Quốc gia châu Phi "oằn mình" trả nợ dự án đường sắt hợp tác với Trung Quốc
(Dân trí) - Kenya đang tìm cách thương lượng giảm nợ với Trung Quốc liên quan tới dự án đường sắt xây bằng vốn của Bắc Kinh.
SCMP đưa tin, Kenya đang tìm cách đàm phán giảm nợ với Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 và hạn để trả khoản nợ đầu tiên đã tới gần.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Nairobi đã xác nhận rằng các cuộc đàm phán về việc đình chỉ các khoản nợ của Kenya đang diễn ra. Quốc gia Đông Phi mới được giảm nợ 300 triệu USD từ Câu lạc bộ Paris, một nhóm không chính thức gồm các chủ nợ hỗ trợ những nước đi vay gặp khó khăn theo Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ (DSSI) của G20.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc Huang Xueqing cho biết Bắc Kinh và Nairobi đang "duy trì trao đổi hiệu quả" và Trung Quốc "sẵn sàng tăng cường phối hợp và hỗ trợ Kenya trong nỗ lực giải quyết các thách thức về nợ".
Trung Quốc cho biết họ đã ký thỏa thuận đình chỉ thanh toán nợ với 12 quốc gia châu Phi và cung cấp các khoản miễn trừ đối với các khoản vay không lãi suất đáo hạn cho 15 nước châu Phi.
Với Kenya, họ còn hạn tới ngày 21/1 để trả khoản vay đầu tiên của khoản nợ trị giá 1,48 tỷ USD với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Exim). Khoản tiền này được dùng để xây dự án đường sắt nối từ Nairobi đến Naivasha.
Theo thỏa thuận ban đầu, Kenya sẽ phải thanh toán 30 lần cho ngân hàng Exim bắt đầu từ ngày 21/1 cho tới 21/7/2035 đến khi hết nợ. Lãi suất của khoản vay cao hơn 3% lãi suất chuẩn liên ngân hàng London.
Ngoài ra, khoản 1,6 tỷ USD Kenya vay ngân hàng Exim để tiến hành giai đoạn 1 của dự án đường sắt SGR từ thành phố Mombasa tới Nairobi sẽ tới hạn trả từ tháng 7.
Thêm vào đó, Kenya cũng phải bắt đầu trả khoản nợ 7,7 triệu USD vay Trung Quốc để "hợp tác kinh tế và kỹ thuật" từ ngày 1/4, cũng như tới tháng 9, họ sẽ phải tiến hành trả thêm khoản nợ 101,6 triệu USD dùng cho việc nâng cấp đường điện ở Nairobi.
Trung Quốc là chủ nợ song phương lớn nhất của Kenya, cung cấp 6,7 tỷ USD cho Nairobi xây đường bộ, đường sắt, cảng và các công trình cơ sở hạ tầng khác. Hầu hết các khoản vay của Kenya đều được dùng để xây SGR - công trình nằm trong sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc.
Tuy nhiên, dự án đường sắt này hoạt động không hiệu quả, khi nó không làm ra đủ tiền để tự vận hành, dẫn tới việc không kiếm được tiền để trả nợ.
Mark Bohlund, chuyên gia tại tổ chức REDD Intelligence (Mỹ), nhận định rằng Kenya có thể đang tìm kiếm một thỏa thuận song phương với Trung Quốc để giảm bớt căng thẳng tài chính liên quan đến dự án SGR.
"Trung Quốc có thể đang tìm cách bác bỏ các cáo buộc rằng họ tiến hành 'ngoại giao bẫy nợ' (với Kenya) và cung cấp một số hỗ trợ tài chính cho Kenya để giúp Nairobi đối phó với các dự án thua lỗ do Trung Quốc tài trợ, như cách Bắc Kinh đã làm ở Sri Lanka vào tháng 10/2020", ông Bohlund nhận định.