1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Quan hệ Nga – Mỹ: Căng nhưng khó đứt

(Dân trí) - Việc Tổng thống Mỹ hủy gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga được xem là hành động “dằn mặt” cứng rắn nhất của Washington đối với Mátxcơva trong nhiều năm qua. Tuy lao dốc nhưng quan hệ căng thẳng Nga-Mỹ sẽ khó có thể quay lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Quan hệ Nga – Mỹ: Căng nhưng khó đứt
Vụ Snowden không phải là nguyên nhân chính khiến Tổng thống Obama hủy gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin.


Quyết định của Điện Kremlin cho phép chuyên gia phân tích tình báo trẻ tuổi Edward Snowden của Mỹ được tạm trú tại Nga một năm đã khiến Washington không thể kiềm chế cơn tức giận. Nó đã trở thành “giọt nước tràn ly” trong quan hệ căng thẳng Mỹ - Nga kéo dài suốt thời gian qua liên quan đến một loạt hồ sơ nóng quốc tế. Chính vì thế mà “cuộc gặp quyết định” giữa hai nhân vật quyền lực nhất thế giới được dư luận rất trông đợi sẽ không thể diễn ra như kế hoạch và hy vọng quan hệ Nga – Mỹ được “tái khởi động” nhân cuộc gặp này cũng đã nhanh chóng bị tiêu tan.

“Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng từ tháng 7, chúng tôi đi tới kết luận là không có đủ tiến bộ gần đây trong chương trình nghị sự tay đôi với Nga để tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Mỹ trong tháng 9 tới”, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney đã tuyên bố như vậy hôm 7/8.

Do thay đổi kế hoạch vào phút chót nên Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ dừng chân tại Thụy Điển trong ngày 4/9, thay vì bay thẳng đến Mátxcơva trước khi tới St. Peterbourg để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước phát triển và đang phát triển hàng đầu thế giới (G-20) sẽ diễn ra trong hai ngày 5-6/9.

Trong con mắt của giới truyền thông Mỹ, đây là hành động trả đũa ngoại giao hy hữu trong quan hệ chính trị quốc tế nước lớn, và vì thế, nó phản ánh rõ thái bộ bất bình của Nhà Trắng trước quyết định “vuốt mặt không nể mũi” của Điện Kremlin. Kể từ khi chính quyền Obama bắt đầu cài đặt lại quan hệ với Nga, đây cũng là lần đầu tiên quan hệ Nga – Mỹ rơi xuống mức thấp kỷ lục và đi ngược lại chủ trương “can dự với cả kẻ thù” mà ông Obama từng cam kết khi mới lên cầm quyền hồi đầu năm 2009.

Thế nhưng, mối quan hệ gập ghềnh giữa hai nước cựu thù vẫn không vì thế mà có thể quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh vi trước mắt hai nước có quá nhiều điểm cần phải nương tựa vào nhau, đặc biệt trong việc chấm dứt cuộc chiến dằng dai ở Syria, hồ sơ hạt nhân Iran, lộ trình cắt giảm vũ khí hạt nhân, việc triển khi hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu và ngay kể cả việc có thể cần dựa vào nhau đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc trong tương lai.

“Mỹ vẫn sẽ hợp tác với Nga trong những vấn đề có thể tìm được những điểm chung”, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes khẳng định.

Vậy cần hiểu quyết định trả đũa cứng rắn của Tổng thống Obama như thế nào?

Theo đánh giá chung, đây chẳng qua chỉ là hệ quả của việc ông Obama đang phải chịu sức ép quá lớn từ phe đối lập và các nhà lập pháp trong nước sau vụ việc bẽ mặt và khó xử liên quan đến những tiết lộ “vô tiền khoáng hậu” của cựu nhân viên tình báo Snowden. Một hệ quả đã được báo trước.

Bởi trong thế o ép bất khả kháng đó, ông Obama không có lựa chọn nào tốt hơn là phải chấp nhận “nhấn cần hãm phanh” để bảo toàn cục diện. Hủy thượng đỉnh song phương nhưng vẫn có mặt tại Thượng đỉnh G-20 sẽ tốt hơn nhiều so với việc vắng bóng hoàn toàn theo như yêu cầu của nhiều nhà lập pháp Mỹ. Hơn nữa, dù không gặp thượng đỉnh nhưng chí ít ông Obama cũng đã có được “lưng vốn” nho nhỏ sau cuộc gặp “2+2” giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước chỉ trước đó ít hôm.

Về phần mình, là một nguyên thủ sắc sảo và dạn dày kinh nghiệm, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa hiểu điều này nên cũng không quá sửng sốt trước quyết định của người đồng cấp Mỹ. Cũng vì hiểu nên Điện Kremlin đã đưa ra phản ứng nhanh nhưng hết sức điềm tĩnh và có cân nhắc. Nó cũng cho thấy bản lĩnh của Điện Kremlin trong việc không bị chịu bất kỳ áp lực nào từ phía Mỹ trong mọi trường hợp.

“Chúng tôi thất vọng trước quyết định của chính phủ Mỹ hủy bỏ chuyến thăm Mátxcơva của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ vẫn luôn được mời tới thăm Nga. Các đại diện Nga luôn sẵn sàng hợp tác với các đối tác Mỹ để giải quyết những vấn đề then chốt trên khía cạnh song phương và đa phương”, cố vấn đối ngoại của Điện Kremlin Youri Ouchalov tuyên bố dõng dạc.

Theo giới phân tích, thực chất vụ Snowden chỉ là sự kiện bổ sung vào danh sách dài các mâu thuẫn dẫn tới sự xuống cấp trong quan hê Nga – Mỹ thời gian qua, sau những bất đồng gay gắt về nhiều hồ sơ nóng quốc tế thời gian qua. Nhưng nói thế không có nghĩa hai bên có thể tuyệt giao.

Theo nhà chính trị học Fedor Loukianov -Tổng biên tập tạp chí Nước Nga trên chính trường thế giới, trong mọi tình huống cả Mátxcơva và Washington đều không có lợi ích trong việc chấm dứt hợp tác. Vì thế,  “việc Obama không quan tâm tới Nga vào thời điểm này chỉ là nguy cơ tạm thời vì giữa hai bên còn nhiều lợi ích cần quan tâm thúc đẩy và không thể bị trì hoãn trong thời gian dài”, ông Fedor Loukianov nói.

Nhật báo Le Monde của Pháp tuy cho rằng quyết định hủy bỏ thượng đỉnh Nga-Mỹ trước thềm Thượng đỉnh G-20 là hành động chưa từng có của Tổng thống Obama và đã thổi “luồng gió lạnh” vào quan hệ song phương nhưng tất cả mọi việc cũng chỉ có thể dừng lại ở đó.

Đây cũng là nhận định chung của báo giới Mỹ khi The New York Times viết rằng thất bại trong nỗ lực cài đặt lại quan hệ Mỹ - Nga không có nghĩa là một dấu mốc đoạn tuyệt đang xảy ra giữa hai cường quốc vốn có quá nhiều duyên nợ ràng buộc lẫn nhau.

Hà Giang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm