Putin tới Nhật bàn về dầu mỏ và lãnh thổ
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua đã tới Tokyo trong chuyến công du 3 ngày giữa lúc quan hệ song phương Nga - Nhật đang căng thẳng, nhằm làm dịu cuộc tranh cãi về lãnh thổ cũng như tạo điều kiện thúc đẩy việc buôn bán dầu lửa.
Ông Putin được đón tiếp bởi một cuộc biểu tình của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nhật, đòi Nga trả lại 4 hòn đảo thuộc quần đảo mà quân đội Liên Xô đã chiếm giữ cuối Thế chiến II.
Nhóm đảo tranh chấp này, mang tên Kuril ở nước Nga và Lãnh thổ Bắc theo tiếng Nhật, đã là vật cản trở chính trong quan hệ ngoại giao hai nước và khiến Tokyo và Moscow không thể ký một hiệp ước hòa bình suốt 60 năm qua.
Trước khi đến Nhật, tổng thống Nga đã tham dự diễn đàn cấp cao APEC tại Hàn Quốc. Hôm nay, ông sẽ cùng hơn 100 doanh nhân hàng đầu của Nga tham dự diễn đàn kinh tế Nga - Nhật và gặp Thủ tướng Junichiro Koizumi.
Đây là dịp quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa nền kinh tế thứ hai thế giới với nhà xuất khẩu dầu mỏ thứ hai thế giới. Hiện tổng giá trị mậu dịch giữa hai nước là 10 tỷ USD, rất nhỏ nếu so với thương mại giữa Nhật với Trung Quốc hay Mỹ.
Giới chức Nhật cho rằng những bất đồng trong vấn đề lãnh thổ dường như là nguyên nhân khiến hai nhà lãnh đạo không thể ký một "tuyên bố chính trị" nhấn mạnh mối quan tâm tăng cường quan hệ song phương.
"Xét những quan điểm trái ngược giữa chúng ta trong vấn đề lãnh thổ, vào thời điểm hiện nay khó có thể đi đến một văn bản mới", một quan chức ngoại giao Nhật cho biết.
Phía Nhật yêu cầu Nga trao trả toàn bộ 4 hòn đảo thuộc quần đảo nói trên, nhưng Moscow từng tuyên bố chỉ có thể trả hai trong số đó, theo một hiệp định Xô - Nhật năm 1956.
Trong khi tránh đề cập chuyện gai góc này, tổng thống Nga và thủ tướng Nhật sẽ tập trung vào quan hệ kinh tế. Nhật muốn Nga đảm bảo rằng nước này sẽ xây dựng đường ống dẫn dầu từ Siberia ra Thái bình dương, chứ không phải đến Trung Quốc. Theo kỳ vọng của Nhật, đường ống có thể cung cấp 1,6 triệu thùng dầu thô mỗi ngày tới một cảng gần với Nhật.
Và mặc dù Putin sẽ tránh đưa ra một câu trả lời rõ ràng và dứt khoát về chuyện đường ống, ông sẽ cố gắng kêu gọi các nhà đầu tư Nhật bỏ tiền vào cùng Siberia nhiều tài nguyên nhưng chưa phát triển của Nga.
Theo T. Huyền
Vnexpress/Reuters