1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hệ lụy xã hội từ các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Kenya

(Dân trí) - Đằng sau những cơ hội việc làm mà các công ty Trung Quốc mang lại khi đầu tư sang Kenya, người dân quốc gia châu Phi này đang phải đối mặt với các hệ lụy xã hội mới khi họ bị kì thị và phân biệt chủng tộc ngay tại chính đất nước mình.

Richard Ochieng, một nhân chứng người Kenya bị người Trung Quốc kỳ thị chủng tộc (Ảnh: New York Times)
Richard Ochieng, một nhân chứng người Kenya bị người Trung Quốc kỳ thị chủng tộc (Ảnh: New York Times)

Trước năm 2017, Richard Ochieng, 26 tuổi, không có khái niệm về phân biệt chủng tộc. Anh chưa từng trải nghiệm qua điều này khi sinh ra và lớn lên ở ngôi làng gần hồ Victoria, nơi mọi người anh quen biết là người da đen. Anh chưa bao giờ bị kỳ thị khi đi học đại học, khi tốt nghiệp và đi tìm việc làm.

Chỉ khi anh tới Ruiru, một khu vực tăng trưởng nóng ở cạnh thủ đô Nairobi, và xin việc vào một công ty xe máy của Trung Quốc, Ochieng mới trải nghiệm sự kỳ thị từ chính người “sếp” Trung Quốc. Người này đã gọi Ochieng là “một con khỉ”.

Điều đó xảy ra khi Ochieng và lãnh đạo công ty cùng đi khảo sát địa bàn bán hàng và nhìn thấy một đàn khỉ đầu chó đứng ven đường.

“Những người anh em của cậu kìa”, người đàn ông Trung Quốc nói, thúc giục Ochieng mang chuối cho những con khỉ.

Sau đó, trò đùa đầy tính kỳ thị tiếp diễn khi người sếp trên tiếp tục có ý gọi toàn bộ người dân Kenya là loài linh trưởng, Ochieng nói.

Người đàn ông Kenya đã ghi lại đoạn video có ngôn từ xúc phạm trên và đưa chúng lên mạng xã hội. Ngay lập tức, chính quyền Kenya đã yêu cầu người đàn ông Trung Quốc hồi hương. Cách xử lý này đã làm dấy lên những bàn luận trong nội bộ dư luận Kenya.

Trong bối cảnh Trung Quốc mang tiền tới đầu tư và mở rộng hiện diện tại khu vực, nhiều người dân Kenya quan ngại rằng việc đưa người Trung Quốc vào Kenya dường như đang khiến người dân nước này hứng chịu thái độ kỳ thị và phân biệt chủng tộc tại chính quê hương của họ.

Kenya từng là một quốc gia thuộc địa. Vào thời điểm đó, những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng thống trị và ép những người da đen phải đeo giấy tờ tùy thân trên cổ. Tuy nhiên, sau khi giành được độc lập vào năm 1963, người dân Kenya tự hào rằng họ đã xây dựng được nền dân chủ ổn định so với các quốc gia láng giềng trong khu vực.

Ngày nay, nhiều người dân Kenya cho biết kỳ thị chủng tộc là một hiện tượng mà họ chỉ biết thông qua các bài học lịch sử và tin tức. Tuy nhiên, câu chuyện từ sự kỳ thị của người Trung Quốc tại đây đã khiến người Kenya cảm thấy hoang mang và băn khoăn.

“Họ là những người có nguồn vốn, nhưng dù chúng tôi rất mong muốn họ đầu tư vào Kenya, chúng tôi không muốn họ đối xử với chúng tôi như thể chúng tôi không phải là con người tại chính đất nước này”, anh David Kinyua, 30 tuổi, người đang quản lý một khu công nghiệp ở Ruiru, nơi có công ty của Ochieng đang làm việc, cho biết.

Một quán mì Trung Quốc ở Kenya (Ảnh minh họa: New York Times)
Một quán mì Trung Quốc ở Kenya (Ảnh minh họa: New York Times)

Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động cho vay vốn xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp các quốc gia châu Phi. Để trả các khoản nợ, nhiều nước đã chấp nhận vay mượn hoặc dùng tài nguyên thiên nhiên để trao đổi. Giới chuyên gia đã không ít lần cảnh báo về quyền lực mềm của Trung Quốc ở các quốc gia này.

Tuy nhiên, ngoài những quan ngại trên, người dân tại Kenya còn quan tâm tới thái độ kỳ thị và phân biệt chủng tộc từ người Trung Quốc.

Ở Nairobi, các công nhân ở độ tuổi 20-30 chia sẻ các câu chuyện về kỳ thị chủng tộc mà họ gặp phải. Một người kể lại rằng cô đã nhìn thấy một giám đốc Trung Quốc thẳng tay tát một nữ đồng nghiệp Kenya vì một lỗi lầm nhỏ nhặt.

Những công nhân khác cho biết phòng vệ sinh của họ được chia thành 2 loại: nhà vệ sinh cho người Trung Quốc và nhà vệ sinh cho người Kenya.

Chưa có thống kê chính thức về số người Trung Quốc đang sống tại Kenya, dù một nghiên cứu cho thấy con số này vào khoảng 40.000. Một số người chỉ làm việc trong thời gian ngắn ngày, một số thiết lập nên các khu vực sống riêng của người Trung Quốc và hạn chế tiếp xúc xã hội với người dân địa phương. Sự cách biệt và thiếu gắn kết đã khiến nhiều người Trung Quốc không hiểu rõ cuộc sống người Kenya. Một số người tới Kenya với tâm lý coi thường người dân địa phương, theo ông Howard French, một cây bút của New York Times.

Cáo buộc về kỳ thị chủng tộc xuất hiện ngay trên những công trình trọng điểm quốc gia như đoạn đường sắt nối giữa Nairobi và Mombasa. Đoạn đường trị giá 4 tỷ USD được coi là biểu tượng của sự hợp tác xây dựng giữa Trung Quốc và Kenya.

Tuy nhiên, vào tháng 7, tờ báo địa phương The Standard đăng một bài viết mô tả không khí giống như “chủ nghĩa thực dân” ở dự án hữu nghị này. Theo đó, những người Kenya dường như không được phép vận hành tàu, trừ khi có nhà báo xuất hiện tại hiện trường.

Ngoài ra, các nhân viên người Kenya còn bị trực tiếp xúc phạm. “Mặc đồng phục vào, trông cậu không còn giống mấy con khỉ nữa”, Fred Ndubi, 24 tuổi, nhớ lại câu nói xúc phạm mà anh nhận được từ một người quản lý Trung Quốc.

“Tại sao ông có thể gọi chúng tôi là khỉ”, Ndubi đáp trả. Sau đó, anh xin nghỉ việc dù cha mẹ anh đã phải bán đi 1/4 diện tích đất để cho con trai tham gia khóa đào tạo trở thành người vận tải hệ thống đường sắt.

Đường sắt hữu nghị Trung Quốc và Kenya (Ảnh minh họa: BBC)
Đường sắt hữu nghị Trung Quốc và Kenya (Ảnh minh họa: BBC)

Đó không phải là lần đầu các công ty Trung Quốc bị cáo buộc có hành động kỳ thị chủng tộc. Hai năm trước, một công ty sản xuất xà phòng giặt ở Trung Quốc đã cho chạy một đoạn quảng cáo ca ngợi công dụng của một loại xà phòng khi có thể biến một người đàn ông da màu trở thành một người châu Á da vàng. Năm ngoái, ứng dụng nhắn tin Wechat của Trung Quốc phải xin lỗi vì phần mềm dịch của nước này đã chuyển ngữ từ “du khách da đen” trong tiếng Trung thành một từ lóng khiếm nhã trong tiếng Anh.

Ochieng nói, trong công việc người Kenya bị đối xử khá hà khắc với những điều lệ như cấm không được cười trong giờ làm việc, phạt tiền cho mỗi phút đi muộn. Tuy nhiên, với anh, điều đau lòng nhất khi người dân nước Anh bị gọi là con khỉ, cách gọi đầy miệt thị và khinh thường.

Ochieng nói anh đã nhiều lần lên tiếng phản đối nhưng những người sử dụng cách gọi này vẫn tảng lờ. Anh này nói rằng anh buộc phải ghi âm lại để có bằng chứng.

Ngày mà đoạn video của Ochieng được tung lên mạng cũng là ngày mà người “sếp” Trung Quốc của Ochieng bị trục xuất. Sự bức xúc bùng nổ tới mức Đại sứ quán Trung Quốc ở Kenya phải lên tiếng rằng: “Cách nhìn và biểu đạt của người đàn ông trong đoạn video không đại diện cho quan điểm của phần lớn người Trung Quốc”.

Đức Hoàng

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm