1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Qatar bị cô lập trong cuộc khủng hoảng ngoại giao chấn động vùng Vịnh

(Dân trí) - Căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng Vùng Vịnh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi đến nay đã có 9 quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.


7 nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. (Ảnh: Getty)

7 nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. (Ảnh: Getty)

Vì sao nổ ra khủng hoảng ngoại giao?

Cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar không phải vấn đề bỗng nhiên xảy ra mà là cao trào sau khi căng thẳng giữa các nước bị dồn nén nhiều năm và gia tăng lên trong những tuần qua.

Theo giới quan sát, hai nhân tố chính trong quyết định của các nước chính là nghi vấn về mối quan hệ giữa Qatar với các nhóm Hồi giáo cực đoan, cũng như giữa Qatar với Iran - đối thủ trong khu vực của Ả-rập Xê-út. Một số nguồn tin cho biết những nhân vật giàu có ở Qatar được cho là đã có những khoản quyên góp và chính phủ nước này cũng hỗ trợ tài chính cho các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria. Qatar đã bác bỏ các cáo buộc này.

Tờ Financial Times cũng đưa tin các nước vùng Vịnh đã rất giận dữ khi Qatar chi khoản tiền chuộc trị giá 1 tỷ USD cho giới chức an ninh Iran và các phần tử thánh chiến sau khi một số công dân nước này, trong đó có thành viên Hoàng gia, bị bắt cóc ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, kể cả Ả-rập Xê-út cũng bị cáo buộc đã hỗ trợ tài chính bằng nhiều cách cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Liên quan đến chuyến thăm Ả-rập Xê-út của Tổng thống Mỹ?


Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Giới phân tích cho rằng thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao có liên quan tới chuyến thăm Ả-rập Xê-út cách đây hai tuần của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong bài phát biểu tại Riyadh, Tổng thống Trump đã chỉ trích Iran gây mất ổn định khu vực Trung Đông và hối thúc các nước Hồi giáo đảm nhận vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống lại tư tưởng cực đoan. Đây được cho là lời kêu gọi có dẫn tới việc các nước vùng Vịnh quyết định cắt đứt ngoại giao với Qatar.

Tổn thất lớn với Qatar


(Ảnh minh họa: AFP)

(Ảnh minh họa: AFP)

Một nguồn tin của chính phủ Ai Cập cho biết, tất cả các lựa chọn đều được bỏ ngỏ và đang được cân nhắc. Các cuộc họp và tham vấn tiếp theo giữa các nước Ả rập đang được xúc tiến để quyết định các bước đi tiếp theo. Chính phủ Ai Cập mới đây đã ra lệnh trục xuất Đại sứ Qatar, yêu cầu ông này phải rời Ai Cập trong vòng 48 tiếng.

Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu nhôm của hãng Qatalum của Qatar đã bị ngừng lại. Hiện đa số các chuyến hàng của Qatalum phải đi qua cảng Jebel Ali của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), song cảng này dường như đã ngừng tiếp nhận các chuyến hàng của Qatar kể từ sáng 6/6. Qatalum hiện đang tìm các tuyến đường vận chuyển thay thế để có thể tiếp tục hoạt động xuất khẩu.

Cùng với đó, hoạt động vận chuyển lương thực của Qatar cũng chủ yếu qua khu vực biên giới với Ả-rập Xê-út. Hiện các tuyến vận chuyển đã bị đóng. Ngoài ra, đây cũng là những tuyến vận chuyển vật liệu xây dựng để Qatar chuẩn bị cho World Cup 2022.

Hiện các hãng hàng không của Qatar cũng phải đổi hướng bay sau khi các nước láng giềng đóng không phận.

Ảnh hưởng tới các nước khác ngoài khu vực

Trong một thông báo mới nhất, Philippines - quốc gia có 200.000 công dân đang sinh sống và làm việc ở Qatar - đã thông báo dừng triển khai kế hoạch đưa lao động sang quốc gia vùng Vịnh này. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lao động Philippines Silvestre Bello cũng bày tỏ lo ngại rằng người dân nước này ở Qatar có thể "là những nạn nhân đầu tiên" trong nguy cơ thiếu lương thực ở Qatar.

Ngọc Anh

Tổng hợp