1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tranh chấp lãnh thổ Biển Đông và biển Hoa Đông:

Rủi ro và giải pháp trong xung đột với Trung Quốc (Kỳ cuối)

Do đó, vụ kiện của Philippines trở nên khó khăn hơn. Các thảo luận kéo dài từ năm 2013 và sẽ không chỉ giới hạn trong những tình tiết của vụ kiện và ảnh hưởng đối với các bên tranh chấp.

Vấn đề đặt ra còn liên quan tới khả năng thực thi các quyết định, việc thực thi hoặc không thi hành ảnh hưởng như thế nào đến uy tín của tòa án và luật pháp quốc tế, cũng như sự chỉ đạo của hệ thống quốc tế nói chung. Một quyết định có lợi cho Philippines sẽ có thể bị Trung Quốc xem thường và càng dựa vào vỏ bọc chủ nghĩa dân tộc.

Thật vậy, Trung Quốc đã thông báo sẽ không quan tâm phán quyết của tòa án. Trong trường hợp đó là quyết định bất lợi cho Philippines sẽ dẫn đến sự thất vọng của tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác, Mỹ và cả châu Âu. Nó cũng sẽ khiến Mỹ hoặc những người cổ vũ luật pháp quốc tế khác khó đảm bảo thực thi vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Rủi ro và giải pháp trong xung đột với Trung Quốc (Kỳ cuối) - 1

Tàu chiến Trung Quốc phóng tên lửa trong một cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đông

Sự phát triển của luật pháp quốc tế thường đòi hỏi một mức độ áp lực nhất định. Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng như thể hiện trong nhiều tranh chấp lãnh thổ hay “giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình. Trên sân khấu quốc tế, Trung Quốc đang cố đưa ra những tuyên bố có ảnh hưởng thái quá lên các nước có tuyên bố chủ quyền, trong đó có nhiều đồng minh của Mỹ, cũng như bản thân Mỹ.

Cho dù phán quyết của tòa án ra sao, Mỹ cuối cùng cần ủng hộ bạn bè và các đồng minh ở châu Á và bảo vệ cùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ và Liên minh châu Âu cần đứng lên chống chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ, phê chuẩn UNCLOS và thực thi pháp luật tập quán quốc tế. Nếu không làm như vậy sẽ gây xói mòn hệ thống pháp luật quốc tế và khuyến khích sự tiếp tục vi phạm của các cường quốc bành trướng trong các vùng biển.

Cùng khai thác

Một trong những giải pháp được ưa chuộng của Trung Quốc đối với tranh chấp Biển Đông là những gì họ gọi là “cùng khai thác” hay “giải pháp đôi bên cùng có lợi”.

Tại Nhà Trắng vào ngày 25-9, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố: “Chúng ta phải tiến bước cùng thời đại và từ bỏ khái niệm cũ “kẻ thắng, người thua” hay “trò chơi có tổng bằng không” và thiết lập một khái niệm mới về phát triển hòa bình và hợp tác”. Trong tuyên bố này ông ám chỉ rằng Trung Quốc là nước lớn, các bên khác nếu không chấp thuận sẽ có thể dẫn đến bạo lực và do đó nên biết điều mà hợp tác (?)

Trung Quốc đang tìm cách đòi hỏi khai thác chung với Philippines và Việt Nam, theo đó Philippines và Việt Nam sẽ được khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình, nhưng chỉ khi có sự đồng ý và chia sẻ doanh thu với Trung Quốc.

Tất nhiên chẳng ai đồng ý với yêu cầu chia sẻ doanh thu từ hoạt động kinh tế vùng đặc quyền kinh tế của mình bởi rõ ràng nó xâm phạm chủ quyền của họ và vi phạm luật pháp quốc tế.

Mỹ và Liên minh châu Âu cũng cần phản đối nỗ lực “kiếm chác” đó của Trung Quốc trong đòi hỏi khai thác dầu mỏ và khí đốt trong vùng đặc quyền 200 hải lý chính đáng của nước khác. Theo UNCLOS, quyền khai thác này hoàn toàn thuộc về những quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế rõ ràng tính từ đường bờ biển của họ, chứ không phải từ mấy nét vẽ tự bịa ra trên bản đồ, như đường chữ U của Trung Quốc.

Việc mặc nhận đòi hỏi của Trung Quốc đối với việc chia sẻ doanh thu sẽ là cổ vũ cho cách làm của họ là những tuyên bố bất chấp và sau đó cố gắng ép buộc các nước nhỏ hơn phải chấp nhận. Đây không phải là tinh thần của luật pháp quốc tế và nó đe dọa pháp luật về biển và khả năng áp dụng trong tương lai.

Có chăng sự khai thác chung, thì đó phải là từ việc chia sẻ công nghệ và dựa trên nguyên tắc thị trường, chứ không phải chia sẻ thuế tài nguyên với Trung Quốc trên cơ sở chủ quyền đường chữ U tự nhận. Nếu Trung Quốc cung cấp công nghệ thăm dò dầu và khai thác, họ có thể thu một khoản phí dựa trên giá thị trường, như Exxon hay Total vẫn làm cho các dịch vụ kỹ thuật.

Những khoản phí như vậy cần dựa trên cơ sở đấu thầu cạnh tranh với các công ty toàn cầu. Nhà cung cấp tốt nhất các dịch vụ kỹ thuật sẽ giành chiến thắng. Nhưng đây không phải là kiểu khai thác chung có trong suy nghĩ của Trung Quốc.

Củng cố liên minh

Trung Quốc tuyên bố một cách rõ ràng phủ nhận vụ kiện của Philippines tại Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague. Do đó, Trung Quốc đã tự đặt mình bên ngoài các phạm vi điều chỉnh của luật pháp quốc tế và tiếp tục hành động, thông qua xây dựng đảo nhân tạo và đường băng quân sự, gây phương hại đến lợi ích của các quốc gia có chủ quyền khác.

Những quốc gia có tuyên bố chủ quyền và những người ủng hộ của luật pháp quốc tế, do đó có lý do cần phải chặn đứng ngay lập tức hoạt động xây dựng đảo và đường băng quân sự trái phép của Trung Quốc. Có thể xem xét một trong hai lựa chọn sau: 1) chấm dứt ngay lập tức nỗ lực xây dựng của Trung Quốc thông qua việc sử dụng chiến thuật áp lực hải quân hòa bình, hoặc 2) cho phép Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague có đủ thời gian để đưa ra quyết định và sau đó đảm bảo việc thực thi.

Cả hai cách tiếp cận đều có ưu và nhược điểm. Hành động ngay lập tức có thể buộc Trung Quốc rút lui, nhưng sẽ có nguy cơ chiến tranh. Hải quân Trung Quốc nhỏ hơn so với Mỹ, đặc biệt khi kết hợp với các lực lượng hải quân của các nước đồng minh Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và có khả năng cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vì vậy, trong trường hợp này, cần phải đảm bảo Trung Quốc sẽ hành động duy lý và nguy cơ chiến tranh không lớn.

Chờ cho đến khi Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague đưa ra quyết định có lẽ sẽ đảm bảo công bằng hơn, nhưng nó lại cho phép Trung Quốc có thêm thời gian để củng cố vị trí của mình, xây dựng lực lượng hải quân và thay đổi nguyên trạng mà sau đó rất khó để thay đổi.

Cả hai chiến lược đều đáng xem xét, cân nhắc lợi hại, nhưng tại một số thời điểm vẫn cần tính đến đe dọa vũ lực nếu Trung Quốc tiếp tục con đường bành trướng.

Để đảm bảo uy tín và làm giảm nguy cơ xung đột, việc đe dọa vũ lực nên được ủng hộ thông qua củng cố các quan hệ liên minh. Chính quyền Philippines đã tích cực, mặc dù còn vướng mắc vấn đề hiến pháp, tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ.

Hàng trăm lính đặc nhiệm Mỹ và nhiều máy bay giám sát P-8 Poseidon đã đến căn cứ luân phiên (một lỗ hổng trong Hiến pháp) tại Philippines.

Philippines đã thực hiện các biện pháp để tăng cường sự hiện diện trên biển của mình thông qua việc mua 10 tàu tuần duyên mới từ Nhật Bản. Philippines cũng thảo luận cho phép các tàu hải quân và máy bay Nhật Bản sử dụng các căn cứ của Philippines và tính đến ký kết hiệp định hợp tác quốc phòng 10 năm với Hoa Kỳ mà nếu Tòa án Tối cao phê duyệt, sẽ cho phép các lực lượng Mỹ đồn trú tại các căn cứ Philippines lần đầu tiên kể từ khi rút khỏi vào năm 1991.

Malaysia, một quốc gia có tuyên bố chủ quyền Biển Đông khác, cũng đã tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ, bao gồm việc tiếp đón các máy bay P-8 và có thể cả máy bay trinh sát P-3 Orion.

Việt Nam cũng đang tích cực tìm kiếm quan hệ ngoại giao gần gũi với Mỹ và Australia, trong đó có thể kể đến chuyến thăm lịch sử đầu tiên của Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam sang Mỹ trong năm 2015. Tổng thống Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra một tuyên bố chung trong đó thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với vấn đề Biển Đông:

Hai nước bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và đe dọa làm phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định và hàng không được quốc tế công nhận; thương mại hợp pháp không hạn chế, an ninh và an toàn hàng hải; kiềm chế những hành động làm gia tăng căng thẳng; bảo đảm tất cả các hành động và hoạt động phải phù hợp với luật pháp quốc tế; phản đối việc ép buộc, hăm dọa, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Việt Nam đã mua trang thiết bị quân sự và tăng cường quan hệ với các nước lớn khác để phản ứng đối với hành động của Trung Quốc. Việt Nam có kế hoạch mua tàu quân sự và thiết bị từ Nhật Bản như là một phần của một nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, sắm thêm 6 tàu tuần tra từ Mỹ, đồng thời tích cực tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Trong khi các nước phương Tây và đồng minh của họ ở một mức độ hưởng lợi từ sự hung hăng trên biển của Trung Quốc thông qua tăng cường quan hệ với các nước châu Á khác, cho đến nay, Mỹ đang hoạt động tại châu Á dựa trên các mối quan hệ song phương tương đối yếu. Hệ thống liên minh trục - nan hoa hiện tại, với Mỹ vào trung tâm, không mạnh mẽ như mạng lưới liên minh của NATO ở châu Âu. NATO ở châu Âu là một hệ thống liên minh chặt chẽ hơn vì nó bao gồm yêu cầu đối với tất cả các quốc gia thành viên phải hành động để bảo vệ bất kỳ nước thành viên nào trong trường hợp bị tấn công.

Các mạng lưới liên minh ở châu Á càng mạnh thì càng có sức thuyết phục hơn đối với Trung Quốc. Các nước trong khu vực phản đối chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines và những nước khác muốn tham gia, cần cùng nhau hình thành một mạng lưới liên kết mạnh mẽ hơn, đủ để thuyết phục Trung Quốc, thông qua đe dọa vũ lực hạn chế nếu cần thiết, để buộc Trung Quốc nhìn nhận đúng mực hơn về yêu sách của mình ở Biển Đông.

Các nhân tố ổn định quốc tế

Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc đều có lợi ích rất lớn trong sự ổn định của khu vực Biển Đông. Mỹ cần Biển Đông cho sự qua lại của tàu hải quân và hàng hóa. Liên minh châu Âu, giống như tất cả các quốc gia này, cần có một hệ thống quốc tế ổn định dựa trên luật pháp quốc tế.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia có lợi ích trong khu vực đảm bảo sự trỗi dậy hòa bình và mạnh mẽ của một Trung Quốc tập trung vào tăng trưởng kinh tế - chứ không phải một Trung Quốc tìm cách lợi dụng tăng trưởng để yêu sách lãnh thổ. Tất cả các quốc gia này, tương tự như vậy, có lợi ích trong một Biển Đông ổn định thông qua việc đảm bảo an ninh và thực thi luật pháp quốc tế.

Vì những lý do này, tất cả các quốc gia trên có lợi ích trong việc hỗ trợ các nước yêu sách bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình. Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Việt Nam và Đài Loan không nên đơn độc chống lại sức mạnh kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự của Trung Quốc.

Các nhân tố ổn định quốc tế có thể tham gia vào các cuộc tập trận xây dựng lòng tin và tuần tra hải quân chung. Tuần tra chung có thể bao gồm một hội đồng khấp cấp để tháo ngòi căng thẳng. Nhiệm vụ giám sát chung có thể phát hiện và ngăn chặn một cuộc xung đột tiềm tàng trước khi nó bùng nổ thành một cuộc đụng độ.

Theo PV

PetroTimes