1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Anh phái 6 chiến đấu cơ tiến gần Syria, LHQ kêu gọi đối thoại

(Dân trí) – Trong khi chính phủ đang thuyết phục các nghị sỹ đồng thuận với hành động quân sự tại Syria, không quân Anh đã điều 6 chiến đấu cơ tới căn cứ trên đảo Síp, chỉ cách Syria chưa tới 200km. Trong khi đó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi đối thoại.

Tờ Telegraph dẫn lời một nguồn tin của không quân hoàng gia Anh xác nhận 6 chiến đấu cơ Typhoon đã được điều tới căn cứ không quân Akrotiri của đảo Síp. Tuy nhiên mục đích là nhằm tạo một “lá chắn phòng thủ” cho căn cứ trong trường hợp bị tấn công bởi “các máy bay lạ”

Không quân Anh đã điều 6 chiến đấu cơ tới gần Syria
Không quân Anh đã điều 6 chiến đấu cơ tới gần Syria

“Chúng tôi có thể xác nhận rằng 6 chiến đấu cơ Typhoon đã được triển khai tới Akrotiri tại đảo Síp sáng nay. Đây chỉ là biện pháp phòng ngừa cẩn trọng để đảm bảo các lợi ích của Anh, và bảo vệ khu vực căn cứ của chúng ta tại thời điểm căng thẳng leo thang trong khu vực. Đây là một đợt điều động các khí tài phòng thủ, chỉ hoạt động trong các nhiệm vụ không đối không”, một người phát ngôn của không quân Anh khẳng định.

Tuy vậy, động thái này càng làm dấy lên những ngoài nghi về khả năng Anh đang chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc can thiệp tại Syria. Bởi trước đó, một tờ báo của Anh khác là Guardian đã dẫn lời 2 phi công máy bay thương mại, những người thường xuyên bay từ Larnaca, đảo Síp, cho biết họ nhìn thấy các máy bay vận tải C-130 từ máy bay của mình, cùng một đội hình nhỏ có thể là các chiến đấu cơ của châu Âu trên màn hình rađa.

Căn cứ Akrotiri cách Syria chưa tới 160 km, khiến nó có thể trở thành một trung tâm cho những đợt ném bom. Các cư dân gần sân bay này khẳng định với Guardian rằng “hoạt động tại khu vực này đã sôi động hơn nhiều mức bình thường trong 48 giờ qua”.

Chính phủ Anh sốt sắng muốn tấn công

Để thuyết phục các nghị sỹ trước thềm cuộc bỏ phiếu phê chuẩn hành động quân sự, dự kiến diễn ra vào 22 giờ ngày 29/8 (theo giờ địa phương), chính phủ Anh đã công bố một bản tóm tắt tư vấn pháp lý từ Bộ trưởng tư pháp.

Bản báo cáo khẳng định hành động quân sự ngay cả khi không có sự hậu thuẫn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng vẫn hợp pháp, bởi “có những bằng chứng thuyết phục” cho thấy có việc sử dụng vũ khí hóa học, và “không có lựa chọn thiết thực nào khác ngoài việc sử dụng vũ lực nếu muốn bảo vệ sinh mạng người dân”.

Đồng thời, chính phủ của thủ tướng David Cameron cũng công bố bức thư của ông Jon Day, chủ tịch Ủy ban tình báo hỗn hợp (JIC) gửi ông Cameron, quả quyết “rất có thể” một cuộc tấn công hóa học đã xảy ra hồi tuần trước và chính quyền Syria là người đứng đằng sau.

Các nghị sỹ Anh muốn có thêm bằng chứng
Các nghị sỹ Anh muốn có thêm bằng chứng

“Không có thông tin tình báo đáng tin cậy hoặc các bằng chứng nào chứng minh cho cáo buộc hoặc việc sở hữu vũ khí hóa học của phe đối lập. JIC do đó kết luận rằng không có khả năng đáng tin cậy nào khác ngoài việc chính quyền phải chịu trách nhiệm”, bức thư có đoạn viết.

Ông Cameron thừa nhận mặc dù không có bằng chứng chắc chắn 100% về việc ai đã dùng vũ khí hóa học hay kết quả của hành động can thiệp là gì. Nhưng có một sự chắc chắn đó là nếu không hành động nào được đưa ra “Assad qua đó sẽ rút ra những kết luận rõ ràng” và sẽ sử dụng vũ khí hóa học “hết lần này đến lần khác mà không bị trừng trị”.

Tuy vậy lãnh đạo đảng Lao động Anh Ed Miliband vẫn cho biết ông muốn được thấy những bằng chứng thuyết phục hơn. Ông Miliband tuyên bố ông muốn “rút ra bài học từ Iraq” bằng cách để cho các thanh sát viên Liên Hợp Quốc có thời gian đưa ra bằng chứng.

Liên Hợp Quốc kêu gọi đối thoại

Trong khi đó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tiếp tục kêu gọi các bên kiềm chế, để cơ hội cho giải pháp đối thoại và chờ các báo cáo của thanh sát viên Liên Hợp Quốc. Dự kiến sáng thứ Bảy, các thanh sát viên sẽ rời Syria.

“Họ sẽ tiếp tục hoạt động điều tra cho tới ngày mai, thứ Sáu, và họ sẽ rời Syria trong sáng thứ Bảy và báo cáo cho tôi ngay khi họ rời khỏi đây”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon khẳng định với báo giới trong cuộc họp tại Vienna, Áo. Ông cho biết Liên Hợp Quốc sẽ chia sẻ kết quả và “các phân tích các mẫu vật và bằng chứng của chúng tôi”, với các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các quốc gia thành viên.

Ông Ban Ki-Moon cũng cho biết đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Obama hôm 28/8, đề nghị Mỹ “để cho các thanh sát viên có thời gian tiếp tục công việc như đã được ủy nhiệm bởi các quốc gia thành viên”.

“Giải pháp ngoại giao nên được trao một cơ hội…hòa bình nên được cho một cơ hội”, ông Ban nói. “Điều quan trọng là mọi khác biệt về quan điểm nên được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình và thông qua đối thoại.

Thanh Tùng
Tổng hợp