1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

SARS-CoV-2 đột biến nhanh, WHO tính đặt tên biến chủng theo chòm sao

(Dân trí) - Biến chủng SARS-CoV-2 có thể đặt tên theo các chòm sao sau khi chữ cái Hy Lạp được sử dụng hết, quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.

SARS-CoV-2 đột biến nhanh, WHO tính đặt tên biến chủng theo chòm sao - 1

Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO (Ảnh: Reuters).

WHO bắt đầu đặt tên các biến chủng mới của SARS-CoV-2 theo chữ cái Hy Lạp từ tháng 5. Đến nay, 11 biến chủng đã được đặt tên theo chữ cái Hy Lạp, trong đó có 4 biến chủng thuộc nhóm "đáng lo ngại" là Alpha, Beta, Gamma, Delta. Ngoài ra, còn 4 biến chủng đáng quan tâm là Eta, Iota, Kappa và Lambda. Biến chủng Epsilon, Zeta và Theta ban đầu được cho là "đáng quan tâm", nhưng sau đó được hạ xuống loại cần được theo dõi thêm.

Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO, cho biết WHO đang tính cách đặt tên mới cho các biến chủng sau khi sử dụng hết 24 chữ cái alphabet.
Nghĩa là, trong tương lai, biến chủng của SARS-CoV-2 có thể có tên như Song Tử (Gemini) hay Bạch Dương (Aries).

"Chúng ta có thể sẽ không còn đủ chữ cái alphabet (để đặt tên biến chủng), nhưng chúng tôi đã đang xem xét các cách đặt tên mới. Chúng tôi đang tính đến đặt tên theo các chòm sao", bà Van Kerkhove nói và cho biết thêm rằng một số ý kiến thậm chí đề xuất đặt tên biến chủng theo tên các vị thần Hy Lạp.

Nhóm chuyên trách của WHO đang xem xét lại các đề xuất nhằm đảm bảo các tên mới có thể xuất hiện trong tương lai không gây sự phức tạp, bất bình.

Năm ngoái, chính bà Van Kerkhove đề xuất cách đặt tên mới cho biến chủng của virus SARS-CoV-2 và cảnh báo việc đặt tên theo nơi đầu tiên phát hiện biến chủng có thể kéo theo sự kỳ thị.

Theo các nhà khoa học, virus liên tục biến đổi, trong đó có những đột biến khiến virus dễ lây lan hơn, dễ kháng vắc xin hơn hoặc gây bệnh nặng hơn. Bà Van Kerkhove cảnh báo, sự xuất hiện của các biến chủng có khả năng kháng vắc xin là "mối đe dọa thực sự" và đó là lý do tại sao các nước không chỉ dựa vào chiến dịch tiêm chủng vắc xin, mà cần phải làm mọi thứ có thể để ngăn virus lây lan nhằm ngăn cho virus cơ hội biến chủng.

Hiện nay, Delta đang là mối lo ngại lớn nhất của các nước, biến chủng này đã xuất hiện ở hơn 132 quốc gia, vùng lãnh thổ và trở thành biến chủng trội toàn cầu. Delta được cho là có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với chủng ban đầu của SARS-CoV-2. Một tài liệu nội bộ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ nói rằng, Delta có thể dễ lây lan như thủy đậu và có thể gây ra bệnh nặng hơn.

Trong khi đó, Lambda, tuy mới chỉ xếp ở nhóm đáng quan tâm, nhưng giới khoa học cảnh báo vẫn cần theo dõi chặt chẽ sự lây lan của biến chủng này bởi nó mang đột biến có thể giúp virus né kháng thể do vắc xin tạo ra.

Để đối phó với các biến chủng, các nước trên thế giới đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin trong khi tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn đà lây lan của chúng.