G7 nhất trí áp giá trần dầu Nga, Điện Kremlin cảnh báo cứng rắn
(Dân trí) - Nhóm G7 tuyên bố sẽ khẩn trương tiến hành áp giá trần đối với dầu nhập khẩu từ Nga, bất chấp cảnh báo của Moscow.
Theo tuyên bố chung được công bố hôm 2/9, các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm G7 nhất trí áp mức giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có xuất xứ từ Nga.
Các bộ trưởng cho biết mức trần ban đầu sẽ dựa trên các yếu tố kỹ thuật và mức giá này sẽ được điều chỉnh lại khi cần thiết.
"Chúng tôi dự định điều chỉnh việc thực hiện (áp giá trần) phù hợp với tiến trình của các biện pháp liên quan thuộc gói trừng phạt thứ 6 của (Liên minh châu Âu) EU", tuyên bố cho biết thêm.
Các Bộ trưởng Tài chính G7 cho biết, họ đang nỗ lực hướng tới việc thiết lập một "liên minh rộng rãi" nhằm ủng hộ việc áp giá trần. Tuy nhiên, giới chức Pháp kêu gọi thận trọng, nói rằng quyết định cuối cùng chỉ có thể được đưa ra sau khi tất cả 27 thành viên của Liên minh châu Âu đồng ý.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tuyên bố, mục đích của việc áp giá trần là để "ngăn chặn một nguồn tài chính quan trọng cho chiến dịch của Nga tại Ukraine, đồng thời ngăn chặn sự gia tăng giá năng lượng toàn cầu".
"Nga đang hưởng lợi về mặt kinh tế từ sự bất ổn trên thị trường năng lượng do xung đột gây ra và đang kiếm được lợi nhuận lớn từ việc xuất khẩu dầu", Bộ trưởng Lindner nhấn mạnh.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo việc G7 áp giá trần đối với dầu của Nga sẽ gây bất ổn "đáng kể" cho thị trường năng lượng, đồng thời buộc người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu phải chi trả.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 1/9 tuyên bố, Moscow sẽ cấm vận các quốc gia ủng hộ kế hoạch áp giá trần dầu Nga do Washington đề xuất.
Theo ông Novak, kế hoạch áp giá trần sẽ gây nguy hiểm cho các cơ chế thị trường với một ngành công nghiệp quan trọng như dầu và sẽ dẫn đến sự mất ổn định của cả ngành công nghiệp và thị trường dầu mỏ.
Quan chức Nga khẳng định, nước này đang bơm nhiều dầu nhất có thể để sản xuất và bán vào thời điểm hiện tại, nhưng nếu điều kiện thị trường toàn cầu ổn định và các nhà sản xuất Nga có thể tìm thêm khách hàng thì sản lượng có thể được nâng lên.
Phó Thủ tướng Nga lưu ý rằng các nhà sản xuất dầu của Nga đang chuẩn bị cho lệnh cấm vận dầu mỏ sắp tới của EU, dự kiến đi vào hiệu lực vào tháng 12, nhưng họ có kế hoạch duy trì mức sản lượng hiện tại.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 2/9 cảnh báo Moscow sẽ ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn cho Liên minh châu Âu nếu khối này áp giá trần.
"Đơn giản là sẽ không có khí đốt của Nga ở châu Âu", ông Medvedev tuyên bố.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây đã áp dụng nhiều lệnh trừng phạt lên mặt hàng năng lượng của Nga. Tuy nhiên, Nga vẫn đang chống chịu, thậm chí thu được lợi nhuận lớn hơn từ các mặt hàng dầu mỏ, khí đốt chủ lực, trong khi nhiều nước châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng dẫn tới lạm phát kỷ lục.