Phương Tây “bất lực” với ý đồ cô lập Nga bằng lệnh trừng phạt
(Dân trí) - Khi các nền kinh tế lớn nhất của châu Âu đang ngày càng hợp tác nhiều hơn với Nga, nhiều nhà ngoại giao phương Tây cũng thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga là một sự thất bại.
Các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga từ tháng 3/2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ. Mục đích của các lệnh trừng phạt này là nhằm cô lập Nga, khiến Moscow không thể tiếp cận với các nguồn tài chính cũng như tiến hành các giao dịch quan trọng.
Tuy vậy, việc Nga thực hiện thành công ngày càng nhiều thương vụ quốc tế để bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 hiện đại nhất thế giới cho các nước là bằng chứng cho thấy, các lệnh trừng phạt của phương Tây dường như không có tác dụng nhiều với Nga như các nước này kỳ vọng.
Với giá lên tới 400 triệu USD, S-400 của Nga đã trở thành mặt hàng được nhiều nước săn đón. Doanh thu từ việc bán hệ thống vũ khí này vẫn tăng vọt bất chấp việc Mỹ và các đồng minh tìm cách trừng phạt các nước mua S-400 của Nga.
Cả Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đều ký các thỏa thuận mua S-400 trong năm nay, trong khi Trung Quốc đã tiếp nhận những lô S-400 đầu tiên từ Nga. Ngoài ra, các cuộc đàm phán cũng đang được tiến hành giữa Điện Kremlin và Iraq, Ả rập Xê út và Qatar nhằm mua bán hệ thống phòng không tối tân này.
“Không còn nghi ngờ gì về việc cô lập Nga. Thậm chí không còn ai đề cập tới vấn đề này. Đã có những bước đột phá lớn nhờ Trung Quốc và Ấn Độ. Thông điệp ở đây là Nga vẫn mở cửa cho các giao dịch làm ăn”, Andrei Frolov, tổng biên tập tạp chí Xuất khẩu Vũ khí của Nga, cho biết.
Theo Sputnik, các biện pháp trừng phạt do Mỹ thiết kế nhằm trừng phạt Nga đã không đạt được mục tiêu, thậm chí giới ngoại giao và tài chính nhận định các lệnh trừng phạt này là sự thất bại hoàn toàn.
Theo Financial Times, mối quan hệ ngày càng được thắt chặt giữa Nga và Trung Quốc đã phá vỡ những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn Moscow tiếp cận với các cơ chế thương mại và tài chính. Trong khi đó, Nga vẫn đang đẩy mạnh tầm ảnh hưởng của nước này trong nền ngoại giao toàn cầu.
Israel, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả rập Xê út đều ca ngợi mối quan hệ nồng ấm với Nga, cho phép Moscow mở rộng và gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông, ngay cả khi Mỹ đã giảm dần sự hiện diện tại khu vực này.
Nhiều nước đã đặt mua tổ hợp phòng không S-400 (Ảnh: RT)
Nhu cầu của châu Âu về dầu và khí đốt Nga ngày càng tăng, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu lục này vào Nga cũng tăng theo. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng thực hiện hàng loạt chuyến thăm ngoại giao tới Nga. Các động thái này dường như đi ngược lại với giọng điệu cứng rắn từ NATO, trong đó các nước ngoài mặt đều tuyên bố ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga do Mỹ dẫn đầu.
“Việc cô lập Nga là bất khả thi, điều đó đã quá rõ ràng. Hiện có rất nhiều lựa chọn cho Moscow trên trường quốc tế”, Andrei Bystritsky, chủ tịch Câu lạc bộ Thảo luận Valdai, nhận định.
“Một điều rõ ràng đó là khi tìm cách cô lập Nga, Mỹ đang tự cô lập chính mình. Thậm chí các nước châu Âu cũng đang phát triển chính sách độc lập với Nga”, một nhà ngoại giao châu Á tại Moscow nói với Financial Times.
Việc đảng Dân chủ giành được lợi thế tại Washington sau cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ vừa qua có dẫn tới sự gia tăng sức ép lên Nga hay không vẫn còn là câu hỏi để ngỏ. Tuy nhiên nhu cầu của các nước trong việc tiêu thụ các hàng hóa của Nga vẫn tiếp tục tăng lên và gần đây nhất là thương vụ vũ khí trị giá 5 tỷ USD với Ấn Độ.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát xu hướng của thị trường vũ khí toàn cầu và đề xuất các hình thức hợp tác mới, linh hoạt và thuận lợi cho các đối tác của chúng tôi. Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay khi các đối thủ của chúng tôi đang triển khai những biện pháp cạnh tranh: Họ tìm cách gây sức ép và hăm dọa các khách hàng của chúng tôi, bao gồm việc sử dụng các lệnh trừng phạt chính trị”, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc gặp gần đây với các quan chức phụ trách mua sắm vũ khí nước ngoài.
Thành Đạt
Theo Sputnik