Quan chức WHO nói về cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Vũ Hán
(Dân trí) - Một quan chức WHO đang điều tra nguồn gốc của dịch Covid-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc cho biết nhóm điều tra "không loại trừ bất kỳ khả năng nào".
Tiến sĩ David Nabarro, một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tiến hành điều tra về cách vi rút gây đại dịch Covid-19 lây lan, cho biết WHO vẫn đang làm việc với các nhà chức trách Trung Quốc.
Ông Nabarro nói với hãng tin Sky News hôm 7/2 rằng, "mọi vấn đề" sẽ được các nhà điều tra về nguồn gốc Covid-19 "xem xét".
Khi được hỏi liệu ông có loại trừ giả thuyết vi rút thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không, ông Nabarro nói: "Vấn đề liên quan tới các giả thuyết là chúng ta phải xem xét chúng để có thể giải thích cho những gì đã xảy ra theo một cách nào đó".
"Tôi không loại trừ bất kỳ khả năng nào và tôi biết nhóm (chuyên gia WHO) đang làm việc ở Trung Quốc cũng không loại trừ bất kỳ giả thuyết nào. Mọi phương án đều được xem xét", ông Nabarro nói thêm.
Tiến sĩ Nabarro cho biết cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 của các chuyên gia WHO đã nhận được sự hợp tác từ phía Trung Quốc.
"Tất cả địa điểm chuyên gia WHO muốn tới thăm đều được tới. Mọi hình thức trao đổi đều cởi mở", ông Nabbarro cho biết.
"Tuy nhiên mới chỉ là những ngày đầu và đây là một cuộc điều tra. Chúng tôi dự đoán cuộc điều tra này sẽ còn kéo dài nữa", quan chức WHO cho biết thêm.
Ông Nabarro cũng cho rằng thế giới nên đánh giá vắc xin ngừa Covid-19 theo "cách công bằng".
"Tôi thực sự hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới trong những tuần tới sẽ nhận ra rằng, việc một số quốc gia tiêm chủng cho số đông người dân, trong khi các nước nghèo hơn chỉ có số lượng vắc xin hạn chế không phải là việc đúng đắn, xét cả về mặt xã hội, kinh tế, môi trường và đạo đức", ông Nabarro nói.
Ông Nabarro cho rằng sau khi toàn bộ những người trên 50 tuổi ở Anh được tiêm vắc xin, Anh nên cân nhắc chia sẻ vắc xin với những nước nghèo hơn thông qua sáng kiến chia sẻ vắc xin toàn cầu Covax của WHO. Ông cho biết 100 quốc gia đã đăng ký tham gia Covax và sẵn sàng tiếp nhận vắc xin Covid-19.
Các chuyên gia của WHO tuần trước đã tới thăm Viện Vi rút học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Vũ Hán là ổ dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới và là nơi phát hiện các ca nhiễm đầu tiên từ tháng 12/2019.
Phòng thí nghiệm ở Viện Vi rút học Vũ Hán từng là tâm điểm chú ý của thế giới khi xuất hiện tin đồn nói rằng, vi rút gây đại dịch Covid-19 rò rỉ từ đây. Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đưa ra giả thuyết rằng Viện Vi rút học Vũ Hán có thể là nơi "khai sinh" ra vi rút, tuy nhiên Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.
Viện Vi rút học Vũ Hán từng đăng công khai thư phản hồi, gọi các cáo buộc liên quan tới dịch Covid-19 nhằm vào cơ sở này là tin đồn thất thiệt và nhấn mạnh rằng lương tâm của các nhân viên trong viện "hoàn toàn trong sáng".
Tiến sĩ Peter Daszak, chuyên gia trong nhóm điều tra của WHO, ngày 6/2 cho biết nhóm điều tra gồm 14 người đã làm việc với các chuyên gia Trung Quốc và tới các điểm nóng bùng phát Covid-19 cũng như các trung tâm nghiên cứu ở đây và phát hiện "một số bằng chứng quan trọng cho thấy chuyện gì đã xảy ra". Ông cho biết các phát hiện quan trọng này dự kiến sẽ được công bố trước ngày 10/2.
WHO khẳng định cuộc điều tra đang diễn ra tại Vũ Hán không nhằm đổ lỗi cho bất cứ bên nào, mọi giả thuyết đều đang được cân nhắc và còn quá sớm để khẳng định vi rút có khởi phát từ Trung Quốc hay không. Chuyến đi của nhóm chuyên gia WHO sẽ giúp thu thập thêm bằng chứng để hỗ trợ cuộc điều tra nhằm tìm kiếm nguồn gốc Covid-19 dự kiến kéo dài nhiều năm.