1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Australia bảo vệ quyết định đột kích nơi ở nhà báo Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ trưởng Nội vụ Australia bảo vệ quyết định của chính phủ nước này khi tiến hành các cuộc đột kích nhằm ngăn chặn hành động can thiệp từ nước ngoài giữa lúc căng thẳng leo thang với Trung Quốc.

Australia bảo vệ quyết định đột kích nơi ở nhà báo Trung Quốc - 1

Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton (Ảnh: AAP)

Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton từ chối xác nhận trực tiếp rằng các nhà báo Trung Quốc đã bị cơ quan tình báo Australia thẩm vấn hồi tháng 6, đồng thời cho biết cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, ông Dutton thừa nhận cơ quan tình báo Australia đã tiến hành một số “hoạt động”.

“Khi (Cơ quan Tình báo An ninh Australia) có đủ cơ sở để thực thi một lệnh khám xét, hoặc có đủ cơ sở để tiến hành các hoạt động khác, họ sẽ thực hiện việc đó”, Bộ trưởng Dutton nói với kênh ABC ngày 13/9.

“Nếu ai đó giả danh nhà báo hoặc lãnh đạo doanh nghiệp hay bất kỳ ai, và có bằng chứng cho thấy họ đang hành xử ngược lại với luật pháp Australia, các cơ quan (tình báo) sẽ vào cuộc”, ông Dutton cho biết thêm.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần này cho biết Australia hồi tháng 6 đã khám xét nơi ở của 4 nhà báo làm việc cho các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Australia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian nói rằng các máy tính, điện thoại di động, thậm chí máy tính bảng và đồ chơi điện tử của con các nhà báo Trung Quốc cũng bị tịch thu trong vụ khám xét.

Thông tin về vụ đột kích chỉ được đưa ra sau khi 2 nhà báo Australia tác nghiệp tại Trung Quốc, gồm Bill Birtles làm việc cho hãng tin ABC và Michael Smith làm việc cho Thời báo tài chính Australia (AFR), vội vã rời khỏi Trung Quốc ngay trong đêm 7/9.

Trước khi Bill Birtles chuẩn bị về nước, 7 cảnh sát Trung Quốc đã tới nhà riêng của anh và thông báo anh bị cấm xuất cảnh tạm thời. Cảnh sát Trung Quốc cho biết họ muốn thẩm vấn về một “vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia”, buộc Birtles phải xin trú tại đại sứ quán Australia ở Bắc Kinh.

Cuối cùng, cảnh sát Trung Quốc đã thẩm vấn Birtles trước sự chứng kiến của các nhà ngoại giao Australia và lệnh cấm xuất cảnh cũng được dỡ bỏ.

Cùng ngày, nhà báo Smith cũng bị cảnh sát Trung Quốc tìm tới nhà riêng ở Thượng Hải. Cả Birtles và Smith đều bị thẩm vấn các câu hỏi liên quan đến Cheng Lei, một nhà báo Australia bị bắt ở Trung Quốc hôm 14/8. Cả Birtles và Smith sau đó đã đáp máy bay trở về Sydney.

Trung Quốc cáo buộc đại sứ quán Australia cản trở pháp lý khi cung cấp nơi lưu trú cho 2 nhà báo nước này. Tuy nhiên Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham bác bỏ cáo buộc này, khẳng định các quan chức đại sứ quán Australia tôn trọng các quy trình của Trung Quốc.

Bộ trưởng Birmingham bác bỏ thông tin cho rằng, vụ Australia đột kích nơi ở của các nhà báo Trung Quốc hồi tháng 6 đã dẫn tới hành động đáp trả của Bắc Kinh nhằm vào hai nhà báo Bill Birtles và Michael Smith.

Ông Simon cũng khẳng định Australia đã hành xử phù hợp xuất phát từ mối lo ngại về sự can thiệp của nước ngoài ở Australia, đồng thời khẳng định Australia hành động hoàn toàn dựa trên bằng chứng.

Quan hệ Australia - Trung Quốc leo thang căng thẳng gần đây khi giới chức Australia liên tục cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào các vấn đề nội bộ. Australia cũng tích cực kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19 - đại dịch khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái.

Trung Quốc hồi tháng 5 đã áp thuế với lúa mạch nhập khẩu từ Australia, cấm 4 nhà sản xuất thịt bò hàng đầu của Australia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Bắc Kinh cảnh báo sinh viên và khách du lịch Trung Quốc cẩn trọng khi tới Australia vì nguy cơ phân biệt chủng tộc. Trung Quốc cũng tuyên bố điều tra chống trợ cấp với rượu vang nhập khẩu Australia.