1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Rút chân” khỏi Vành đai và Con đường: Bài toán khó của các nước châu Á

(Dân trí) - Nhiều quốc gia châu Á đã nhận ra những rủi ro tiềm ẩn từ các khoản vay trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, song họ không dễ để nói lời từ chối với Bắc Kinh.


Diễn đàn Vành đai và Con đường được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2017 (Ảnh: Reuters)

Diễn đàn Vành đai và Con đường được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2017 (Ảnh: Reuters)

Vào cuối tháng 8, Tổng thống Maldives Abdulla Yameen đã dành nhiều lời khen cho việc khánh thành cây cầu do Trung Quốc xây dựng nối hai hòn đảo tại quốc đảo Ấn Độ Dương này. Ông Yameen gọi đây là “cửa ngõ đi vào tương lai và mở ra những cơ hội phía trước”.

Một tháng sau đó, ông Yameen thất cử và chính quyền mới của Maldives đã bắt đầu phanh phui “núi nợ” mà cựu tổng thống đã tích lũy cho quốc đảo này. Là nhà lãnh đạo cứng rắn với lập trường ủng hộ Trung Quốc, ông Yameen đã vay mượn Bắc Kinh khoản tiền khổng lồ để xây dựng đường băng mới tại sân bay chính, các dự án nhà ở cũng như bệnh viện tại Maldives. Ngoài ra, còn phải kể tới công trình “Cầu Hữu nghị Trung Quốc - Maldives” dài 2,1 km với sự trợ giúp của Bắc Kinh.

Trong chuyến đi gần đây tới New Delhi (Ấn Độ), các quan chức Maldives đã công khai thể hiện sự thất vọng của họ đối với khoản tiền khổng lồ mà nước này đang nợ Trung Quốc, ước tính tương đương 20% GDP của Maldives. Ngoài ra, họ cũng nghi ngại sự thiên vị khó hiểu của chính quyền Maldives đối với các khoản tiền từ Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Chẳng hạn, chính quyền cựu Tổng thống Yameen đã từ chối gói thầu xây bệnh viện trị giá 54 triệu USD để bật đèn xanh cho gói thầu “thổi phồng” của Trung Quốc trị giá 140 triệu USD.

“Chúng tôi đã rước họa vào thân”, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Maldives Fayyaz Ismail nhận định.

Làn sóng phản đối


Dự án đường băng mới do tập đoàn Trung Quốc xây dựng tại sân bay quốc tế Velana ở Maldives (Ảnh: AP)

Dự án đường băng mới do tập đoàn Trung Quốc xây dựng tại sân bay quốc tế Velana ở Maldives (Ảnh: AP)

Thiên đường du lịch Maldives không phải quốc gia duy nhất ở châu Á nhận ra rằng sự hứa hẹn từ Sáng kiến Vành đai và Con đường, chương trình gắn liền với vai trò của Chủ tịch Tập Cận Bình, là điều khó tin.

Sau làn sóng đầu tư ồ ạt chưa từng có vào các dự án từ đường sắt cho tới cao tốc tại các nước nghèo ở châu Á, chính phủ các nước trong khu vực bắt đầu chọn cách tiếp cận cẩn trọng hơn đối với kế hoạch tham vọng của Trung Quốc. Từ Malaysia cho tới Sri Lanka, cơn giận dữ âm ỉ của các cử tri đối với các thỏa thuận mà họ cho là không công bằng hoặc tham nhũng đã hối thúc các chính phủ phải vào cuộc kiểm tra, điều tra, thậm chí đình chỉ các dự án có “bóng dáng” Trung Quốc.

“Giai đoạn đầu tiên của Vành đai và Con đường thực sự đã qua đi. Một mô hình mới vẫn chưa xuất hiện, trong khi rõ ràng mô hình cũ, gần như tập trung hoàn toàn vào quy mô và tốc độ, đã không còn bền vững”, Andrew Small, nhà nghiên cứu cấp cao của chương trình châu Á thuộc Quỹ Marshall Đức, nhận định.

Một quan chức cấp cao Trung Quốc cho biết chính quyền Bắc Kinh đã lưu ý các trường hợp sai phạm và đang đánh giá lại các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới. Theo lời quan chức này, Trung Quốc hiểu rõ rằng các dự án triển khai kém hiệu quả có thể ảnh hưởng xấu tới uy tín của họ và khiến làn sóng bất mãn dâng cao.

Nhu cầu phát triển


Công trình đường sắt Trung Quốc - Lào do Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc xây dựng tại Luang Prabang, Lào. (Ảnh: Bloomberg)

Công trình đường sắt Trung Quốc - Lào do Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc xây dựng tại Luang Prabang, Lào. (Ảnh: Bloomberg)

Theo Bloomberg, châu Á có nhu cầu rất lớn về nâng cấp cơ sở hạ tầng và không quốc gia nào ngoài Trung Quốc có mong muốn, cũng như tiềm lực sẵn có, để đáp ứng nhu cầu đối với các dự án đầu tư quy mô lớn tại khu vực này. Tuy vậy, thực trạng chỉ trích Trung Quốc tại châu Á diễn ra đúng vào thời điểm nhạy cảm khi cộng đồng quốc tế cũng ngày càng hoài nghi về ý đồ toàn cầu của Bắc Kinh.

Ngoài châu Á, chính phủ các nước ở châu Âu và Australia cũng đang siết chặt kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt đối với các dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu như cảng biển hay các mạng lưới quan trọng.

Sự thay đổi trong nhận thức của các chính phủ châu Á đối với Trung Quốc ngày càng lộ rõ và bùng nổ công khai trong những tháng gần đây. Tại Pakistan - một đồng minh lâu năm của Trung Quốc, một số phần tử bất mãn với dự án đầu tư của Trung Quốc tại một vùng hẻo lánh đã đánh bom và tấn công lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi hồi tháng trước. Vụ việc khiến 7 người thiệt mạng.


Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak xem phối cảnh dự án đường sắt do nhà thầu Trung Quốc thi công trong ngày khởi công dự án vào tháng 9/2017. Dự án này sau đó bị chính quyền Thủ tướng Mahathir Mohamad tạm dừng do đội vốn. (Ảnh: AP)

Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak xem phối cảnh dự án đường sắt do nhà thầu Trung Quốc thi công trong ngày khởi công dự án vào tháng 9/2017. Dự án này sau đó bị chính quyền Thủ tướng Mahathir Mohamad tạm dừng do đội vốn. (Ảnh: AP)

Tại Sri Lanka, cơn giận dữ về tầm ảnh hưởng kinh tế khổng lồ của Trung Quốc ngày càng tăng lên và đây bị coi là mối đe dọa đối với chủ quyền của Sri Lanka. Trong khi đó, một cố vấn của chính phủ Myanmar đã chỉ trích thỏa thuận phát triển cảng biển do Trung Quốc hỗ trợ trị giá 7,5 tỷ USD là "nực cười". Thỏa thuận này được thực hiện dưới thời chính quyền tiền nhiệm của Myanmar.

Tại Malaysia, ông Mahathir Mohamad đã được bầu làm thủ tướng hồi tháng 5 sau khi đặt ra nghi vấn về các khoản đầu tư của Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử. Khi lên nắm quyền, chính phủ của ông đã dừng một dự án đường sắt trị giá 20 tỷ USD với Trung Quốc trước khi hủy tiếp 3 dự án ống dẫn do Trung Quốc hỗ trợ trị giá 3 tỷ USD.

Giới chức Ấn Độ từ lâu đã phản đối Sáng kiến Vành đai và Con đường vì chương trình này rót tới 60 tỷ USD vào việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Pakistan, bao gồm cả vùng Kashmir - nơi Ấn Độ cũng tuyên bố chủ quyền. Mặc dù Ấn Độ không có đủ tiềm lực tài chính để cạnh tranh với Trung Quốc, song các nhà ngoại giao Ấn Độ vẫn lên tiếng cảnh báo các nước về nguy cơ mắc bẫy nợ của Bắc Kinh.

Lựa chọn ưu tiên


Xe ủi đất làm việc tại dự án cảng Gwadar do Trung Quốc viện trợ tại Pakistan. (Ảnh: Bloomberg)

Xe ủi đất làm việc tại dự án cảng Gwadar do Trung Quốc viện trợ tại Pakistan. (Ảnh: Bloomberg)

Một báo cáo do Trung tâm Phát triển Toàn cầu tại Washington công bố trong năm nay cho thấy có tới 8 quốc gia đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ từ các khoản vay của Trung Quốc, bao gồm Pakistan, Maldives, Lào, Mông Cổ và Djibouti - nơi Bắc Kinh đặt căn cứ quân sự nước ngoài duy nhất.

Tuy vậy, một thực tế không thể phủ nhận là châu Á vẫn cần một “mạnh thường quân” để giải tỏa “cơn khát” phát triển cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Phát triển châu Á dự đoán khu vực này cần 26.000 tỷ USD cho các dự án đường cao tốc, đường sắt và các dự án cơ sở hạ tầng khác trong vòng 10 năm tới. Khi chưa có “ứng cử viên” nào sáng giá hơn, Trung Quốc vẫn là lựa chọn số một của các nước. Nhiều quốc gia tại châu Á và châu Phi vẫn ưu tiên các khoản vay từ Trung Quốc vì không đòi hỏi các cam kết về trách nhiệm cũng như quản lý.

Chính quyền Mỹ cũng đã phát đi thông điệp chỉ trích Sáng kiến Vành đai và Con đường. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thậm chí còn tuyên bố trước các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Singapore gần đây rằng, Washington không đề xuất “một vành đai trói buộc hay con đường một chiều”.

Mỹ đã thành lập một cơ quan với mục đích chi 60 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài. Tháng trước, Washington đã hỗ trợ xây dựng một hệ thống điện trị giá 1,7 tỷ USD tại Papua New Guinea. Tuy vậy, con số này của Washington vẫn còn rất khiêm tốn khi Trung Quốc ước tính chi tới 1.300 tỷ USD cho Vành đai và Con đường trước năm 2027.

Thành Đạt

Theo Bloomberg