1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Quân đội Syria ra đòn “vũ bão” tại biên giới, Israel và Jordan lo sợ

Đòn quyết định của chính phủ Syria tại khu vực Tây Nam đã khiến các nước láng giềng Israel và Jordan “đứng ngồi không yên”.

Quân đội Syria ngày 26/6 đã mở rộng vòng vây đối với phiến quân và khủng bố tại khu vực tây nam, tiến tới giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực này. Khu vực Tây Nam Syria có vị trị nhạy cảm chiến lược vì nằm gần biên giới với cả Jordan và Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng. Do đó, đòn quyết định của chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad đã khiến các nước láng giềng của Syria “đứng ngồi không yên”.


Lực lượng đặc nhiệm Tiger của Quân đội Syria đã giành lại được thị trấn lớn đầu tiên ở khu vực Tây Nam. Ảnh: Al Masdar News.

Lực lượng đặc nhiệm "Tiger" của Quân đội Syria đã giành lại được thị trấn lớn đầu tiên ở khu vực Tây Nam. Ảnh: Al Masdar News.

Theo truyền thông Syria, quân đội đang mở một mặt trận mới nhằm vào khu vực phe nổi dậy chiếm giữ tại thành phố Deraa, miền nam nước này. Hãng tin Reuters dẫn lời một chỉ huy chiến trường cho biết, mục đích của quân đội là giành lại cửa khẩu Nassib nằm ở biên giới giữa Syria và Jordan - huyết mạch kinh tế quan trọng bị rơi vào tay phiến quân kể từ năm 2015. Cũng theo nguồn tin trên, máy bay và lực lượng pháo binh của chính phủ đã tấn công vào khu vực do phiến quân kiểm soát tại Deraa, cắt đứt tuyến đường tiếp vận tới biên giới Jordan.

Đài quan sát Nhân quyền Syria cho biết, trong cuộc tiến công lớn đầu tiên ở phía Tây Nam, các lực lượng chính phủ đã chiếm được khu vực rộng lớn, gồm các thị trấn Busra al-Harir và Malihat al-Atash ở đông bắc Deraa, gây thiệt hại nặng nề cho nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra.

Còn theo hãng thông tấn SANA (Syria), quân đội Syria đã tiêu diệt nhiều phần tử al-Nusra, phá hủy căn cứ, trang thiết bị của chúng và thu giữ một lượng lớn vũ khí cùng nhiều xe bọc thép. Lữ đoàn công binh đã bắt đầu rà phá bom mìn trên các con đường và tòa nhà trong khu dân cư mới giải phóng, còn đơn vị tác chiến đang củng cố các cứ điểm để chuẩn bị đà tiến chống lại khủng bố ở những vùng lân cận.

Mặc dù giành được nhiều tiến bộ song chiến dịch quân sự của chính phủ Syria tại phía Tây Nam vẫn được coi là khá mạo hiểm, khi cả Israel lẫn Jordan đều bày tỏ sự e ngại trước việc quân đội Syria lấy lại quyền kiểm soát vùng biên giới.

Jordan lo làn sóng người tị nạn mới

Giao tranh tại khu vực biên giới Syria làm gia tăng lo ngại về các phần tử cực đoan và làn sóng người tị nạn mới đổ sang các nước láng giềng, đặc biệt là Jordan. Hãng tin IRIN News cho biết, đã có khoảng 25.000 người Syria tới khu vực biên giới với Jordan kể từ ngày 16/6 vừa qua, còn theo ước tính của Liên Hợp Quốc, con số này có thể tăng lên đến 200.000 trong thời gian tới.

Hồi đầu tuần, chính phủ Jordan tuyên bố, nước này không thể tiếp nhận thêm người tị nạn Syria trong bối cảnh đang nỗ lực khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế và giải pháp tốt nhất là đóng cửa biên giới.

Phát biểu với tờ Thời báo Jordan, Bộ trưởng Truyền thông Jumana Ghunaimat cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận một lượng lớn người tị nạn Syria và hiện giờ không còn khả năng nhận thêm nữa. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại phía Nam Syria và nỗ lực làm việc với đối tác Nga, Mỹ nhằm đạt được một thỏa thuận bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng tôi”.

Trong thông báo trên trang mạng Twitter, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cho biết, nước này sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới, đồng thời khẳng định Jordan sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ “người anh em láng giềng”, cũng như bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia. Jordan đang hỗ trợ nơi ăn chốn ở cho 660.000 người tị nạn Syria đăng ký hợp pháp. Theo một số quan chức, số lượng trên thực tế còn lớn hơn nhiều do có cả những người tị nạn không được đăng ký.

Israel lo ngại Iran mở rộng ảnh hưởng ở Syria

Với Jordan, những lo ngại về tình hình Syria là làn sóng người tị nạn, còn với Israel đó là sự mở rộng tầm ảnh hưởng của quân đội Iran và các lực lượng do nước này hậu thuẫn tại Syria. Chính phủ Israel cho rằng, các lực lượng Iran đang tiến gần tới Cao nguyên Golan cùng với lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và điều này tạo ra mối đe dọa về an ninh đối với Israel.

Từ trước đến nay, sự can dự của Israel vào cuộc xung đột Syria ở mức độ rất hạn chế, với mục đích chính là ngăn chặn Iran mở rộng sự hiện diện quân sự tại Syria. Ở phía Tây Nam Syria, Israel luôn tìm cách giữ quân đội Iran và lực lượng dân quân so nước này hậu thuẫn tránh xa ranh giới với Cao nguyên Golan.

Miền tây nam Syria thuộc khu vực “giảm căng thẳng” theo thỏa thuận do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ vào năm 2017. Thỏa thuận này đã giúp Israel thực hiện được mục đích kiềm chế Iran mở rộng sự hiện diện quân sự về phía Cao nguyên Golan. Theo Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (international crisis group), Israel đã hỗ trợ nhiều nhóm vũ trang ở miền nam Syria trong một nỗ lực nhằm tận dụng nguồn lực của các đối tác địa phương và đảm bảo an toàn tại vùng đệm nằm ở khu vực biên giới.

Tuy nhiên, khi chính phủ Syria phát động cuộc tấn công lớn tại khu vực Tây Nam, Israel luôn trong trạng thái nơm nớp lo ngại xung đột với Iran có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Israel từng tuyên bố sự hiện diện của Iran gần Cao nguyên Golan là không thể chấp nhận được, đồng thời đe dọa tiến hành các cuộc không kích chống lại Iran nếu nước này vượt qua “ranh giới đỏ”. Theo một số nhà quan sát, trong trường hợp Iran đưa quân đến gần Cao nguyên Golan, Israel có thể tính đến nước cờ chia tách chính phủ Syria và Iran, nhằm đối phó riêng với Tehran.

Theo Hồng Anh

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm