1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quyền lực to lớn của quân đội trên chính trường Myanmar

Minh Phương

(Dân trí) - Cuộc đảo chính ngày 1/2 một lần nữa đặt Myanmar dưới sự điều hành của quân đội chỉ 10 năm sau khi quân đội trao quyền lực cho một chính quyền bán dân sự.

Rạng sáng 1/2, người dân ở Myanmar thức dậy với tin tức lờ mờ về một cuộc đảo chính quân sự. Mọi thứ dần trở nên rõ ràng sau khi người phát ngôn đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cho biết quân đội đã bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao khác.

Binh sĩ và xe quân sự cũng xuất hiện trên các con đường ở thủ đô Naypyitaw và thành phố Yangon. Quân đội sau đó xác nhận việc bắt giữ này là để phản ứng lại cuộc bầu cử mà họ cho là gian lận hồi cuối năm ngoái mà NLD giành chiến thắng áp đảo.

Quyền lực to lớn của quân đội trên chính trường Myanmar - 1
Quân đội Myanmar tiến hành đảo chính sáng 1/2. (Ảnh: Reuters)

Quân đội đã ban bố tình trạng khẩn cấp 1 năm và đưa Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, tạm thời điều hành đất nước.

Theo kế hoạch, lẽ ra Thống tướng Min Aung Hlaing, sẽ về hưu vào tháng 7 tới khi ông bước sang tuổi 65. Tuy nhiên, thay vì chuẩn bị rời nhiệm sở, dọn đường cho người kế nhiệm, ông Hlaing củng cố quyền lực bằng một cuộc binh biến viện cớ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi đã mắc những sai lầm "không thể chấp nhận được" và không giải quyết thỏa đáng cáo buộc gian lận bầu cử.

Quân đội Myanmar đã phát tín hiệu đảo chính từ tuần trước khi tuyên bố sẽ "hành động" để phản đối kết quả bầu cử. Cuộc đảo chính diễn ra vào thời điểm quốc hội Myanmar chuẩn bị họp phiên đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử hôm 8/11. Sau cuộc bầu cử này, chính quyền dân sự được cho là sẽ tiến hành các cải cách dân chủ sâu rộng, thu hẹp dần quyền lực của quân đội.

Vai trò của quân đội trên chính trường Myanmar

Quyền lực to lớn của quân đội trên chính trường Myanmar - 2
Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung Suu Kyi và Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing (Ảnh: Reuters)

Cuộc đảo chính ngày 1/2 đánh dấu quân đội Myanmar trở lại điều hành đất nước sau 10 năm trao lại quyền lực cho một chính quyền bán dân sự vào năm 2011.
Quân đội từng nắm toàn bộ quyền lực tại Myanmar trong gần 50 năm kể từ cuộc đảo chính quân sự vào năm 1962. Những sai lầm về đường lối của chính quyền quân sự Myanmar trong khoảng thời gian đó đã khiến Myanmar cô lập với thế giới và tàn phá một trong những nền kinh tế vốn giàu có nhất trong khu vực lúc bấy giờ.

Sự xuất hiện của bà Aung San Suu Kyi, con gái người thành lập quân đội Myanmar, đã nhen nhóm những hy vọng mới cho Myanmar khi bà dẫn đầu phong trào dân chủ năm 1988. Cùng năm đó, bà đã đồng sáng lập ra Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình đã bị quân đội giải tán, bản thân bà Suu Kyi bị quản thúc suốt 15 năm. Đến đầu 2011, các tướng lĩnh quân đội mới quyết định thả tự do cho bà Suu Kyi và lập ra một chính quyền bán dân sự.

Năm 2015, sau cuộc tổng tuyển cử, đảng NLD giành chiến thắng, nhưng quân đội vẫn duy trì vai trò lớn trong hệ thống chính trị Myanmar nhờ vào các điều khoản trong hiến pháp. Theo hiến pháp năm 2008 do chính quân đội Myanmar soạn ra, quân đội nước này được phép nắm 25% ghế tại quốc hội không qua bầu cử - tỷ lệ đủ để phủ quyết bất kỳ dự luật nào. Quân đội cũng có quyền bổ nhiệm người của họ vào các vị trí quan trọng trong nội các gồm lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Các vấn đề Biên phòng. Điều này đảm bảo vai trò quan trọng của quân đội trong các vấn đề chính trị và kéo theo một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với chính quyền dân sự.

Điều 417 của hiến pháp Myanmar thậm chí cho phép tổng tư lệnh quân đội Myanmar quyền kiểm soát toàn bộ các nhánh lập pháp, tư pháp và hành pháp trong những trường hợp nghiêm trọng có thể kéo theo "sự tan rã của liên minh, sự tan rã của đoàn kết dân tộc và mất quyền chủ quyền".

Cuộc chính biến ở Myanmar ngày 1/2 ngay lập tức đã khiến cộng đồng quốc tế lên tiếng. Mỹ và nhiều nước phương Tây khác đã lên án cuộc đảo chính, kêu gọi quân đội Myanmar lập tức trả tự do cho các nhà chính trị và tôn trọng ý chí của người dân đã thể hiện qua cuộc bầu cử dân chủ tháng 11/2020.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar