1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Phương Tây "chùn bước" trước quyết định tấn công Syria

(Dân trí) - Liên hợp quốc, Nga và Trung Quốc hôm qua đã kêu gọi phương Tây chớ vội vàng tấn công Syria cho tới khi nhóm thanh sát viên LHQ hoàn tất phúc trình điều tra. Trong khi đó, Mỹ, Anh và Đức cũng bắt đầu tỏ ra trù trừ trong việc phát động tấn công.

Các thanh sát viên LHQ kiểm tra mẫu vũ khí hóa học ở Syria.
Các thanh sát viên LHQ kiểm tra mẫu vũ khí hóa học ở Syria.

Trong tuyên bố ngày hôm qua, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng phương Tây "nên cho ngoại giao (Syria) một cơ hội" cho tới khi hoạt động điều tra được hoàn tất.

 “Các cường quốc chớ vội tấn công Syria cho đến khi toán thanh sát viên vũ khí hóa học của LHQ hoàn tất công tác của họ”, ông Ban Ki-moon kêu gọi.

Người đứng đầu LHQ cho biết toán thanh sát viên vũ khí hóa học của LHQ sẽ rời Syria vào ngày mai, 31/8, và sớm trình kết quả điều tra cho ông. Ông cũng tiết lộ đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Barack Obama về cuộc điều tra của LHQ.

“Ngoại giao cần được cho cơ hội, hòa bình cần được cho cơ hội”, ông Ban nói với Tổng thống Obama sau khi khẳng định LHQ “cần được phép tiếp tục công việc”.

Nga, Trung Quốc và Đức cũng đưa ra những kêu gọi tương tự.

“Trung Quốc phản đối mọi hành động sử dụng vũ khí hóa học và ủng hộ công tác điều tra chuyên nghiệp, công bằng, khách quan, độc lập của LHQ. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối mọi sự can thiệp hay những phán đoán trước khi có kết quả điều tra cụ thể”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới ngày hôm qua.

"Điều quan trọng là HĐBA cần phải nghiên cứu báo cáo của nhóm thanh sát viên LHQ về chứng cớ sử dụng vũ khí hóa học ở Syria", Điện Kremli đưa ra tuyên bố sau cuộc trao đổi cùng ngày giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tuyên bố cũng nêu rõ Nga và Đức sẽ tiếp tục làm việc trong khuôn khổ LHQ cũng như các khuôn khổ khác về một giải pháp chính trị và ngoại giao cho tình hình hiện tại ở Syria.

Trước đó, Nga cho rằng sẽ là vội vàng nếu HĐBA đưa ra bất cứ phản ứng trừng phạt nào trước khi nhóm thanh sát viên LHQ công bố kết quả điều tra cuối cùng.

Hiện tại, đoàn thanh sát viên LHQ đang trong ngày kiểm tra thứ ba ở Zamalka, khu vực ngoại ô phía Đông thủ đô Damascus, nơi đã xảy ra các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8 làm gần 1.000 người thiệt mạng. Dự kiến đoàn sẽ trình kết quả điều tra lên Tổng thư ký Ban Ki-moon vào cuối tuần.

Những kêu gọi với hàm ý “nên cho ngoại giao một cơ hội” được đưa ra vào lúc Mỹ và một số nước phương Tây khác đang tỏ ra lưỡng lự trước thời điểm quyết định có nên tấn công Syria hay không.

“Việc tấn công bằng vũ khí (hóa học) ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Mỹ… nhưng tôi chưa quyết định có can thiệp quân sự hay không”, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố trong cuộc phỏng vấn kênh truyền hình PBS sau một ngày tranh cãi trong hậu trường LHQ về nghị quyết do Anh đệ trình.
 
Quốc hội Anh bác bỏ đề xuất tấn công Syria

Trong nghị quyết trình LHQ, chính phủ Anh muốn phát động ngay một cuộc tấn công Syria với danh nghĩa bảo vệ dân thường. Tuy nhiên, Quốc hội nước này đã bác bỏ điều này sau khi Thủ tướng Anh David Cameron thừa nhận “không chắc chắn 100%” về việc chính phủ Syria đứng sau vụ sử dụng vũ khí hóa học hồi tuần trước.

Trong phiên bỏ phiếu ngày 29/8, với 285 phiếu chống và 272 phiếu thuận, Hạ viện Anh đã bác bỏ kiến nghị của chính phủ kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ hành động can thiệp quân sự vào Syria. Động thái này đang buộc Thủ tướng Cameron phải cân nhắc lại các hành động của mình.

"Tôi đã thấy rõ là Quốc hội Anh, cơ quan đại diện cho quan điểm của người dân, không muốn chứng kiến hành động quân sự của Anh (tại Syria). Tôi hiểu điều này và chính phủ sẽ hành động một cách phù hợp", Thủ tướng Anh cam kết sau cuộc bỏ phiếu.
 
Israel không đánh Syria

Israel, đồng minh thân thận của Mỹ, cũng quyết định không tham gia cuộc xung đột tại nước láng giềng Syria nhưng sẽ đáp trả bằng tất cả sức mạnh nếu bị tấn công.

"Israel đã và đang không dính líu vào cuộc xung đột tại Syria. Nhưng nếu bất kỳ ai âm mưu gây hại cho Israel, chúng tôi sẽ đáp trả bằng tất cả sức mạnh của mình. Israel có một quân đội hùng mạnh, hiện đại và một hệ thống phòng thủ tiên tiến hơn bao giờ hết", Tổng thống Israel Simon Peres nói ngày hôm qua.

Để chuẩn bị sẵn sàng trước nguy cơ Damascus bị tấn công, Israel đã triệu tập lính dự bị và điều động các khẩu đội tên lửa. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cử 100 chuyên gia vũ khí hóa học đến biên giới với Syria.

 
Trong khi đó, Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố sẽ tự vệ trước mọi sự gây hấn.
Vũ Anh
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm