1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quân đội Thái Lan đình chỉ hiến pháp

(Dân trí) - Ít giờ sau khi tuyên bố đảo chính, quân đội Thái Lan đã ra thông báo đình chỉ hiến pháp năm 2007, yêu cầu các thành viên nội các chính phủ vừa bị lật đổ phải tới trình diện ngay trong hôm nay (22/5). Các đài phát thanh, truyền hình đồng loạt bị đóng cửa.

Trong một tuyên bố được đưa ra trên truyền hình, các lãnh đạo quân đội khẳng định hiến pháp 2007 đã bị đình chỉ, ngoại trừ một chương về hoàng gia.

“Để có thể điều hành đất nước một cách suôn sẻ, (lãnh đạo phe đảo chính) đã đình chỉ hiến pháp năm 2007, ngoại trừ chương về triều đình”, thông báo viết.

Quân đội Thái Lan phong tỏa CLB quân đội, nơi lãnh đạo các đảng phái đối lập tới họp
Quân đội Thái Lan phong tỏa CLB quân đội, nơi lãnh đạo các đảng phái đối lập tới họp

Các lãnh đạo cuộc đảo chính cũng ra lệnh cho các thành viên nội các của chính phủ bị phế truất phải tới trình điện ngay trong ngày.

“Để giữ trật tự và hòa bình, Hội đồng gìn giữ trật tự và hòa bình quốc gia ra lệnh cho những người này tới trình diện với Hội đồng trong ngày 22/5”, thông báo khẳng định.

Tư lệnh quân đội Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha sẽ lãnh đạo một hội đồng quân sự đang kiểm soát đất nước, phó phát ngôn Winthai Suvaree cho biết.

Ông Prayuth đã giành lấy quyền lực chỉ 2 ngày sau khi tuyên bố thiết quân luật, với khẳng định quân đội phải vãn hồi trật tự và thúc đẩy các cải cách. Thông báo được ông Prayuth đưa ra trên truyền hình sau một cuộc họp với các phe phái chính trị đối lập tại Thái Lan, với mục tiêu tìm một giải pháp chấm dứt gần 7 tháng tuần hành chính trị tại Bangkok.

Sau đó, một lệnh giới nghiêm từ 22 giờ hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau cũng được ban bố, và lệnh cho người biểu tình của cả hai phe phải giải tán và về nhà. Các cuộc tụ tập từ 5 người trở lên cũng bị cấm.

Ít phút trước thông báo đột ngột của ông Prayuth, các nhân chứng cho biết họ đã nhìn thấy các lãnh đạo của hai đảng chính trị lớn của Thái Lan, các phe biểu tình đối lập bị quân đội đưa đi khỏi một địa điểm nơi ông Prayuth triệu tập họ tới để đối thoại giải quyết bất đồng. Hiện chưa rõ những người này đã chính thức bị bắt giữ hay chưa.

Cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra từ chối đề xuất của quân đội

Trong khi đó, theo tờ Nation của Thái Lan, thủ tướng tạm quyền Niwuttamrong Boonsongpaisan hiện không rõ tung tích đang ở đâu. Ông Niwuttamrong đã không tham gia 2 ngày đối thoại do quân đội tổ chức tại CLB quân đội hoàng gia, với khẳng định ông là thủ tướng và sẽ không tham dự cuộc họp do tư lệnh quân đội chủ trì.

Lệnh giới nghiêm đã được quân đội ban bố từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau
Lệnh giới nghiêm đã được quân đội ban bố từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau

Vẫn theo tờ báo này, trong các cuộc đối thoại, ông Prayuth đã đưa ra cho cuộc họp 7 bên 3 giải pháp. Đầu tiên ông đề xuất chính phủ tạm quyền từ chức, hai là một chính phủ lâm thời được lập ra, và ba là cả hai phong trào áo đỏ và Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân chấm dứt tuần hành.

Đại diện của đảng Pheu Thai đã thông báo nội dung này tới thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra nhưng ông này từ chối tất cả, đồng thời đề nghị Pheu Thái chiến đấu hết sức theo khuôn khổ pháp lý.

Theo một nguồn tin, ông Thaksin đã đưa ra một đề xuất khác, đó là quân đội ra lệnh ân xá cho tất cả các bên, và gia đình Shinawatra sẽ rút lui khỏi chính trị.

Nguồn tin này cũng cho biết ông Thaksin sẽ vận động để gia tăng sức ép với quân đội, buộc họ phải tổ chức bầu cử sớm nhất có thể.

Tất cả các đài phát thanh truyền hình ngừng hoạt động

Đồng thời với việc tuyên bố đảo chính, quân đội Thái Lan hôm nay cũng ra lệnh cho tất cả các đài phát thanh, truyền hình ngừng phát sóng các chương trình thường lệ, và chỉ phát những thông báo của quân đội.

Động thái này nhằm đảm bảo cung cấp “thông tin chính xác tới người dân”, một người phát ngôn quân đội thông báo trên truyền hình.

Trước đó, sau khi ban bố lệnh thiết quân luật, quân đội Thái Lan cũng đã buộc 14 đài truyền hình cáp và vệ tinh ngừng phát sóng.

Thanh Tùng
Tổng hợp