thông báo chi tiết hơn về vai trò của Australia trong Sứ mệnh Artemis.

"Chúng tôi đã hợp tác với Cơ quan vũ trụ Australia để xác định năng lực hợp tác trên Mặt trăng vì chúng ta sẽ trở lại Mặt trăng. Chúng tôi đã từng ở đó nhưng lần này, nhiệm vụ sẽ khác hơn: đó là ở lại, tìm hiểu và chuẩn bị lên sao Hỏa", Giám đốc NASA cho biết. Theo ông, đó sẽ là một sự hợp tác tuyệt vời.

Khi được các đại biểu giải thích chi tiết, ông Palermo chỉ đơn giản nói: "Hãy theo dõi động thái theo".

Không gian vũ trụ được xem là một phần quan trọng của bất kỳ chiến lược quân sự nào trong tương lai, vì vệ tinh là thiết bị cần thiết cho việc liên lạc, điều hướng và dẫn hướng vũ khí.

Có những lo ngại về nguy cơ các nước có thể nhắm mục tiêu vào các vệ tinh như vậy khi xung đột leo thang, khiến các nước khác, trong đó có Australia, sẽ rơi vào tình trạng "điếc, câm và mù".