1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Sát thủ" chống ngầm Thợ săn biển của Mỹ

(Dân trí) - Mỹ đang tiến hành thử nghiệm tàu không người lái chống tàu ngầm Sea Hunter và dự kiến sẽ đưa tàu trinh thám “sát thủ” này vào biên chế Hải quân trong năm nay.


Tàu chống ngầm Sea Hunter (Ảnh: DARPA)

Tàu chống ngầm Sea Hunter (Ảnh: DARPA)

Hải quân Mỹ đang hoàn tất hoạt động thử nghiệm tàu không người lái có khả năng dò ra được mọi tàu ngầm đối thủ. Được mệnh danh là "Thợ săn biển", con tàu dài 40m được thiết kế để di chuyển hàng ngàn km trong khoảng thời gian từ 30-90 ngày trên biển mà không cần thủy thủ đoàn trên tàu.

Hiện tại, Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ đã nhận bàn giao nguyên mẫu của Sea Hunter từ Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc và đang tiến hành đưa “sát thủ” này ra đại dương làm nhiệm vụ trinh thám. Sea Hunter sẽ sử dụng hệ thống radar và sonar truy lùng mục tiêu, bám sát và gửi tín hiệu tới các tàu chiến để các tàu này thực hiện tấn công. Vì vậy, nó không được trang bị vũ khí. Dự kiến, Mỹ sẽ đưa tàu vào biên chế hoạt động trong năm nay và nó được cho là sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của tàu chiến trên thế giới.

Sea Hunter có thể đạt vận tốc 50 km/h nhờ được trang bị 2 động cơ chạy bằng dầu diesel. Chi phí chế tạo 1 tàu vào khoảng 20 triệu USD và chỉ mất 20.000 USD/ngày để vận hành. Khoản chi phí này ít tốn kém hơn hẳn các tàu chiến có thủy thủ đoàn. Ngoài ra, Sea Hunter sẽ được trang bị hệ thống sonar cho phép nó có thể dò được cả các tàu ngầm chạy êm nhất.

Ông Alexander Walan, giám đốc chương trình tại Văn phòng Công nghệ Chiến thuật DARPA (TTO), nói rằng sự ra đời của Sea Hunter là dấu mốc quan trọng trong việc phát triển công nghệ tàu bề mặt không người lái (USV) quy mô lớn.

Cơ chế hoạt động của Sea Hunter dựa trên hệ thống radar và camera cho phép nó có thể dò ra được các tàu đối thủ. Các chuyên gia cho rằng sự xuất hiện của Thợ săn biển không những tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành hàng hải quân sự mà còn có khả năng thay đổi nền công nghiệp vận tải hàng hóa thương mại trong tương lai gần.

Các quốc gia từ châu Âu và châu Á đang nghiên cứu phát triển các hạm đội tàu không người lái nhằm cắt giảm chi phí vận hành. Tuy nhiên, ý tưởng này cũng nhận được nhiều phản hồi trái chiều về tính khả thi và nhất là sự an toàn của các tàu không người lái khi không có bàn tay điều khiển của con người. Đại diện Liên đoàn Lao động Vận tải Thế giới (ITF) cho hay họ chưa tin vào khả năng của máy móc và robot trong việc dự đoán và ứng phó với các tình huống nguy hiểm trên biển.

Đức Hoàng

Theo Dailymail