1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Quốc gia NATO nêu cách chấm dứt xung đột Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Séc Petr Pavel cho rằng phương Tây có thể chấm dứt xung đột Ukraine bằng cách cung cấp cho Kiev tất cả vũ khí họ cần.

Quốc gia NATO nêu cách chấm dứt xung đột Ukraine - 1

Tổng thống Séc Petr Pavel (Ảnh: Getty).

Hãng tin Seznam Zpravy dẫn lời Tổng thống Séc Petr Pavel ngày 12/7 cho biết Nga có nhiều nguồn lực hơn Ukraine nên Kiev khó có khả năng đột phá nhanh chóng trên tiền tuyến, bất chấp sự hỗ trợ của phương Tây.

Tuy nhiên, ông Pavel nhấn mạnh phương Tây cần tiếp tục duy trì những nỗ lực như vậy, cung cấp cho Kiev tất cả vũ khí cần thiết, để khiến Nga nhận ra rằng họ không thể giành thêm bước tiến nào và phải bắt đầu đàm phán.

Tổng thống Pavel cũng cho rằng, trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, phương Tây không nên công nhận các vùng lãnh thổ do lực lượng Moscow kiểm soát là của Nga, mà chỉ coi chúng là vùng lãnh thổ bị kiểm soát tạm thời.

Nhà lãnh đạo Séc nhắc lại sự hoài nghi về khả năng Ukraine giành lại quyền kiểm soát các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia, cũng như bán đảo Crimea trong tương lai gần. Đây là những vùng Nga đã tuyên bố sáp nhập sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.

Hồi tháng 5, ông Pavel, người từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, nói với Sky News rằng "sẽ thật ngây thơ khi cho rằng Ukraine có thể khôi phục hoàn toàn quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ trong tương lai gần, vì Nga sẽ không từ bỏ lãnh thổ mà họ kiểm soát hiện nay".

Tổng thống Séc cũng dự đoán, "có thể sẽ có một số thỏa hiệp" trong các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai và việc chấm dứt xung đột có thể mở đường cho "các cuộc thảo luận về tư cách thành viên tiềm năng của Ukraine" trong NATO.

Tổng thống Pavel hồi tháng 3 rằng, nếu NATO triển khai lực lượng hỗ trợ trực tiếp trên lãnh thổ Ukraine, điều đó cũng không bị coi là vi phạm bất cứ chuẩn mực quốc tế nào.

Ông nhấn mạnh, từ góc độ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, "sẽ không có gì ngăn cản quân đội các nước thành viên NATO" hỗ trợ các hoạt động ở Ukraine.

Tổng thống Pavel là một trong những lãnh đạo NATO lên tiếng sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết các lãnh đạo phương Tây đã bàn đến kịch bản đưa quân vào Ukraine.

Ý tưởng đưa quân đến Ukraine hiện vẫn gây nhiều tranh cãi. Trong khi hầu hết các nước thành viên NATO tuyên bố không có ý định triển khai lực lượng quân sự trên lãnh thổ Ukraine, một số nhà lãnh đạo tỏ ra ủng hộ ý tưởng này và cho rằng không nên loại trừ kịch bản đó.

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng ủng hộ việc "kết thúc hoàn toàn cuộc xung đột", trái ngược với "một lệnh ngừng bắn hoặc một hình thức tạm dừng giao tranh nào đó mà chính quyền Kiev có thể sử dụng để phục hồi tổn thất, tập hợp lại lực lượng và tái vũ trang".

Ông Putin nhấn mạnh rằng xung đột chỉ có thể chấm dứt nếu Ukraine đáp ứng một số yêu cầu của Nga, bao gồm việc rút quân của Kiev khỏi toàn bộ vùng Donbass (Donetsk và Lugansk), cũng như các khu vực Zaporizhia và Kherson.

Tổng thống Putin cũng đưa ra những điều kiện mang tính ràng buộc về mặt pháp lý rằng Kiev sẽ không tìm cách trở thành thành viên NATO. Ukraine cùng với các nước phương Tây đã bác bỏ đề xuất của Nga và gọi đây là tối hậu thư không thể chấp nhận được.

Theo RT