1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Rúng động vụ nhà báo bị bắn chết khi đưa tin về xung đột Israel-Palestine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Vụ việc nữ nhà báo Shireen Abu Akleh bị bắn chết khi đang đưa tin ở Bờ Tây về xung đột giữa quân đội Israel và người Palestine, đã gây chấn động dư luận thế giới.

Rúng động vụ nhà báo bị bắn chết khi đưa tin về xung đột Israel-Palestine - 1

Người Palestine cầm ảnh của nữ nhà báo Shireen Abu Akleh tưởng niệm bà (Ảnh: Reuters).

Ngày 11/5, phóng viên nổi tiếng người Mỹ gốc Palestine của hãng Al Jazeera (Qatar) Shireen Abu Akleh đã bị bắn chết trong một cuộc đột kích của Israel ở khu vực Bờ Tây mà nước này đang kiểm soát. Israel cho biết, cuộc đột kích của họ nhằm vào "các nghi phạm khủng bố".

Bà Akleh, 51 tuổi, mặc chiếc áo có in chữ "báo chí" khi tác nghiệp ở thành phố Jenin, thì bị trúng đạn dẫn tới tử vong.  

Theo Reuters, cái chết của một phóng viên nổi tiếng đã đưa tin về các hoạt động của Palestine ở Trung Đông trong 20 năm qua cho kênh Al Jazeera - hãng tin được hàng triệu người ở thế giới Ả rập theo dõi, dường như sẽ "đổ thêm dầu vào lửa" trong cuộc xung đột dai dẳng ở khu vực Bờ Tây.

Trong tuyên bố phát đi sau sự việc, Al Jazeera cáo buộc lực lượng Israel đã nổ súng vào nữ nhà báo và cho rằng đây là động thái nhằm ngăn giới truyền thông làm nhiệm vụ. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng đưa ra cáo buộc tương tự chống lại quân đội Israel.

Trong khi đó, phía Israel nói rằng, có hàng chục tay súng Palestine đã đối đầu với quân đội Nhà nước Do Thái khi họ bắt giữ một thành viên của Hamas - tổ chức vũ trang của người Palestine đã xung đột với Israel trong nhiều năm qua.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết, Tổng thống Palestine Abbas đang đưa ra những cáo buộc vô căn cứ trước khi Israel tiến hành một "cuộc điều tra kỹ lưỡng".

Ông Bennett nói rằng, dường như người Palestine "xả súng bừa bãi" là nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà Akleh. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz sau đó đã đưa ra phát ngôn thận trọng hơn.

"Những điều tra ban đầu của chúng tôi cho đến nay không thể chỉ ra được ai đã bắn nữ nhà báo, và tôi không thể loại trừ bất kỳ phương án nào trong bối cảnh hiện trường đang hỗn loạn như vậy", ông Gantz nói với các phóng viên.

Nhà Trắng lên án mạnh mẽ về cái chết của bà Akleh, cho rằng đây là sự xúc phạm tự do báo chí và kêu gọi một cuộc điều tra về vụ việc.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã "kinh hoàng" trước vụ việc và kêu gọi "các cơ quan liên quan thực hiện một cuộc điều tra độc lập và minh bạch" để đảm bảo rằng những người có liên đới phải chịu trách nhiệm.

Bà Akleh đã tác nghiệp về căng thẳng Israel - Palestine trong suốt 20 năm qua và được xem là một trong những gương mặt nổi tiếng nhất trong làng báo chí Palestine.

Mezna Qato, một nhà sử học tại Đại học Cambridge (Anh), cho biết: "Bà ấy là tiếng nói của Palestine đối với phần còn lại của thế giới Ả Rập và cộng đồng người hải ngoại".

Bà gia nhập Al Jazeera vào năm 1997, ở tuổi 26. Hãng tin này đã được hàng triệu người trong thế giới Ả rập theo dõi trong suốt những năm qua và một trong những nội dung được quan tâm nhất của hãng chính là cuộc xung đột Palestine - Israel.

Bà Akleh trở thành gương mặt nổi bật chuyên đưa tin về nội dung này trong nhiều năm. Bà đã tác nghiệp tại xung đột dải Gaza vào năm 2008, 2009, 2012, 2014 và 2021.

Givara Budeiri, một nhà báo của Al Jazeera, người đã biết bà Akleh trong hơn hai thập niên, nói rằng bà là một nhà báo rất dũng cảm.

Bà Budeiri nói: "Akleh không bao giờ né tránh việc đưa tin về bất kỳ sự kiện nào. Bà ấy không bao giờ sợ hãi bất cứ điều gì, ngoại trừ việc đứng trên đỉnh của một tòa nhà cao".

Theo Reuters, Vox