1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phóng "xịt" tên lửa siêu vượt âm, Mỹ chậm chân trong cuộc đua với Nga-Trung

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ tiếp tục thử nghiệm thất bại tên lửa siêu vượt âm, đánh dấu một bước lùi trong cuộc đua phát triển loại khí tài có khả năng thay đổi cuộc chơi với 2 đối thủ Nga và Trung Quốc.

Phóng xịt tên lửa siêu vượt âm, Mỹ chậm chân trong cuộc đua với Nga-Trung - 1

Mô hình một nguyên mẫu tên lửa siêu vượt âm của Mỹ (Ảnh minh họa: Raytheon/Twitter).

Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận, quân đội nước này ngày 29/6 đã thử nghiệm thất bại một tên lửa siêu vượt âm ở Hawaii khi khí tài này gặp trục trặc sau khi vũ khí kích hoạt động cơ.

Mỹ không nêu các thông tin chi tiết về trục trặc diễn ra nhưng Lầu Năm Góc cho biết đã có "bất thường xảy ra sau khi khí tài thử nghiệm xảy ra vấn đề với động cơ".

Mỹ khẳng định, chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm của họ vẫn đang trong tiến độ triển khai các khả năng tấn công và phòng thủ theo kế hoạch đã định sẵn là vào đầu những năm 2020.  

Đây là lần thứ 2 Mỹ phóng thất bại nguyên mẫu của tên lửa "Tấn công chớp nhoáng thông thường" (CPS), sau lần đầu hồi tháng 10/2021. Khi đó, bộ phận đẩy của tên lửa gặp trục trặc, khiến khí tài không rời khỏi bệ phóng được. CPS là vũ khí dự kiến sẽ được trang bị trên tàu khu trục Zumwalt và tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ.

Mỹ đang phát triển phiên bản mặt đất của CPS với Lockheed Martin và Northrop Grumman là 2 nhà thầu chính.

Thất bại của Mỹ trong vụ phóng thử tên lửa đánh dấu việc họ tiếp tục chậm chân trong cuộc đua phát triển tên lửa siêu vượt âm với Nga và Trung Quốc.

Vũ khí được xem là siêu vượt âm khi nó sở hữu tốc độ nhanh gấp ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh (6.174 km/h).

Tốc độ và khả năng cơ động giúp các tên lửa siêu vượt âm trở nên nguy hiểm hơn đối với hầu hết các hệ thống phòng không. Ngoài ra, thời gian đốt cháy động cơ tên lửa được rút ngắn khiến việc phát hiện chúng bằng hệ thống cảnh báo sớm trên quỹ đạo trở thành một nhiệm vụ khó khăn.

Vũ khí siêu vượt âm được xem là một thách thức mới cho công nghệ phòng thủ tên lửa hiện tại vì tốc độ nhanh, và có khả năng di chuyển linh hoạt hơn so với các tên lửa thường.  

Nga trong thời gian qua đã triển khai tên lửa siêu vượt âm trong chiến dịch quân sự ở Ukraine - đánh dấu lần đầu tiên vũ khí dạng này được đưa vào tác chiến trên thế giới. 

Nga hiện đã đưa vào biên chế dòng tên lửa Kinzhal (nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh) hay Avangard (nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh). Giới chức Mỹ cũng nhiều lần thừa nhận họ đang đi sau các đối thủ trong cuộc đua chế tạo dòng vũ khí này.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện cũng đã có tên lửa siêu vượt âm sẵn sàng triển khai. Giới chức quân sự Mỹ nhiều lần thừa nhận Washington đang đi sau nhiều năm so với các đối thủ chiến lược trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm.

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm