1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quân Nga áp sát Libya, chính thức tạo thế cờ Bắc Phi

Tướng Mỹ, Tư lệnh lực lượng giám sát Châu Phi, Thomas Waldhauser, cho rằng Nga đang gây ảnh hưởng để gia tăng vị thế tại Libya giống như đã làm tại Syria...

“Dường như Nga đã triển khai lực lượng đặc biệt tới căn cứ không quân ở phía tây Ai Cập, gần biên giới với Libya, trong những ngày gần đây - một động thái làm tăng mối quan ngại của Mỹ về vai trò ngày càng rõ nét hơn của Moscow trong ván cờ Libya”, Reuters ngày 13/3 tường thuật trong một bản tin độc quyền, về những nước đi của Nga thách thức phương Tây tại khu vực Bắc Phi.

Giới ngoại giao Mỹ cho rằng, việc triển khai quân đặc nhiệm của Nga như vậy được xem là một phần trong nỗ lực hỗ trợ cho lực lượng Quân đội Quốc gia Libya của tướng Khalifa Haftar trong cuộc đối đầu với các thế lực đối nghịch – phần đông được phương Tây chống lưng – trong cuộc nội chiến lần thứ hai tại Libya, vì lợi ích từ những giếng dầu tại quốc gia Bắc Phi này.

Một quan chức quân sự Mỹ giấu tên, cho Reuters biết rằng Mỹ đã quan sát thấy những hoạt động của lực lượng đặc biệt và máy bay do thám của Nga tại Sidi Barrani, cách biên giới Ai Cập-Libya khoảng 100km.

Bộ Quốc phòng Nga không đưa ra bình luận gì, còn phía Ai Cập đã phủ nhận bất cứ sự có mặt của lực nào trong quân đội Nga trên đất nước họ.

Tư lệnh lực lượng Quân đội Quốc gia Libya, tướng Khalifa Haftar - át chủ bài của Moscow tại Libya
Tư lệnh lực lượng Quân đội Quốc gia Libya, tướng Khalifa Haftar - át chủ bài của Moscow tại Libya

Nga đã tạo được thế cờ cho mình tại Libya

“Những nghi vấn xung quang vai trò của Nga tại Bắc Phi trùng hợp với những lo ngại ngày càng gia tăng của Washington về các ý định của Moscow đối với một đất nước Libya nhiều dầu mỏ nhưng đầy hỗn loạn – điều đáng hổ thẹn đối với NATO, vốn ủng hộ phe đối lập tại Libya trong cuộc nổi dậy năm 2011 chống lại nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi”, Reuters phân tích.

Theo tờ báo của Anh thì nỗi hổ thẹn đó được thể hiện rõ qua việc chính phủ Libya tại Tripoli do LHQ hậu thuẫn không thể khai thông bế tắc với Quân đội Quốc gia Libya của tướng Haftar – vốn đang ở thế thượng phong - nên phải nhờ cậy đến Moscow.

Và các quan chức của Nga đã gặp gỡ cả hai bên trong những tháng gần đây để tìm ra một giải pháp khả dĩ cho ván cờ Libya.

Reuters bình luận rằng, dường như Moscow sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao hướng tới sự đồng thuận giữa các lực lượng chính trị tại Libya – mấu chốt của việc chấm dứt cuộc nội chiến lần thứ hai tại nước này – điều mà phương Tây đã bó tay.

Thực tế đó khiến phương Tây phải bối rối vì nó có thể lặp lại tình hình như ở Syria, khi sự can thiệp của Nga đã củng cố vững chắc vị thế của chính quyền Tổng thống Assad vốn tưởng chừng đã sụp đổ.

Chính vì vậy, dù phía Ai cập phủ nhận quân đặc nhiệm Nga xuất hiện trên lãnh thổ nước này, đồng thời lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Haftar cũng phủ nhận đã được sự trợ giúp quân sự từ nhà nước Nga hoặc từ các nhà thầu quân sự Nga cũng như khẳng định không có lực lượng hoặc căn cứ nào của Nga ở miền đông Libya, song phương Tây không tin vào điều đó.

Bởi lẽ theo các quan chức tình báo Mỹ cho biết thì các hoạt động quân sự của Nga thường rất phức tạp do Moscow sử dụng các nhà thầu dân sự vào việc này, hoặc các lực lượng tham gia hoạt động không có quân phục hay không có những dấu hiệu để có thể nhận biết đó là các lực lượng đang hoạt động với các mục tiêu quân sự.

Điều đó khiến cho Mỹ và phương Tây luôn phải cảnh giác cao độ. Tướng Mỹ, Tư lệnh lực lượng quân đội giám sát châu Phi, Thomas Waldhauser, trong một phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, cho rằng Nga đang cố gắng gây ảnh hưởng ở Libya để gia tăng vị thế của Moscow đối với bất cứ lực lượng nào nắm giữ quyền lực tại đất nước Bắc Phi này.

Trả lời chất vấn của Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham rằng liệu những gì Nga đang làm ở Libya có giống như những gì Moscow đã làm ở Syria không, tướng Waldhauser khẳng định Kremlin đang làm như vậy.

Ông Waldhauser lặp lại lời nhận định của mình với Uỷ ban Quân vụ của Thượng viện Mỹ rằng : "Họ đang làm việc để gây ảnh hưởng theo cách đó", Reuters tường thuật.

Như vậy là các nước đi của Tổng thống Putin nhằm đưa Nga dần trở thành nhân tố quyết định trong ván cờ Libya đã được đối phương nhận diện. Theo Reuters, giới chức tình báo Mỹ đã nhìn nhận mục tiêu của Nga ở Libya dường như là nỗ lực để lấy lại tầm ảnh hưởng mà Liên Xô từng có đối với Gaddafi.

Phương Tây lo ngại tầm ảnh hưởng của Moscow tại Libya là hoàn toàn có cơ sở, không chỉ vì Kremlin đang nắm át chủ bài là tướng Khalifa Haftar, mà bên cạnh đó là việc Ai Cập đang giúp Nga thực hiện điều đó. Bởi Cairo đã tỏ rõ sự thất vọng khi NATO hỗ trợ lật đổ Gaddafi rồi để Libya rơi vào hỗn loạn, khiến Ai Cập phải đối mặt với hiểm họa bất ổn từ nước láng giềng, theo Reuters.

Nga đã tạo được ảnh hưởng với Ai Cập – lời cảnh báo nghiêm khắc với Mỹ và đồng minh

Ai Cập tạo điều kiện cho Nga “dẹp loạn” tại Libya, ngoài việc muốn tránh hiểm họa lây lan từ Libya, còn bởi mối quan hệ Moscow – Cairo đã được nâng tầm, mà điều đó được xác lập nhờ niềm tin của Ai Cập đối với Nga qua cách hành xử của Moscow có phần khác với Mỹ và đồng minh trong việc giải quyết các xung đột quốc tế.

Điều đó được thể hiện rõ qua hai sự kiện “đặc biệt nguy hiểm”.

Thứ nhất, Nga không có bất cứ hành động nào có thể đe dọa chủ quyền của Ai Cập sau khi một máy bay dân sự của Nga xuất phát từ sân bay Sharm el-Sheikh, Ai Cập, bị khủng bố đánh bom, nổ tung và rơi xuống bán đảo Sinai, Ai Cập, ngày 31/10/2015, khiến toàn bộ 224 người trên máy bay, chủ yếu là người Nga, thiệt mạng.

Thứ hai, Nga không trả đũa bằng hành động quân sự đối với Thổ Nhỹ Kỳ sau khi Ankara bắn rơi máy bay của Nga trên không phận tại khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria vào ngày 24/11/2015, mà Moscow chọn trả đũa Ankara bằng biện pháp cấm vận kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Moscow đã biến nỗi buồn máy bay bị khủng bố thành động lực trong hợp tác với Cairo
Moscow đã biến "nỗi buồn máy bay bị khủng bố" thành động lực trong hợp tác với Cairo

Trong khi cả hai tình huống này, nếu không phải rơi vào Nga mà là một cường quốc quân sự khác thì cả Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đều có thể lãnh hậu hoạ. Việc Mỹ quyết định tấn công Afghanistan chỉ vì nghi ngờ Bin Laden – được chính quyền Taliban chứa chấp - đạo diễn vụ khủng bố 11/9/2001, đã chứng minh cho nhận định đó.

Không những vậy, Moscow lại còn tạo điều kiện, nhanh chóng kết nối, thậm chí nâng tầm quan hệ với những thực thể đúng ra phải bị trừng phạt. Việc không những không đánh “người chạy lại” Erdogan sau “sự kiện 17 giây” mà còn nhanh chóng khôi phục và nâng tầm quan hệ Nga – Thổ sau khủng hoảng, đó là điều Ai Cập không thể không ghi nhận sự “cao cơ” của Putin.

Chính vì vậy Ai Cập đã đặt niềm tin vào Moscow khi nâng tầm quan hệ Nga – Ai Cập và kết quả là kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt kỷ lục năm 2016, trong đó xuất khẩu từ Nga vào Ai Cập chiếm tới 94% tổng kim ngạch xuất khẩu của Liên minh Á – Âu vào thị trường Bắc Phi này. Điều đó cho thấy “nỗi buồn máy bay bị khủng bố” đã được Moscow biến thành động lực trong hợp tác với Cairo.

Tuy nhiên, một sự kiện đặc biệt quan trọng đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong quan hệ Nga - Ai Cập, đó là hai nước đã tổ chức cuộc tập trận chung lần đầu tiên vào tháng 10/2016 - điều mà Mỹ và Ai Cập đã thường xuyên tổ chức cho đến năm 2011, khi làn gió của Mùa xuân Ả rập tràn qua đất nước Bắc Phi này.

Giới phân tích cho rằng đây là lời cảnh báo nghiêm khắc với Washington trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi đang ngày càng mờ nhạt, còn tại vùng Địa Trung Hải thì vai trò của Mỹ cũng sụt giảm bởi hậu quả của việc xoay trục trong chiến lược quan hệ đối ngoại của Washington thời chính quyền Tổng thống Obama.

Từ những lo ngại của giới tình báo và giới quân sự Mỹ về sự xuất hiện lực lượng đặc nhiệm Nga tại Ai Cập, chuẩn bị cho việc hiện diện tại Libya, cùng với những động thái kết nối ngoại giao con thoi giữa lực lượng Quân đội Quốc gia Libya với chính phủ tại Tripoli được LHQ hậu thuẫn, cho thấy Moscow đã tạo được thế cờ tại Libya và một thế cờ của Moscow tại khu vực Bắc Phi cũng đã chính thức được nhận diện.

Theo Ngọc Việt

Đất Việt