1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan chức Trung Quốc nêu biện pháp nâng cao hiệu quả của vắc xin trong nước

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức y tế Trung Quốc đã nêu ra các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của vắc xin Covid-19 do nước này sản xuất.

Quan chức Trung Quốc nêu biện pháp nâng cao hiệu quả của vắc xin trong nước - 1

Một nhân viên kiểm tra chất lượng vắc xin Covid-19 của hãng dược Trung Quốc Sinovac (Ảnh: Reuters).

"Vắc xin của Trung Quốc không có tỷ lệ bảo vệ cao", Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc Gao Fu phát biểu tại một hội nghị ở thành phố Thành Đô hôm 10/4.

Theo ông Gao, các nhà chức trách Trung Quốc "phải xem xét cách giải quyết vấn đề khi tỷ lệ hiệu quả của các loại vắc xin hiện thời không cao".

Theo AFP, phát biểu của ông Gao đánh dấu lần đầu tiên một chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc công khai ngụ ý hiệu quả tương đối thấp của vắc xin do nước này sản xuất, dù Trung Quốc là nước đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin đại trà và xuất khẩu vắc xin khắp thế giới.

Trung Quốc đã tiêm khoảng 161 triệu liều vắc xin kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào năm ngoái. Hầu hết người dân Trung Quốc đều cần tiêm 2 liều vắc xin. Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm đủ liều cho 40% trong 1,4 tỷ dân của nước này vào tháng 6 năm nay.

Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc vẫn chậm đăng ký tiêm phòng, do cuộc sống phần lớn đã trở lại bình thường ở Trung Quốc và các đợt bùng phát dịch trong nước đều được kiểm soát.

Trung Quốc gặp khá nhiều trở ngại khi thuyết phục người dân tiêm vắc xin Covid-19 nội địa. Thứ nhất là bởi việc nước này kiểm soát được gần như hoàn toàn dịch Covid-19 khiến nhiều người dân cảm thấy không cần thiết phải tiêm chủng. Trong khi đó, nhiều người tỏ ra thận trọng bởi Trung Quốc từng vướng một số bê bối liên quan đến vắc xin, hơn nữa Bắc Kinh bị cho là thiếu minh bạch thông tin liên quan đến vắc xin Covid-19 nội địa.

Ông Gao từng nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để ngăn chặn Covid-19 là tiêm chủng. Theo ông, Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70%-80% dân số từ cuối năm nay đến giữa năm 2022.

Tại hội nghị ở Thành Đô, ông Gao cho rằng một phương án để khắc phục vấn đề hiệu quả vắc xin thấp là sử dụng kết hợp các loại vắc xin được sản xuất bởi các công nghệ kỹ thuật khác nhau. Đây cũng là lựa chọn mà các chuyên gia y tế nước ngoài đang nghiên cứu.

Các chuyên gia cho rằng việc pha trộn các loại vắc xin hoặc tiến hành tiêm chủng lần lượt có thể làm gia tăng hiệu quả. Các cuộc thử nghiệm trên khắp thế giới cũng đang xem xét việc pha trộn vắc xin hoặc tiêm lại sau khoảng thời gian dài hơn. Các nhà nghiên cứu ở Anh đang thử kết hợp 2 loại vắc xin AstraZeneca và Pfizer.

Trung Quốc đã phê duyệt 4 loại vắc xin Covid-19, song hiệu quả vẫn đứng sau các "đối thủ" Pfizer-BioNTech và Moderna - hai vắc xin có tỷ lệ phòng ngừa Covid-19 lần lượt là 95% và 94%.

Trước đó, hãng dược Sinovac của Trung Quốc xác nhận các thử nghiệm ở Brazil cho thấy vắc xin của hãng này chỉ đạt khoảng 50% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm và 80% trong việc ngăn ngừa các ca cần can thiệp y tế. Các vắc xin của hãng dược Sinopharm Trung Quốc có tỷ lệ hiệu quả lần lượt là 79,34% và 72,51%, trong khi hiệu quả của vắc xin CanSino là 65,28% sau 28 ngày.

Trung Quốc đã phân phối hàng trăm triệu liều vắc xin Covid-19 ra nước ngoài. Bắc Kinh cũng đặt ra nhiều nghi vấn về mức độ hiệu quả của các loại vắc xin phương Tây. Trung Quốc hiện vẫn chưa phê duyệt bất kỳ loại vắc xin nước ngoài nào để sử dụng trong nước.