1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Vì sao Mỹ chọn lập liên minh AUKUS vào thời điểm này?

Minh Phương

(Dân trí) - Thỏa thuận an ninh, quốc phòng giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) được cho là một phần trong chiến lược xoay trục của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Vì sao Mỹ chọn lập liên minh AUKUS vào thời điểm này? - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại lễ công bố thỏa thuận AUKUS (Ảnh: Reuters).

Hôm 15/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã công bố một thỏa thuận hợp tác an ninh - quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay còn gọi là thỏa thuận AUKUS. Thỏa thuận này cho phép Mỹ, Anh cung cấp công nghệ và khả năng phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia.

Giới phân tích đánh giá, đây là thỏa thuận an ninh lớn nhất giữa 3 quốc gia kể từ Thế chiến hai. Guy Boekenstein thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Asia Society nhận định: "Thỏa thuận cho thấy cả ba quốc gia này đang vạch ra làn ranh giới nhằm bắt đầu đối phó với những hành động của Trung Quốc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Thỏa thuận nhằm năng lực quân sự cho Australia, tách biệt với liên minh chia sẻ tình báo Ngũ nhãn trong đó có cả New Zealand và Canada. AUKUS tập trung vào cung cấp công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, nhưng cũng bao gồm hợp tác chia sẻ công nghệ an ninh mạng và các công nghệ dưới nước khác.

Vì sao Mỹ chọn thời điểm này để lập liên minh AUKUS?

Thời điểm ra mắt AUKUS cũng đáng chú ý. Thỏa thuận này được công bố không lâu sau khi chính quyền Tổng thống Biden hoàn toàn chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan sau gần 20 năm. Guardian nhận định, điều này cho thấy, Mỹ đang tăng cường cho chiến lược xoay trục sang châu Á, củng cố niềm tin ở các đồng minh trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng bành trướng ảnh hưởng ở khu vực. AUKUS có thể coi là tuyên bố về sự hiện diện thường trực, lâu dài của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cùng lúc đó, Anh cũng có những mục tiêu đầy tham vọng nhằm khẳng định vị thế sau khi rời Liên minh châu Âu bằng cách xoay trục sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Vì sao Mỹ chọn lập liên minh AUKUS vào thời điểm này? - 2

AUKUS sẽ giúp tăng cường năng lực tàu ngầm của Australia (Ảnh: Australia Royal Navy).

Một câu hỏi đặt ra là vì sao Australia được chọn trong liên minh này. BBC dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, việc hiện diện các tàu ngầm hạt nhân ở Australia có ý nghĩa quan trọng đối với duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực. Báo Washington Post cũng có bình luận tương tự: "Australia có vai trò quan trọng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á. Australia ngả về Mỹ, nhưng túi tiền của họ lại đang phụ thuộc lớn vào Trung Quốc".

AUKUS đánh dấu lần đầu tiên trong 50 năm qua Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm. Trước đó, Washington mới chỉ chia sẻ với Anh.

Với thỏa thuận này, Australia sẽ trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Những tàu ngầm kiểu này có thể hoạt động dưới nước liên tục trong 5 tháng và khó bị phát hiện hơn so với tàu ngầm truyền thống.

Gây tranh cãi

Vì sao Mỹ chọn lập liên minh AUKUS vào thời điểm này? - 3

Ngoại Trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian (Ảnh: Getty).

Nhiều ý kiến cho rằng, AUKUS là thỏa thuận nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Đó cũng là lý do vì sao Bắc Kinh lập tức lên tiếng chỉ trích thỏa thuận. Trong thông cáo ngày 16/9, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ phản đối sự hợp tác này và nói rằng: "Các quốc gia nên rũ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh và định kiến về ý thức hệ".

Trong khi đó, Pháp tức giận vì đứng ngoài thỏa thuận an ninh Mỹ - Anh - Australia và bị mất hợp đồng hàng chục tỷ USD đóng tàu ngầm cho Australia. Thủ tướng Australia Morrison xác nhận, nước này sẽ không tiếp tục hợp đồng với Pháp, thay vào đó, sẽ đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh.

Vài giờ sau khi AUKUS được công bố, Ngoại trưởng Pháp Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly ra thông cáo nói rằng, việc Australia hủy hợp đồng với tập đoàn Naval Group của Pháp trái với "nghị định thư và tinh thần hợp tác giữa" hai nước. Paris cũng không loại trừ khả năng sẽ yêu cầu Australia bồi thường hợp đồng.

"Đó thực sự là hành động đâm sau lưng. Chúng tôi đã tạo dựng mối quan hệ tin tưởng với Australia, nhưng sự tin tưởng này đã bị phản bội. Hôm nay, tôi vô cùng tức giận và cay đắng. Đây không phải là việc các đồng minh làm với nhau", Ngoại trưởng Le Drian giận dữ phát biểu trên đài phát thanh France Info.

Thỏa thuận AUKUS khiến các đối tác, đồng minh của Mỹ ở châu Âu bất ngờ. Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 16/9, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề đối ngoại, ông Josep Borrell cho biết: "Chúng tôi chỉ vừa mới biết về thỏa thuận này, thậm chí không hề được tham vấn. Tôi với tư cách đại diện cấp cao về chính sách an ninh của EU, cũng không hề hay biết. Tôi cho rằng, một thỏa thuận như này không thể đưa ra sau một đêm mà là cả một quá trình thảo luận". Ông Borrell cũng lấy làm tiếc vì EU bị gạt khỏi thỏa thuận này.

Tại New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern hôm qua tuyên bố, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới của Australia sẽ không được phép đi vào lãnh hải của nước này theo chính sách khu vực phi hạt nhân năm 1984.

Mỹ và Anh trấn an

Vì sao Mỹ chọn lập liên minh AUKUS vào thời điểm này? - 4

Thủ tướng Anh Boris Johnson (Ảnh: Reuters).

Cựu Thủ tướng Anh Theresa May cảnh báo thỏa thuận có thể kéo Anh vào một cuộc xung đột với Trung Quốc. Tuy vậy, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua khẳng định với các nghị sĩ nước này rằng, thỏa thuận AUKUS "không nhằm đối đầu" với Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào. "Anh vẫn quyết tâm bảo vệ luật pháp quốc tế và đó là lời khuyên mạnh mẽ mà chúng tôi dành cho bạn bè quốc tế và cho Bắc Kinh", ông Johnson nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng nói rằng, ông hiểu được sự thất vọng của Pháp khi bị mất hợp đồng xuất khẩu lớn, nhưng điều này là do "sự thay đổi nhu cầu của Australia". Ông cho biết, chính Australia đã chủ động tìm đến Anh đề nghị thỏa thuận.

Mặt khác, ông cũng nhấn mạnh lại mối quan hệ hợp tác giữa Anh, Mỹ và Pháp. Ông nói: "Chúng ta đã đồng thuận về rất nhiều thứ. Chúng ta cùng ủng hộ một trật tự dựa trên luật pháp, chúng ta ủng hộ tự do hàng hải".

Về phía Mỹ Tổng thống Joe Biden cũng tìm cách xoa dịu Pháp. Trong lễ công bố AUKUS, ông mô tả Pháp là "đối tác và đồng minh quan trọng" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, ông và các quan chức Mỹ đã liên hệ với đối tác Pháp cả trước và sau khi công bố thỏa thuận. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Từ lâu, Pháp đã là một đối tác quan trọng của Mỹ về vấn đề này cũng như nhiều vấn đề khác. Chúng tôi muốn tìm mọi cơ hội để làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và toàn thế giới".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm