1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Phương Tây lý giải sự nổi tiếng của Putin

Tỉ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ở mức cao kỷ lục, 83%.

Tờ Washington Post đã theo chân Lyubov Kostyrya, một nhân viên thăm dò dư luận, lý giải hiện tượng này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin

Hàng tuần, các hãng thăm dò dư luận của Nga cử hàng loạt người đi hỏi thăm ý kiến của người dân ở trên khắp 13 múi giờ thuộc lãnh thổ Nga, về ông Putin, nền kinh tế và các vấn đề khác.

Và Kostyrya tới từng gia đình để tìm hiểu xem người dân Nga đang nghĩ gì. Tỷ lệ ủng hộ cho ông Putin tăng vọt khi bắt đầu cuộc xung đột về địa chính trị giữa Nga với Phương Tây hai năm trước, những người như Kostyrya vẫn phải túc trực tới từng địa chỉ, hàng tuần, hàng tháng.

Hai năm trước, khi Nga chuẩn bị hướng tới Olympic Mùa đông ở Sochi, tỷ lệ ủng hộ Putin giảm mạnh. Chỉ 61% người dân ủng hộ công việc của Tổng thống. Theo chuẩn phương Tây thì đây là tỷ lệ ủng hộ cao, nhưng lại là mức thấp nhất cho Putin kể từ khi ông trở lại vị trí Tổng thống.

Sau khi Nga sáp nhập Crưm, làm quan hệ Nga – phương Tây căng thẳng như thời Chiến tranh Lạnh, người dân Nga tạm gác vấn đề kinh tế khó khăn, và đoàn kết sau vị lãnh đạo của họ.

Chiều hướng đó đã khiến các nước phương Tây hoang mang, và làm hỏng việc của tập hợp những người đối lập ở Nga. Một số trong nhóm này nói rằng người dân Nga quá sợ hãi khi trả lời những người thăm dò dư luận. Số khác lại cho rằng con số khảo sát đã bị điều chỉnh sai lệch, dù rằng hầu hết hãng thăm dò dư luận phương Tây cũng cho ra kết quả tương tự.

Những người điều tra dư luận nói rằng điện Kremlin rất quan tâm tới kết quả được đưa ra mỗi tuần, và họ mau chóng có phản ứng mỗi khi có vấn đề nảy sinh, có thể đe dọa tới tỉ lệ ủng hộ Putin.

Ngay cả khi ngân sách chồng chất vấn đề, thì Putin vẫn khởi động chiến dịch quân sự tại Ukraina, và Syria.

“Putin thực sự rất chú tâm. 15 năm nắm quyền, nhưng ông ấy vẫn rất quan tâm tới dữ liệu của chúng tôi” – Valery Fedorov, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Nga, nói.

“Nếu không thể hiểu người dân nghĩ gì thì làm sao bạn hiểu mình cần phải làm gì?” – ông Fedorov nói.

Trở lại với Kostyrya, cô chỉ phỏng vấn được 5, trong tổng số 144 ngôi nhà cô gõ cửa. Một tỷ lệ trả lời thấp hơn rất nhiều so với kiểu phỏng vấn từng nhà như thế này ở Mỹ. “Ôi, tôi đã đủ đau đầu lắm rồi” – một phụ nữ thốt lên khi Kostyrya nói rằng cô muốn khảo sát về chính trị.

Sau rồi, một phụ nữ 62 tuổi cũng đồng ý trả lời Kostyrya về tình hình chính trị. “Trên truyền hình chỉ nói về chiến tranh, chiến tranh, và chẳng gì khác ngoài chiến tranh”- người phụ nữ 62 tuổi cho biết, và nói thêm là bà tin vào Putin.

Nhưng vấn đề mà người được hỏi quan tâm nhất, đó là giá thuốc. “Nơi này thì bán 500 rúp, nơi khác là 300 rúp. Giá vẫn quá cao” – người phụ nữ nói thêm. 500 rúp hiện giờ tương đương khoảng 6,50 USD, và khoản trợ cấp hàng tháng bà nhận được khoảng 225 USD.

Một số người khác lo ngại rằng giá cả sẽ còn tăng nữa, và lợi tức bị ứ đọng, khiến các mặt hàng tạp phẩm sẽ trở thành xa xỉ phẩm. Số khác nghi ngờ về việc giới chức Nga có kế hoạch ấn định lại sự lệ thuộc của Nga vào dầu lửa để cấp ngân sách. Nhiều người khác lại phàn nàn về các chính trị gia địa phương.

Ở một căn hộ khác, người đàn ông 70 tuổi đồng ý trả lời Kostyrya. Ông nói, ông tin Putin.

“Ông ấy ngủ ra sao? Ông ấy đi trượt tuyết. Ông ấy tới khánh thành nhà máy để khích lệ công nhân. Ông hứa hẹn hỗ trợ họ. Ông ấy rất tráng kiện” – người đàn ông nhận xét về Tổng thống Nga.

Hầu hết số người mà Kostyrya hỏi đều phân định rạch ròi sự ủng hộ của họ với Putin, và cảm nghĩ của họ về chiều hướng của nước Nga vốn đang rất tiêu cực. Điều này cũng được thể hiện trong các cuộc thăm dò dư luận, mà theo đó, tỷ lệ ủng hộ Putin giảm rất ít, ngay cả khi chỉ có 45% người Nga tin rằng đất nước họ đang đi đúng hướng (theo trung tâm Levada, tháng Sáu năm ngoái, con số này là 64%).

Các nhà phân tích nói rằng, sau khi Nga sáp nhập Crưm, đối với một phần lớn công chúng Nga thì Putin trở thành người mà không ai được đả động tới.

“Mọi người coi ông là một thành phần vĩnh cửu trong thế giới mà họ dựng nên” – Alexander Oslon, lãnh đạo của Quỹ Dư luận Công chúng, nhận định. “Họ không coi ông là một lãnh đạo đến rồi lại đi”, nhưng Oslon nói thêm, nếu rắc rối kinh tế còn kéo dài, thì tỷ lệ ủng hộ Putin cũng mong manh.

Theo Lê Thu

Vietnamnet