1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Putin: Tên lửa Nga có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào

(Dân trí) - Tại cuộc họp báo chiều qua 17/12, trả lời câu hỏi Nga có lập căn cứ quân sự lâu dài ở Syria hay không, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận cũng không chắc chắn điều này có cần thiết không bởi tên lửa hành trình của Nga có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào ở xa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời họp báo tại Moscow ngày 17/12. (Ảnh: RT)
Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời họp báo tại Moscow ngày 17/12. (Ảnh: RT)

Putin: Tên lửa Nga có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào

Trong cuộc họp báo chiều 17/12 với gần 1.400 phóng viên trong và ngoài nước, ông Putin đã bàn về nhiều vấn đề quan trọng cả về kinh tế Nga cũng như chính sách đối ngoại liên quan đến Syria, Ukraine hay cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong đó, ông dành nhiều thời gian để nói về chiến dịch của Nga ở Syria.

Trả lời câu hỏi Nga có lập căn cứ quân sự lâu dài ở Syria hay không, ông Putin thừa nhận không chắc chắn điều này có cần thiết không bởi tên lửa hành trình của Nga có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào ở xa.

"Nói chung tôi không biết liệu chúng tôi có thực sự cần một căn cứ ở đó hay không", ông nói. Ông giải thích điều này là bởi muốn lập căn cứ Nga sẽ phải đầu tư vào đó trong khi các linh kiện công nghệ cao tạm thời tại căn cứ Latakia ở Syria có thể lắp ráp chỉ trong 2 ngày và đưa trở lại sân bay Nga bằng máy bay Antonov-22.

"Tuy nhiên điều này rất đáng để cân nhắc. Một căn cứ hậu cần? Cũng có thể. Nhưng tôi cho rằng đây không phải là yêu cầu cấp thiết. Chúng tôi sẽ cân nhắc", ông Putin nói.

Các nước châu Âu nghi ngờ Nga đang ấp ủ kế hoạch lập một căn cứ quân sự ở Syria để kiểm soát quốc gia Trung Đông này. “Tuy nhiên tại sao chúng tôi phải kiểm soát mọi thứ ở đó. Tại sao phải có căn cứ ở đó. Nếu chúng tôi chỉ có tên lửa tấn công được vài mục tiêu nhất định thì khi đó chúng tôi sẽ làm như thế”, ông Putin. Ông nhấn mạnh: “Trước kia chúng tôi không có khả năng đó nhưng giờ chúng tôi có. Tên lửa Kalibr có tầm xa 1.500 km và tên lửa tầm xa khác là X-101 có tầm bắn tới 4.500 km”, ông Putin cho biết.

Tổng thống Putin khẳng định thêm, Nga sẽ tiếp tục không kích để hỗ trợ quân đội Syria đồng thời liên hệ với các nhóm đối lập ở Syria để chống IS.

Về tương lai của Syria, người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh, Nga không cho phép bất cứ lực lượng bên ngoài nào quyết định số phận của Syria. Mặc dù vậy, theo ông Putin, Nga và Mỹ đang tiến gần tới thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến ở Syria và lập ra một chính phủ mới. Kế hoạch của Nga dành cho Syria hoàn toàn khớp với dự thảo nghị quyết của Liên Hợp Quốc sẽ được thảo luận vào ngày mai tại New York, ông Putin cho biết thêm. “Nga sẽ làm mọi việc để có thể giải quyết tình hình ở Syria”, Tổng thống Putin tuyên bố.

Cũng nhân lần đăng đàn này, ông Putin một lần nữa lên tiếng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc Ankara đã bắn rơi máy bay quân sự Su-24 của Nga gần biên giới Syria. “Nếu đó là một tai nạn, họ cũng phải nhấc điện thoại lên và xin lỗi chúng tôi”, ông Putin nói. Ông chia sẻ, ông không thấy triển vọng khôi phục quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ

Ông Putin cũng cảnh báo Syria có thể coi là “vùng cấm bay” đối với máy bay quân sự Thổ Nhĩ Kỳ.“Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên xâm phạm không phận Syria. Cứ thử và bay lại đó xem nào”, ông Putin nói.

Tại cuộc họp báo, ông Putin cũng bình luận về sự ra đời của liên minh gồm 34 quốc gia Hồi giáo do Ảrập Xêút đứng đầu nhằm chống IS. Ông Putin cho biết, Nga không coi liên minh mới này là đối đầu với lợi ích của Nga nhưng ông kêu gọi nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống IS. Ông nói, ông không thực sự hiểu mục đích lập liên minh mới này bởi nhiều thành viên trong đó đã tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu.

Liên quan đến lệnh cấm bay đối với hàng không Ai Cập sau vụ rơi máy bay ở bán đảo Sina khiến toàn bộ 224 người thiệt mạng, ông Putin cho biết Nga đang hợp tác với Ai Cập để khôi phục lại hoạt động hàng không giữa 2 nước. Ông giải thích sở dĩ Nga quyết định cấm bay với hàng không Ai Cập là bởi các hãng hàng không của Ai Cập chưa thể đảm bảo an toàn ngay lập tức cho công dân Nga chứ không phải là một động thái chính trị. Lệnh cấm bay sẽ được dỡ bỏ sau khi giới chức hai bên đưa ra các biện pháp đảm bảo an toàn, trong đó có việc đưa đại diện của Nga tới các sân bay Ai Cập, ông Putin cho biết.

Cuộc họp báo hôm nay của ông Putin kết thúc sau 3 giờ 10 phút/ Tại cuộc họp báo, ông Putin đã trả lời câu hỏi của 32 phóng viên trong và ngoài nước. Như vậy, kết quả này vẫn chưa thể xô đổ kỷ lục năm 2008 khi ông trả lời hơn 100 câu hỏi của phóng viên trong 4 giờ 40 phút.

Minh Phương

Tổng hợp