1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quan hệ Nga – ASEAN hướng tới kỷ nguyên mới

Tới thời điểm hiện tại, Moscow đã phát triển quan hệ đối tác đối thoại tốt đẹp với các nước ASEAN. Mặc dù vậy, mối quan hệ ASEAN – Nga vẫn còn nhiều thách thức.

Đó là nhận định của ông Kavi Chongkittavorn, chuyên gia tại Học viện an ninh và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan trong bài viết đăng trên the Nikkei Asian Review ngày 15/5 vừa qua.

Chuyên gia Kavi Chongkittavorn. (Nguồn: The Nikkei Asian Review)
Chuyên gia Kavi Chongkittavorn. (Nguồn: The Nikkei Asian Review)

Những rào cản

Mặc dù Moscow có nhiều cam kết và thiện chí tốt đẹp đối với khu vực nhưng vẫn chưa đủ để ASEAN đáp lại bằng những phản ứng tích cực hơn, ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại.

Tới thời điểm hiện tại, Moscow đã phát triển quan hệ đối tác đối thoại tốt đẹp với các nước ASEAN. Mặc dù vậy, mối quan hệ ASEAN – Nga vẫn còn nhiều thách thức. Nga và Mỹ tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) năm 2010 nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không tham dự Hội nghị EAS được tổ chức sau đó. Kế hoạch phát triển 10 năm quan hệ Nga – ASEAN kết thúc năm 2015 nhưng vẫn không đạt được nhiều kết quả đáng kể.

Kim ngạch thương mại Nga – ASEAN cũng tương đối nhỏ so với kim ngạch thương mại của ASEAN đối với Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Năm 2014, tổng giá trị thương mại song phương đạt 22,5 tỷ USD, đưa Nga trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hiệp hội. Cả hai bên vẫn chưa đặt ra mục tiêu cho quan hệ thương mại trong tương lai. Trong khi đó, Trung Quốc và ASEAN đã đặt ra mục tiêu phát triển thương mại hai chiều đạt 1.000 tỷ USD năm 2020. ASEAN và các đối tác đối thoại khác bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand và Australia hiện đang đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hy vọng sẽ kết thúc vào đầu năm sau.

Do đó, để tăng tốc trong quan hệ với ASEAN, Moscow đã thực hiện nhiều bước để cải thiện quan hệ thương mại. Gần đây, Nga đã đề nghị đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU). Năm ngoái, Việt Nam đã trở thành thành viên ASEAN đầu tiên ký một thỏa thuận thương mại tự do với EEU. Thái Lan cũng đang có kế hoạch tương tự.

Nhân tố thay đổi luật chơi

Quan hệ Nga – ASEAN sẽ sớm có những thay đổi tích cực. Tổng thống Vladimir Putin sẽ không bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ các nhà lãnh đạo ASEAN trong Hội nghị thượng đỉnh từ 19-20/5 tới tại thành phố Sochi. Đây là dịp để ông Putin hướng tới một kỷ nguyên mới trong quan hệ gần gũi hơn về cả kinh tế và chiến lược giữa hai bên.

Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 11 tại Kuala Lumpur, Malaysia tháng 3/2005. (Nguồn: The Nikkei Asian Review)
Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 11 tại Kuala Lumpur, Malaysia tháng 3/2005. (Nguồn: The Nikkei Asian Review)

Nga rất muốn có mối quan hệ chặt chẽ với Hiệp hội, đặc biệt vào thời điểm khi ASEAN đang tìm kiếm một đối tác mới trong khu vực nhằm hạn chế ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ. Niềm “háo hức” ấy của Moscow được thể hiện qua nỗ lực thúc đẩy và tìm kiếm các cơ hội thương mại và đầu tư mới vào ASEAN. Đây cũng là một nhu cầu cấp bách của Nga do bị phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế sau khi chiếm đóng Crimea năm 2014.

Trong thập kỷ qua, ASEAN đã nỗ lực hết mình để phát triển Hiệp hội, đặc biệt thông qua việc hình thành Cộng đồng ASEAN và Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm ngoái. Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ tạo ra các cơ hội hợp tác nhiều hơn bao giờ hết giữa ASEAN và đối tác bên ngoài.

Các chuyên gia cho rằng, trong Tuyên bố Sochi, được đưa ra vào cuối Hội nghị thượng đỉnh tới, ASEAN sẽ lạc quan hơn về tương lai quan hệ với Nga. Kể từ năm 1980, ASEAN và Nga đã hướng tới hợp tác với nhau nhưng vì nhiều lý do như môi trường chiến lược toàn cầu đã cản bước tiến hợp tác giữa hai bên.

Là một cường quốc châu Á - Thái Bình Dương, Nga muốn kết nối với khu vực Đông Nam Á ở mức cao hơn, không chỉ dừng lại ở đối tác thương mại và đầu tư. Năm 2013, Moscow đưa ra đề xuất xây dựng an ninh tập thể mới với ASEAN, đề xuất này hiện vẫn đang được xem xét. Nga muốn nâng cấp quan hệ với ASEAN lên đối tác chiến lược sau khi mối quan hệ giữa Mỹ và ASEAN trở nên sâu sắc hơn sau Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ tại Sunnylands vừa qua. Tuyên bố Sochi sẽ không có sức nặng như tuyên bố tại Hội nghị Sunnylands nhưng cũng sẽ bao gồm các cam kết cần thiết về nguyên tắc quốc tế, hòa bình và ổn định khu vực.

Ngoài lĩnh vực an ninh và hợp tác kinh tế, Nga còn đang thúc đẩy mối quan hệ văn hóa với ASEAN. Moscow đã tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh thanh niên với ASEAN, hội nghị đầu tiên tại Moscow vào năm 2013 và sau đó tại Kuala Lumpur vào năm 2014. Để nâng cao nhận thức trong nước Nga về vai trò quan trọng của ASEAN, Nga đã thành lập Trung tâm ASEAN tại Đại học Quan hệ quốc tế Moscow năm 2010.

Nếu cả hai bên tiếp tục tăng cường các cam kết mới, vị thế của Nga trong chính sách của ASEAN sẽ được cải thiện. Khi cạnh tranh Mỹ - Trung tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc tới các quyết định về an ninh và quốc phòng của ASEAN, sự tham dự của Nga vào khu vực sẽ là một nhân tố thay đổi luật chơi.

Theo The Nikkei Asian Review

Thế giới và Việt Nam