1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh chấp lãnh thổ Biển Đông và biển Hoa Đông:

Rủi ro và giải pháp trong xung đột với Trung Quốc (Kỳ 2)

Trung Quốc đã thể hiện sự thiếu minh bạch trong việc mở rộng hoạt động quân sự và lãnh thổ ở Biển Đông. Trong bình luận ngày 25/9 tại Vườn Hồng, Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra những tuyên bố mơ hồ về Biển Đông.

Thiếu minh bạch

Ông nói rằng: “Trung Quốc cam kết theo đuổi chính sách phát triển hòa bình, láng giềng tốt và hợp tác với các quốc gia láng giềng của chúng tôi”. Tuy nhiên, ông đã tự mâu thuẫn với chính mình khi nhắc lại lập trường không khoan nhượng của Trung Quốc về vấn đề này trong tuyên bố “Các đảo ở Biển Đông từ thời xa xưa đã là lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi có quyền duy trì chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi ích hợp pháp”.

Rủi ro và giải pháp trong xung đột với Trung Quốc (Kỳ 2) - 1

Sự hiện diện của tàu Trung Quốc trên Biển Đông

Trong một nỗ lực thuyết phục cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh, không phản đối hành động của mình ở Biển Đông, Chủ tịch Tập Cận Bình có nói, “Các hoạt động xây dựng liên quan mà Trung Quốc đang tiến hành ở đảo Nam - quần đảo Nam Sa (Trường Sa) không nhằm vào hoặc gây ảnh hưởng tới bất cứ nước nào… và Trung Quốc không có ý định quân sự hóa”.

Chứng cứ ghi được bằng hình ảnh thì trái ngược với tuyên bố của Tập Cận Bình. Ngay buổi sớm cùng ngày Chủ tịch Trung Quốc đưa ra phát biểu trên, hình ảnh vệ tinh mới được công bố cho thấy một đường băng đã hoàn thành có khả năng tiếp nhận máy bay quân sự của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.

Trước đó, các quan chức Mỹ công khai kết quả nghiên cứu của mình về hai “xe pháo lớn” trên một trong những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc và “một đơn vị đồn trú quân sự, các vị trí phòng thủ bờ biển, đường băng, bốn nhà chứa máy bay lớn, thiết bị liên lạc và một trụ sở chính quyền thành phố” trên Đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa.

Gây mất lòng tin

Các hoạt động của Trung Quốc, kể cả sự thiếu minh bạch ở trên đã làm giảm lòng tin và sự ổn định giữa các chính phủ trong khu vực. Sau hội nghị thượng đỉnh vào tháng 4/2015 tại Kuala Lumpur, ASEAN ra tuyên bố nêu rõ việc cải tạo đảo không ngừng của Trung Quốc “gây mất lòng tin, sự tin tưởng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”.

Chỉ cách đó 3 năm, ASEAN đã không thể ra một tuyên bố chung vì các bên không thể thống nhất với cách diễn đạt trong đoạn nêu về Biển Đông, do đó, có vẻ như hoạt động gần đây của Trung Quốc gây thêm nghi ngờ, thậm chí với cả những thành viên ủng hộ Trung Quốc trong ASEAN.

Ngoài ra, mức độ mất lòng tin giữa Trung Quốc và Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương cũng tương đối cao. Mỹ quan ngại về những nỗ lực triển khai sức mạnh của Trung Quốc. Trung Quốc thì lo ngại Mỹ vẫn đang cố gắng ngăn chặn mình. Nhưng Mỹ vẫn luôn ủng hộ một Trung Quốc mạnh mẽ về kinh tế như một đối tác thương mại và đầu tư - và hệ thống quốc tế, với các cơ chế pháp luật và thực thi pháp luật quốc tế, cũng không bao giờ ủng hộ một nước đi thôn tính lãnh thổ của nước khác.

Trong khi “Sách trắng quốc phòng 2015” của Trung Quốc tái khẳng định lập trường chính thức của nước này là không tấn công nước khác trước và Chủ tịch Tập Cận Bình đã lặp lại nhiều lần cam kết tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, những lời lẽ trấn an này đã không giúp giảm bớt mối quan ngại của các quốc gia khác vì những hành động trong quá khứ của Trung Quốc.

Trung Quốc đưa hơn 80.000 quân vào Việt Nam năm 1979, khơi mào cho cuộc chiến tranh biên giới. Gần đây hơn, hình ảnh Trung Quốc trỗi dậy hòa bình đang bị hoen ố bởi những cuộc giao tranh quy mô nhỏ kết hợp với việc mở rộng lãnh thổ ở Biển Đông, bao gồm cả các sự cố tại Bãi Gạc Ma và Scarborough.

Việc Trung Quốc từ chối ký vào một văn bản ràng buộc pháp lý quy định hoạt động và hành vi ở Biển Đông càng gây mất lòng tin hơn nữa đối với các nước trong khu vực. Bắt đầu từ năm 2000, ASEAN nỗ lực đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc về Biển Đông. Năm 2002 Trung Quốc thay vào đó đã thuyết phục thành công các nước ASEAN ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Mặc dù tuyên bố đó tái khẳng định sự tuân thủ của các bên đối với UNCLOS, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ, nhưng nó lại là một văn bản mang tính chính trị hơn là pháp lý. Việc thiếu các thủ tục pháp lý đã cho phép Trung Quốc tiếp tục sử dụng chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” đối với các nước ASEAN khác để đe dọa họ phải nhượng bộ hơn nữa.

Mặc dù Trung Quốc chưa ủng hộ một bộ quy tắc ứng xử, đàm phán đa phương, trọng tài ràng buộc và tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc, nhưng Tập Cận Bình lại có những phát biểu khác. “Các quốc gia liên quan trực tiếp nên giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, tham vấn và các biện pháp hòa bình. Chúng tôi ủng hộ tự do hàng hải và các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, quản lý bất đồng thông qua đối thoại, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm kết thúc thảo luận COC dựa trên cơ sở đồng thuận".

Tuy nhiên, trên thực tế thì kể từ khi ký kế DOC vào tháng 11/2002, Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng DOC khi làm ngơ UNCLOS, liên tục cản trở những nỗ lực của ASEAN để đi đến ký kết COC.

Chạy đua vũ trang trong khu vực

Điều đáng buồn là, yêu sách và hoạt động quân sự hóa Biển Đông và các tranh chấp lãnh thổ khác với Nhật Bản và Ấn Độ của Trung Quốc đã góp phần dẫn đến cuộc đua vũ trang mới tại một khu vực đang khao khát phát triển kinh tế - xã hội. Các nước trong khu vực không ngừng gia tăng ngân sách quốc phòng và mua sắm những thiết bị tinh vi cho kho vũ khí của mình.

Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc năm 2015 tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP và tăng 10,1% so với năm trước, lên đến 145 tỉ USD. Theo Báo cáo thường niên năm 2015 của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc hiện sở hữu hơn 300 tàu hải quân, nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Á nào khác. Trong số các thiết bị mới mua sắm có 5 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân, 53 tàu ngầm tấn công diesel, 13 tàu ngầm lớp SONG, 13 tàu ngầm lớp YUAN và 12 tàu ngầm Kilo mua từ Nga.

Trung Quốc dự định tiếp tục tăng cường thêm cho đội tàu này trong thập niên tiếp theo, bao gồm 16-25 tàu ngầm diesel tấn công, 7 tàu ngầm lớp YUAN, 4 tàu ngầm tấn công hạt nhân SHANG mới và có thể cả 1 tàu ngầm tấn công hạt nhân mới với tên lửa dẫn đường.

Hải quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) cũng tích cực củng cố khả năng chiến đấu trên mặt nước, trong đó có đóng thêm 6 tàu khu trục mới. Đã sở hữu 17 tàu khu trục tên lửa Jiangkai II FFG và 31 tàu hộ tống lớp JIANGDAO, Trung Quốc có kế hoạch đóng thêm 5 tàu Jiangkai II và tới 60 tàu hộ tống nữa.

Trung Quốc cũng đã xây dựng 3 bến neo đậu mới cho tàu vận tải đổ bộ lớp YUZHAU và đang làm đóng tiếp các tàu đổ bộ YUTING II. Cuối cùng, Trung Quốc đã cho hạ thủy tàu sân bay đầu tiên, Liêu Ninh, trong năm 2012. Hai công ty Trung Quốc cũng công bố kế hoạch xây dựng một tổ hợp có diện tích lên đến 3,2km, bao gồm bến cảng, đường băng, sân đỗ trực thăng, doanh trại và những gì họ gọi là “các căn cứ an ninh toàn diện”.

Những “pháo đài nổi” hay “đảo nổi” hiện vẫn còn trong giai đoạn mô hình, nhưng nếu hình thành có thể tăng cường đáng kể sức mạnh của Hải quân PLA và khả năng chiếm giữ Biển Đông của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự để phô trương sức mạnh ở Biển Đông. Tháng 7/2015, Bắc Kinh tổ chức một cuộc tập trận kéo dài một tuần trong khu vực, sử dụng hơn 100 tàu hải quân và một số máy bay trong cuộc tập trận bắn đạn thật.

Trung Quốc cũng nhanh chóng phát triển các khả năng không gian, bao gồm cả các chương trình sản xuất vũ khí tiêu diệt vệ tinh có khả năng vô hiệu hóa vệ tinh thương mại và quân sự của Mỹ sử dụng để chỉ đạo và kiểm soát các liên lạc ngoại giao và quân sự từ xa. Đến thời điểm nào đó, Mỹ có thể sẽ rơi vào tình thế lưỡng nan an ninh - nếu không sử dụng lực lượng quân đội sẽ đánh mất luôn các tài sản đó - đặc biệt, mất khả năng kiểm soát các lực lượng đó do thiếu thông tin liên lạc sau khi Trung Quốc tấn công vào các vệ tinh của Mỹ.

Phần lớn để đáp lại sự gia tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc, chi tiêu quốc phòng hằng năm của Đông Nam Á sẽ tăng lên tương đối (2 tỉ USD mỗi năm), từ mức 42 tỉ USD trong năm 2015 lên 52 tỉ USD trong năm 2020. Sự gia tăng này hướng đến xây dựng hoặc mua thiết bị hải quân và vũ khí mới.

Malaysia đã đặt mua 6 tàu hộ tống từ Tập đoàn DCNS. Thái Lan đặt mua 1 tàu đổ bộ lớp Endurance của Singapore. Việt Nam đã mua 3 tàu ngầm tấn công lớp Kilo của Nga và cũng đặt thêm 3 tàu nữa, đồng thời sẽ mua tàu tuần tra hải quân của Nhật Bản và đang xem xét mua các máy bay chiến đấu phản lực từ Mỹ. Philippines có kế hoạch mua 10 tàu bảo vệ bờ biển mới của Nhật Bản.

Gần đây nhất, Indonesia vừa đặt hàng 3 tàu ngầm mới từ một nhà thầu Hàn Quốc. Tháng 9/2015, Indonesia đã công bố kế hoạch tăng cường sự hiện diện vũ trang của mình xung quanh quần đảo Natuna, triển khai ít nhất 2.000 quân và nhiều phương tiện bay không người lái (UAV).

Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu cũng dự tính kế hoạch nâng cấp quân đội, bao gồm bổ sung hệ thống radar phòng không tại đảo Rian và mở rộng đường băng và căn cứ không quân tại Ranai để có thể tiếp nhận máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng tấn công của lực lượng không quân.

Những đơn đặt hàng vũ khí như vậy của các cường quốc kinh tế nhỏ là tương đối không đáng kể khi so sánh với lực lượng quân đội ấn tượng và ngày càng phát triển của Trung Quốc. Các quốc gia yêu sách nhỏ hơn sẽ dành nhiều hơn nguồn lực hạn chế của mình để phản đối ngoại giao với Trung Quốc và phối hợp quốc phòng, kinh tế, chính trị chặt chẽ hơn với Mỹ và các đồng minh

(Xem tiếp kỳ sau)

Theo

PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm