1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phương Tây đánh giá khả năng của Ukraine giành lại lãnh thổ

Minh Phương

(Dân trí) - Giới chức phương Tây cảnh báo, Ukraine sẽ không thể giành lại phần lớn lãnh thổ từ Nga nếu không tăng đáng kể năng lực quân sự, trong đó có nguồn lực về xe tăng, xe bọc thép.

Phương Tây đánh giá khả năng của Ukraine giành lại lãnh thổ - 1

Binh sĩ Ukraine trên một xe bọc thép ở Donetsk (Ảnh: Getty).

Guardian dẫn lời một quan chức phương Tây giấu tên ngày 10/1 nhận định, cán cân lực lượng của Nga và Ukraine trên chiến trường hiện nay tương đối ngang bằng, do vậy Kiev khó có thể thực hiện một cuộc phản công quy mô lớn.

"Ukraine sẽ không thể giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ nếu năng lực quân sự của họ không được cải thiện đáng kể so với năm ngoái. Cán cân lực lượng giữa Nga và Ukraine hiện nay cân bằng", quan chức trên cho hay.

Quan chức này nói thêm: "Họ cần một số thứ để phá vỡ thế bế tắc này nếu muốn giành lại lãnh thổ và tiếp tục tấn công. Xe tăng chiến đấu chủ lực và xe bọc thép chở quân là một phần trong đó".

Theo ông, Ukraine sẽ tìm đến tất cả các đối tác có thể cung cấp cho họ xe tăng, xe bọc thép mà không cần lo lắng liệu chúng đến từ đâu, miễn là Kiev có đủ số lượng cần thiết.

Xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 10 tháng qua. Ukraine bắt đầu phản công mạnh từ khoảng tháng 8 và giành lại một phần lãnh thổ. Chuẩn tướng Oleksii Hromov, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến chính của Bộ Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Ukraine, đầu tháng này tuyên bố Kiev đã giành lại 40% lãnh thổ Nga kiểm soát sau 24/2/2022 - ngày mà Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt.

Tuy nhiên, chiến dịch phản công của Ukraine đang chững lại do Nga tăng cường phòng thủ cho các vùng đã kiểm soát, trong khi tăng cường tấn công ở mặt trận miền Đông. Giới chức Ukraine thừa nhận, tình hình ở miền Đông hiện rất khó khăn, đặc biệt ở Donetsk.

Ukraine nhiều lần cho biết, nước này cần 600-700 xe chiến đấu bộ binh và 300 xe tăng từ phương Tây nhằm xây dựng một lực lượng thiết giáp mạnh, đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga. Giới quân sự phương Tây đánh giá, 300 xe tăng không phải "một con số vô lý" khi Ukraine muốn tiến hành một cuộc phản công quy mô lớn mang tính bước ngoặt.

Đến nay, Mỹ và các đồng minh vẫn từ chối cấp xe tăng theo chuẩn NATO do lo ngại Nga sẽ coi đây là động thái leo thang căng thẳng, đối đầu trực tiếp. Tuy nhiên, những ngày gần đây, một số nước phương Tây đang cho thấy tín hiệu điều chỉnh trong chính sách viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Tuần trước, Pháp cam kết chuyển khoảng 30 xe tăng bánh lốp AMX-10 RC. Mỹ, Đức tuyên bố sẽ cung cấp 50 xe chiến đấu bộ binh Bradley và 4 xe chiến đấu Marder cho Kiev.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đầu tuần này cho biết, Đức không loại trừ khả năng cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard cho Kiev. Hiện có khoảng 2.000 chiếc Leopard 2 đang phục vụ ở châu Âu tại 13 quốc gia khác nhau, nhưng vì chúng được sản xuất ban đầu ở Đức nên cần phải có sự chấp thuận của Berlin nếu bất kỳ chiếc nào được tái xuất sang Ukraine.

Trong khi đó, Anh được cho là đang cân nhắc gửi các xe tăng Challenger 2 đến Ukraine. Một người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh nói rằng, họ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này. Anh sở hữu 227 xe tăng Challenger 2.

Ukraine hy vọng, họ sẽ nhận được thêm nhiều cam kết viện trợ nữa từ đồng minh, đối tác trong hoặc trước cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng phương Tây dự kiến diễn ra ngày 20/1.

Theo Guardian, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine