1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Putin “xoay trục” sang châu Á giữa vòng kiềm tỏa của phương Tây

(Dân trí) - Với việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Singapore từ ngày 14-15/11, Tổng thống Vladimir Putin đã phát đi tín hiệu rõ ràng rằng ông đang tìm cách mở rộng nỗ lực ngoại giao đa phương của Nga, bao gồm chính sách “xoay trục sang châu Á”.


Tổng thống Putin chào đón nguyên thủ các nước về dự hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN tại Sochi, Nga năm 2016. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Putin chào đón nguyên thủ các nước về dự hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN tại Sochi, Nga năm 2016. (Ảnh: AFP)

Theo các chuyên gia, khi cuộc chiến giữa Nga với châu Âu và Mỹ liên quan tới các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow chưa tới hồi kết, châu Á vẫn là khu vực hứa hẹn nhất cho các chính sách ngoại giao và thương mại của Nga. Mặc dù vậy, sự có mặt của Tổng thống Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Singapore trong tuần này có mang lại những tiến triển cụ thể cho chính sách vươn tới châu Á của Nga hay không hiện vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.

Hội nghị thượng đỉnh Đông Á là hội nghị khu vực thường niên của các nước thành viên ASEAN và 8 đối tác đối thoại gồm: Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ. Sự hiện diện của Tổng thống Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á năm nay là một sự kiện đặc biệt vì kể từ khi Nga tham gia hội nghị hồi năm 2011, Điện Kremlin thường chỉ cử Thủ tướng Dmitry Medvedev tới tham dự.

Quyết định tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á của Tổng thống Putin dường như là dấu hiệu cho thấy Nga cuối cùng cũng thực sự nghiêm túc coi trọng khu vực này. Tổng thống Putin từng đưa ra chính sách “hướng đông” hồi năm 2010, song giới phân tích cho rằng Nga chưa thực sự có những biện pháp cụ thể để thực hiện chính sách này.

Theo Dmitriy Frolovskiy, nhà phân tích chính trị kiêm nhà báo độc lập, sự tập trung của Nga vào khu vực Đông Á dường như là cách để Tổng thống Putin khắc phục những sai lầm trong chính sách đối ngoại trước đây.

Điện Kremlin đã “ngó lơ” sự trỗi dậy của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong suốt 1/4 thế kỷ qua. Thay vào đó, Nga thường hướng đến châu Âu, coi khu vực này là đối tác kinh tế và chính trị quan trọng trong giai đoạn sau khi Liên Xô sụp đổ.

Mọi chuyện chỉ thay đổi khi quan hệ ngoại giao giữa Nga và châu Âu bị rạn nứt sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ năm 2014. Moscow đã phải hứng chịu những lời công kích và đòn trừng phạt mạnh mẽ từ phương Tây.

Các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp Nga hiện coi Đông Á nói chung và các nước ASEAN nói riêng là nơi để Nga đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế ngoài châu Âu, đồng thời giảm bớt sức ép từ các lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga.

Sự xoay trục của Nga


Cuộc họp của Tổng thống Putin với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á. (Ảnh: Eurasian Commission)

Cuộc họp của Tổng thống Putin với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á. (Ảnh: Eurasian Commission)

Sau khi bỏ qua khu vực châu Á trong quá khứ, Nga đang chạy đua để cạnh tranh với Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Trong bài bình luận trên Bloomberg cách đây một năm, Tổng thống Putin từng nói kim ngạch thương mại nước ngoài của Nga với các nền kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã tăng từ 23% lên 31% trong giai đoạn từ năm 2012-2017, trong đó mức tăng trưởng với các nền kinh tế ASEAN thậm chí còn đáng chú ý hơn.

Theo nhà nghiên cứu Ian Storey và Anton Tsvetov tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, Nga cần thị trường Đông Nam Á để cải thiện nền kinh tế của nước này, đặc biệt sau khi Moscow bị tấn công bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Việc Tổng thống Putin tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nga và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Singapore năm nay, trong khi không tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Papua New Guinea hồi tháng 8 vừa qua, cho thấy cam kết của nhà lãnh đạo Nga đối với khu vực Đông Nam Á.

Hãng thông tấn TASS (Nga) hồi tháng trước từng đưa tin ngành công nghiệp hàng không của Nga đang tìm cách bán cả máy bay thương mại lẫn trực thăng quân sự cho Indonesia. Tháng 8/2017, Indonesia thông báo mua 11 máy bay chiến đấu Sukhoi trị giá 1,14 tỷ USD của Nga. Ngoài ra, Nga cũng ký thỏa thuận với Philippines, quốc gia vốn phụ thuộc chủ yếu vào vũ khí Mỹ, nhằm mở rộng thị trường vũ khí Nga trong khu vực.

Những động thái trên diễn ra đồng thời với mối quan hệ an ninh chặt chẽ giữa Nga với Ấn Độ và Trung Quốc. Chiến lược của Nga đơn giản là: duy trì quan hệ quốc phòng gần gũi và ký các thỏa thuận có lợi với tất cả các bên.

Quốc phòng chỉ là 1 trong 2 mặt trận then chốt của Nga tại khu vực Đông Á. Mặt trận còn lại là năng lượng. Xuất khẩu năng lượng của Nga tới ASEAN đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 2013. Các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng tại Đông Nam Á rõ ràng là thị trường tiềm năng cho dầu và khí đốt của Nga. Ngoài ra, trong lĩnh vực năng lượng sạch, các nước ASEAN cũng là thị trường dồi dào cho ngành công nghiệp điện hạt nhân của Nga.

Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga Rosatom đang đàm phán với Indonesia và Philippines để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Không giống châu Âu, nơi Nga thường bị nghi ngờ lợi dụng xuất khẩu năng lượng để đạt lợi ích địa chính trị, vai trò năng lượng của Nga tại châu Á - Thái Bình Dương được coi trọng hơn.

Theo chuyên gia Storey, mặc dù chính sách đối ngoại của Nga với châu Á chủ yếu tập trung vào Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Putin lên nắm quyền năm 2000, song nỗi lo sợ về việc quá phụ thuộc vào Bắc Kinh, cũng như tình trạng sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc, buộc Moscow phải tìm kiếm những cơ hội mới ở Đông Nam Á. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tháng 8 từng nói Nga hoan nghênh “việc phát triển mối quan hệ với ASEAN trong mọi lĩnh vực”, đồng thời thúc đẩy “quan hệ đối tác chiến lược Nga - ASEAN”.

Thành Đạt

Theo SCMP