1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quốc đảo Thái Bình Dương có nguy cơ biến mất hoàn toàn

Tùng Anh

(Dân trí) - Khi nước biển dâng, nông nghiệp ở quốc đảo Thái Bình Dương Tuvalu trở nên bấp bênh, và nghề đánh cá phát đạt một thời cũng bắt đầu suy sụp.

Quốc đảo Thái Bình Dương có nguy cơ biến mất hoàn toàn - 1

Funafuti, đảo chính của Tuvalu, nhìn từ trên cao. Ảnh chụp tháng 10/2011 (Ảnh: AP).

Tuần trước, Ngoại trưởng Tuvalu Simon Kofe đã gây xôn truyền thông thế giới với ảnh bức chụp ông ghi hình bài phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP26, với nước biển ngập đến đầu gối. Bức ảnh đã được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội những ngày gần đây, nêu bật thực trạng nhức nhối mà quốc đảo Thái Bình Dương này đang phải đối mặt, và cũng cho thấy quốc đảo nhỏ bé vốn đang nỗ lực thúc đẩy các hành động tích cực nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

"Không ai nghĩ rằng bức hình đó sẽ lan truyền như thế vài ngày qua. Điều này khiến chúng tôi hài lòng và hy vọng rằng nó mang đến một thông điệp cũng như nhấn mạnh những thách thức mà Tuvalu đang phải đối mặt", Kofe nói.

Quốc đảo Tuvalu có dân số khoảng 11.000 người, điểm cao nhất ở đây chỉ là 4,5 m so với mực nước biển, trong khi độ cao trung bình so với mực nước chưa đến 2 m. Kể từ năm 1993, mực nước biển ước tính đã tăng khoảng 0,5 cm mỗi năm, theo một báo cáo năm 2011 của chính phủ Australia.

Bộ trưởng Tài chính Tuvalu Seve Paeniu đã chứng kiến nước biển dâng và gặm nhấm quê hương của mình như thế nào. "Tuvalu đang chìm dần", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Yahoo News.

"Có những trận ngập lụt do thủy triều. Nước biển xâm nhập cả vào mạch ngầm, những nơi trước kia nước không chảy qua giờ thì đều bị ngập. Có những đợt sóng lớn trào lên khi vòi rồng ập đến và cuốn bay mọi thứ trên đất liền... Điều đó trước đây chưa bao giờ xảy ra", Paeniu khẳng định. Ông nói thêm: "Chúng tôi từng có những vùng đất nông nghiệp và thảm thực vật, nay đã bị nhấn chìm hoặc biến mất".

Không có sông hoặc giếng để lấy nước ngọt, người dân Tuvalu phải hứng nước mưa để sử dụng hoặc nhập khẩu máy khử muối chạy bằng dầu diesel, mặc dù giải pháp thứ hai rất tốn kém. Khi nước biển dâng lên, nông nghiệp trở nên bấp bênh hơn, và nghề đánh cá phát đạt một thời cũng bắt đầu suy sụp.

"An ninh lương thực đang bị đe dọa nghiêm trọng, và thậm chí cả nghề cá truyền thống. Chúng tôi thấy san hô bị tẩy trắng và đại dương bị axit hóa, tất cả ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thực phẩm", ông Paeniu nói.

Tồi tệ hơn nữa, các cơn bão nhiệt đới ngày càng mạnh lên nhờ nhiệt độ đất liền và đại dương tăng, khiến Tuvalu và các quốc đảo khác gặp nguy cơ lớn hơn.

"Bão Tino tấn công vào tháng 1/2020, một cơn bão cấp độ 4 khá nghiêm trọng", ông Paeniu nói. "Đối với những ngôi nhà không có cột chống, nó đã quét sạch nhà cửa lẫn đồ đạc. Cơn bão cũng phá hủy các ruộng khoai môn đầm lầy, cây trồng chính của chúng tôi. Lớp thực vật bị bóc sạch nên nước biển tràn vào, và toàn bộ vụ mùa mất trắng".

Cựu Tổng thống Barack Obama nhắc đến Tuvalu trong bài phát biểu tuần trước tại COP26. "Quần đảo là con chim hoàng yến trong mỏ than ở tình huống này. Hiện họ đang gửi đến một thông điệp, rằng nếu chúng ta không hành động - và không kiên quyết hành động - thì sẽ là quá muộn".

Nguy cơ biến mất hoàn toàn

Quốc đảo Thái Bình Dương có nguy cơ biến mất hoàn toàn - 2

Tuvalu có nguy cơ biến mất trên bản đồ nếu nước biển tiếp tục dâng lên (Ảnh: Youngpioneertours).

Thực trạng của Tuvalu nghiêm trọng tới nỗi đất nước Thái Bình Dương này đang phải nghiên cứu các biện pháp để giữ lại quyền sở hữu các vùng biển và tư cách là một quốc gia, ngay cả khi quốc đảo chìm hẳn dưới biển.

Ngoại trưởng Simon Kofe nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn: "Chúng tôi thực sự đang tính đến tình huống xấu nhất khi người dân buộc phải di dời hoặc toàn bộ đất đai bị nhấn chìm."

"Tuvalu đang xem xét các lộ trình pháp lý, nơi chúng tôi có thể duy trì quyền sở hữu các vùng biển của mình, duy trì sự công nhận tư cách quốc gia theo luật pháp quốc tế. Đó là những bước chúng tôi chuẩn bị cho tương lai về sau", ông nói thêm.

Ảnh hưởng toàn cầu

Quốc đảo Thái Bình Dương có nguy cơ biến mất hoàn toàn - 3

Dự báo nước biển dâng của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc (Ảnh: IPCC).

Tình hình ở Tuvalu là một chi tiết nhỏ trên một bức tranh lớn. Năm 2019, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc đưa ra dự báo mực nước biển sẽ dâng cao từ 30-60 cm vào năm 2100, ngay cả khi các quốc gia thực hiện đầy đủ cam kết cắt giảm khí thải theo Thỏa thuận chung Paris năm 2015. Nếu lượng khí nhà kính tiếp tục được thải ra với tốc độ hiện tại, IPCC dự đoán mực nước biển sẽ dâng lên 84 cm vào năm 2100 và lên tới 5,4 mét vào năm 2300. Ủy ban cũng đưa ra cảnh báo rằng mức tăng hơn 1 m vào năm 2100 là không khó xảy ra, và khuyến cáo tại các quốc gia có mức rủi ro cao để lập kế hoạch đối phó phù hợp.

Đối mặt với hoàn cảnh tương tự Tuvalu là Maldives, quốc đảo 300 km2 ở Ấn Độ Dương được xếp vào danh sách "cực kỳ dễ tổn thương" do hậu quả biến đổi khí hậu. Nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu (với kịch bản trung bình) khiến mực nước biển tăng lên 0,5m , Maldives sẽ mất 77% lãnh thổ vào năm 2100, còn nếu tăng 1m thì toàn bộ các đảo ở quốc gia này có thể bị ngập hoàn toàn vào năm 2085.

Hà Lan cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề, phần lớn phía Tây xứ sở hoa Tulip nằm dưới mực nước biển do quá trình lấn biển hàng trăm năm qua. Một số khu vực thực tế đã thấp hơn mực nước biển đến 10 m. Theo chính phủ Hà Lan, các công trình phòng thủ hiện tại có thể đối phó tình hình đến năm 2050, và việc nâng cấp đang diễn ra nhưng chậm chạp.

Quốc đảo Thái Bình Dương có nguy cơ biến mất hoàn toàn - 4

Maldives cũng là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi nước biển dâng cao (Ảnh: Euromoney.com).

Kiribati, quốc đảo có dân số khoảng 110.000 người rải rác trên 33 hòn đảo nhỏ và thấp với tổng diện tích 811 km2, đã tính xa đến mức mua sẵn một mảnh đất 20 km2 ở nước láng giềng Fiji vào năm 2014. Hiện khu vực đang được sử dụng cho các dự án nông nghiệp và chăn nuôi nhưng sẽ trở thành chỗ di tản cho các công dân Kiribati nếu toàn bộ lãnh thổ chìm dưới nước vào cuối thế kỷ này.

Nhà khoa học khí hậu Benjamin Strauss trả lời phỏng vấn chương trình The Climate Crisis Podcast cuối tháng 10, rằng nhân loại đã làm nhiệt độ hành tinh tăng lên 1,1 độ và vấn đề băng tan chỉ còn là thời gian. Ông nói rằng thật khó tưởng tượng tương lai lâu dài của Florida, Mỹ khi mức nước biển tiếp tục nâng lên.

Ông Strauss, người đã điều trần trước quốc hội Mỹ về số lượng các hộ gia đình Mỹ có thể bị đe dọa do nước biển dâng vì biến đổi khí hậu, nhấn mạnh rằng các ước tính hiện thời cho thấy nước biển sẽ tăng từ 61-91 cm vào cuối thế kỷ này và sẽ tiếp tục gia tăng trong các thập niên tới. 

Ông Strauss kêu gọi thế giới cần hợp tác cùng nhau để ngăn chặn nguy cơ con số đó tăng cao hơn. "Tôi cho rằng chúng ta có thể tự giúp mình rất nhiều bằng cách làm chậm những thay đổi này", ông nói.