Quân đội Trung Quốc chật vật tuyển mộ lính mới
(Dân trí) - Tình trạng già hóa dân số, giảm tỷ lệ sinh đang đặt ra thách thức lớn cho quân đội Trung Quốc trong việc tuyển dụng, cũng như đào tạo lớp quân nhân mới.
Là một trong những nền quân đội lớn trên thế giới, quân đội Trung Quốc cần tuyển mới hàng trăm nghìn quân nhân mỗi năm. Tuy nhiên, các vấn đề về dân số già hóa và tỉ lệ sinh giảm đang đặt ra thách thức lớn cho lực lượng này.
Để đảm bảo duy trì quân số, các sĩ quan cấp cao phải học cách huấn luyện lính mới khi tình hình tuyển mộ ngày càng trở nên khó khăn.
Thách thức từ "bom nổ chậm" nhân khẩu học
Khảo sát dân số 10 năm thực hiện 1 lần ở Trung Quốc công bố hồi tháng trước, cho thấy trong năm 2020, Trung Quốc chỉ có 12 triệu trẻ em được sinh ra, mức thấp nhất kể từ năm 1961. Quyết định năm 2016 trong việc xóa bỏ "chính sách một con" để tăng dân số được xem đã không thành công.
Khảo sát cũng chỉ ra tỉ lệ sinh đẻ ở Trung Quốc năm 2020 chỉ là 1,3, thấp hơn nhiều mức 2,1 cần thiết để đảm bảo dân số ổn định. Giới quan sát chỉ ra, Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số, sụt giảm số người trong lực lượng lao động, cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới quân đội nước này trong việc tuyển mộ.
Chuyên gia quân sự Antony Wong Tong cho biết, từ năm 1993, nhiều quan chức quân đội Trung Quốc và giới quan sát đã bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của "chính sách một con" ban hành hồi năm 1979.
Trong một báo cáo gửi chính phủ năm 2012, giáo sư Liu Mingfu từ Đại học Quốc phòng của quân đội Trung Quốc, cảnh báo rằng ít nhất 70% quân số của lực lượng này đến từ các gia đình có một con và tỉ lệ này là 80% nếu chỉ tính riêng trong lực lượng chiến đấu.
Ông Wong cho biết, quân đội Trung Quốc hiện đã và đang tuyển thêm nữ quân nhân để đối phó với tình trạng trên. Chuyên gia Zhou Chenming từ Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang cho biết, quân nhân nữ hiện chiếm 7% trong lực lượng 2 triệu quân của Trung Quốc.
Hạ tiêu chuẩn tuyển dụng
"Các giảng viên quân sự nhận thấy các chế độ huấn luyện nghiêm khắc và giáo điều được áp dụng trong thế kỷ trước không phù hợp với những người lính trẻ sinh ra trong thế kỷ 21", ông Zhou cho hay.
"Một số lính trẻ thậm chí còn chống đối và thách thức cấp trên khi họ không hài lòng. Quân đội Trung Quốc buộc phải điều chỉnh. Một số giảng viên quân sự nói với tôi rằng họ vẫn còn lúng túng trong việc quản lý các binh sĩ trẻ tuổi", ông Zhou nói.
Theo PLA Daily, thay vì cách huấn luyện chỉ có ra lệnh, quân đội Trung Quốc bắt đầu đưa các nhà trị liệu tâm lý chuyên nghiệp vào lực lượng. Mục tiêu của việc này là nhằm giúp các lãnh đạo cấp cao, chỉ huy tuổi trung niên hiểu thêm về thế hệ quân nhân mới, cũng như cung cấp dữ liệu để xây dựng các mô-đun huấn luyện mới áp dụng công nghệ cao. Trước đây, chính ủy sẽ là người phụ trách vấn đề tinh thần của các quân nhân.
Ngoài ra, vấn đề về sức khỏe vật lý cũng là thách thức lớn với quân đội Trung Quốc kể từ khi lực lượng này chuyển mục tiêu tuyển dụng từ con cái của nông dân sang lực lượng trẻ tuổi ở nông thôn có trình độ học vấn cao. Mục tiêu của việc chuyển hướng tuyển mộ này là nhằm thích nghi với việc quân đội Trung Quốc hiện đại hóa quy mô lớn quân đội và cần một thế hệ có tri thức để vận hành.
Năm 2009, quân đội Trung Quốc tuyển hơn 120.000 người tốt nghiệp cao đẳng để có thể điều khiển các hệ thống vũ khí nâng cao và phức tạp. Con số này sau đó đã trở thành tiêu chuẩn của các đợt tuyển sau đó.
Tuy nhiên, do tiêu chí về học thức nâng cao, Trung Quốc buộc phải hạ các tiêu chuẩn về hình thể xuống để tuyển đủ quân. Ví dụ, từ năm 2014, họ phải hạ chiều cao tiêu chuẩn từ 1,62m xuống 1,6m với nam, và từ 1,6m xuống 1,58m với nữ. Họ cũng nới rộng tiêu chuẩn, chấp nhận quân nhân bị cận thị và thừa cân nhập ngũ.
Sau khi bị các quân nhân trẻ phản đối lệnh cấm dùng điện thoại di động, quân đội Trung Quốc năm 2015 đã gỡ bỏ lệnh hạn chế, nhưng yêu cầu các binh sĩ phải cài phần mềm chống gián điệp.
Năm ngoái, quân đội Trung Quốc tiếp tục kêu gọi những sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm nhập ngũ. Họ cũng đang tính đến việc tuyển mộ các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng không đủ điều kiện để nhận vào đại học.
"Tình trạng thiếu quân nhân là rất nghiêm trọng vào lúc này và nó phản ánh thực tế rằng ngày càng nhiều người trẻ tuổi có trình độ cao, sống ở thành thị không hứng thú với việc gia nhập quân đội", chuyên gia Zhou cho hay.