1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quyết định gây sốc và "phong cách Putin"

Tuần qua, sau hơn 5 tháng phát động chiến dịch quân sự chống khủng bố ở Syria, Tổng thống V.Putin bất ngờ đưa ra quyết định rút một lực lượng quân sự cơ bản của Nga ra khỏi quốc gia này.

Đây là quyết định bất ngờ đối với ngay cả nhiều quan chức trong giới lãnh đạo chính trị và quân sự ở Matxcơva và “gây sốc” đối với giới lãnh đạo ở Mỹ cũng như nhiều nước phương Tây.

Phong cách ra quyết định của Putin

Một lần nữa, chủ nhân Điện Kremlin lại thể hiện “phong cách lãnh đạo Putin” với những đặc điểm nổi bật: quyết liệt, nhanh nhạy và đúng thời cơ, khó dự đoán đối với đối phương, có hiệu quả và mưu lược.

Như vậy, V.Putin đã từng thể hiện phong cách ra quyết định của ông ít nhất là 5 lần: (1) nhanh chóng đáp trả và đánh bại hành động xâm lược của Gruzia được NATO hậu thuẫn trong cuộc Chiến tranh 5 ngày ở Nam Osetia năm 2008; (2) năm 2013, bất ngờ đề xuất sáng kiến hủy bỏ vũ khí hóa học của Syria làm tiêu tan mọi tham vọng của Phương Tây mượn cớ can thiệp quân sự vào quốc gia này; (3) bất ngờ đưa ra quyết định sáp nhập Crimea về với đất Mẹ Nga ngay trước mũi súng của các tàu chiến Mỹ đang neo đậu trên Biển Đen; (4) bất ngờ phát động chiến dịch chống khủng bố ở Syria trong khi Mỹ và phương Tây lầm tưởng rằng đã khiến Nga khánh kiệt do bị bao vây cấm vận và (5) bất ngờ tuyên bố rút quân ra khỏi Syria (dĩ nhiên chưa phải là rút hết tất cả lực lượng của Nga hiện diện tại đây).

Nhận định về quyết định bất ngờ này của Tổng thống V.Putin, trong bài phát biểu tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực của Thượng viện Mỹ, phải thốt lên rằng: “Nước Mỹ bỏ tiền ra nuôi bộ máy tình báo và ngoại giao mà lại bị bất ngờ trước quyết định của Putin rút một lực lượng quân sự cơ bản của Nga ra khỏi Syria. Vì sao lại để cho Putin biến chúng ta thành những kẻ ngu ngốc như vậy?”

Tổng thống Putin (phải) và người đồng cấp Syria Bashar al-Assad tại một buổi gặp.
Tổng thống Putin (phải) và người đồng cấp Syria Bashar al-Assad tại một buổi gặp.

Một quyết định đúng thời cơ

Quyết định của Tổng thống V.Putin rút một lực lượng quân sự cơ bản của Nga ra khỏi Syria được đưa ra rất đúng thời cơ, thích hợp nhất và có lợi nhất đối với Matxcơva bởi nhiều lẽ.

Một là, chiến dịch quân sự chống khủng bố do Nga và liên quân thực hiện đã làm thay đổi căn bản cục diện chính trị và quân sự ở Syria, nghiêng về phía có lợi cho một giải pháp chính trị, được thể hiện trước hết và rõ ràng nhất là Mỹ và Nga đã thống nhất đồng bảo trợ cho thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 27-2-2016. Thỏa thuận này đã được các lực lượng đối lập cũng như Chính phủ Syria chấp nhận. Đây là cơ sở rất quan trọng để tìm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.

Hai là, Chính quyền Syria đã được củng cố và kiểm soát phần lớn lãnh thổ, còn Quân đội Syria phối hợp với các lực lượng đối lập ôn hòa và người Kurd đủ sức đánh bại các tổ chức khủng bố với sự hỗ trợ của các lực lượng của Nga còn để lại ở Syria.

Ba là, tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria đã chuyển từ giai đoạn 1 từ ngày 30-9-2015 được quyết định chủ yếu trên mặt trận quân sự, sang giai đoạn 2 mở đầu bằng thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga đồng bảo trợ, được chính phủ Syria và các lực lượng đối lập chấp nhận.

Bốn là, thời điểm Tổng thống V.Putin quyết định rút quân trùng với thời điểm tái hồi các cuộc đàm phán hòa bình về Syria thể hiện Nga là bên kiến tạo hòa bình cho Syria. Phái viên Liên hợp quốc tại Syria Staffan de Misture nhận định: “Quyết định của Tổng thống V.Putin rút một lực lượng quân sự cơ bản của Nga ra khỏi Syria là một bước tiến quan trọng mà chúng tôi hy vọng sẽ tác động tích cực đối với tiến trình đàm phán ở Geneva”.

Người phát ngôn của phe đối lập Syria, ông Salem Al Mislet, cũng hoan nghênh quyết định rút quân của Nga, cho rằng động thái này sẽ giúp ích lâu dài cho các cuộc đàm phán.

Một “mũi tên” trúng nhiều đích

Quyết định của Tổng thống Nga V.Putin rút một lực lượng cơ bản từ Syria về nước là thắng lợi của Nga cả về quân sự, chính trị và đối ngoại.

Về quân sự, các lực lượng vũ trang của Nga đã có bước phát triển vượt bậc, có thể hoàn thành những nhiệm vụ quân sự rất phức tạp và khó khăn ở nước ngoài, tương tự như chiến dịch chống khủng bố ở Syria. Trong chiến dịch này, vũ khí và trang bị của Nga thể hiện ưu thế vượt trội và vì thế Nga đã nhận được nhiều hợp đồng xuất khẩu vũ khí sang các nước trong và ngoài khu vực Trung Đông.

Về chính trị, nâng cao rõ rệt vai trò và vị thế của Nga sau khi Matxcơva đã giành được một vị thế quan trọng, có thể nói là không thể thiếu được, trong cuộc đàm phán hòa bình về Syria, buộc Mỹ và các các lực lượng đối lập ở Syria không thể bỏ qua lợi ích của Nga.

Dư luận nhiều nước, trong đó có cả Mỹ, phải công nhận Nga có vai trò không thể thiếu được trong việc giải quyết các vấn đề chính trị phức tạp của thế giới như cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

Đại diện của Ủy ban tối cao phụ trách đàm phán về Syria đã công nhận vai trò quan trọng của Nga trong tiến trình hòa bình ở Syria và bày tỏ hy vọng: "Nước Nga đang lấy lại vai trò và vị thế lịch sử của họ là giúp đỡ các quốc gia và các dân tộc đang theo đuổi khát vọng hướng tới tự do". Các lực lượng đối lập ở Syria cũng phải công nhận vai trò của Nga.

Về đối ngoại, quyết định này góp phần đáng kể nâng cao uy tín của Nga trên thế giới trong bối cảnh cộng đồng quốc tế luôn chịu áp lực từ chiến dịch tuyên truyền rộng lớn của Phương Tây chống lại Nga và chứng tỏ chính sách bao vây cấm vận Nga đã bị phá sản.

Hiện nay các đoàn xe cứu trợ nhân đạo với sự bảo vệ và giúp đỡ của các lực lượng quân sự Nga đang làm nhiệm vụ ở Syria đang tiến vào các vùng nông thôn và thành thị vừa được giải phóng để mang hàng cứu trợ nhân đạo của quốc tế tới cho người dân Syria.

Việc Nga tuyên bố rút quân khỏi Syria đúng vào thời điểm khi ở Geneve bắt đầu diễn ra cuộc đàm phán về tiến trình hoà bình ở quốc gia này đã loại bỏ âm mưu của một số thế lực đang theo đuổi âm mưu gây hấn để cáo buộc Nga “không tuân thủ lệnh ngừng bắn” hoặc “tấn công nhằm vào các lực lượng đối lập ôn hoà”, thậm chí là “tấn công vào dân thường”, để phá hoại tiến trình hoà bình.

Nga rút khỏi Syria với vị thế của người chiến thắng

Hoàn toàn khác với cách thức của Mỹ rút quân do bị sa lầy ở Afghanistan hay Iraq, Nga rút quân khỏi Syria trong vị thế người chiến thắng.

Trong hơn 5 tháng kể từ ngày 30-9-2015 tới nay, lực lượng đường không-vũ trụ của Nga đã thực hiện 9.000 vụ không kích, sử dụng vũ khí công nghệ cao có tầm xa trên 1.500km tấn công vào các mục tiêu của các tổ chức khủng bố, trước hết là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng; phá hoại gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng của các tổ chức khủng bố và cắt đứt gần hết các tuyến vận chuyển dầu mỏ cũng như đạn dược của chúng; phá hủy 209 cơ sở khai thác và vận chuyển dầu mỏ; phá huỷ hơn 2.000 phương tiện vận chuyển dầu mỏ; giúp Quân đội Syria giải phóng 400 cụm dân cư và hơn 10.000km²lãnh thổ Syria. Ngoài ra, đã tiêu diệt hơn 2.000 chiến binh khủng bố có nguồn gốc từ Nga, trong đó có 17 tên chỉ huy.

Kết quả này đã làm thay đổi căn bản cục diện cuộc chiến chống khủng bố có lợi cho liên quân do Nga dẫn đầu, hoàn toàn bác bỏ giả thuyết mà các nước Phương Tây vẫn cho là “Nga sẽ sa lầy ở Syria” tương tự như Liên Xô đã từng sa lầy ở Afghanistan trong những năm 1980.

Theo Đại tá Lê Thế Mẫu

Công an nhân dân