Philippines có thể phê chuẩn Hiệp ước quân sự mới với Mỹ
(Dân trí) - Truyền thông Phillipines cho rằng Toà án tối cao Phillipines có thể sẽ đưa ra phán quyết công nhận tính hợp pháp của bản Hiệp ước quân sự Mỹ - Phillipines mà hai bên ký kết hơn một năm trước. Phán quyết này dự kiến được đưa ra trước chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Manila để tham dự thượng đỉnh APEC.
Được ký hồi tháng 4/2014, bản Hiệp ước có tên Thoả thận nâng cao hợp tác quốc phòng (EDCA) giữa Manila và Washington cho phép quân đội Mỹ tiếp cận trên diện rộng các căn cứ quân sự của Phillipines. Tuy nhiên, dư luận Philipines hiện vẫn đang nghi ngờ về tính hợp pháp của bản Hiệp ước này. Dù giới chức Phillipines khẳng định rằng việc công nhận EDCA chi là vấn đề thời gian, Washington vẫn luôn mong muốn nó sẽ được thông qua trước khi ông Obama tới Manila vào ngày 17/11.
Các nguồn tin cho rằng Toà án sẽ tán thành tính hợp hiến của thoả thuận. Tờ Manila Times cho hay bản dự thảo của phán quyết dài 82 trang của thẩm phán Maria Lourdes Sereno sẽ tuyên bố thoả thuận trên “nằm trong khuôn khổ Hiến pháp”. Nguồn tin trên cũng cho biết phiên toà sẽ thảo luận và cân nhắc phán quyết vào ngày 10/11 và tuỳ thuộc vào việc nó có bị từ chối hay không, sẽ có một phiên bỏ phiếu thông qua ngay sau đó hoặc trong ngày 16/11, tức là ngay đêm trước ngày diễn ra hội nghị APEC.
Nếu điều này thành hiện thực, đây sẽ là một bước tiến lớn cho liên minh Mỹ - Phillipines. Giải quyết được vấn đề hợp hiến sẽ cho phép các quan chức quốc phòng của cả hai nước tính toán những bước đi cụ thể tiếp theo - bao gồm từ xây dựng các công trình cho tới trang bị các khí tài quân sự - điều mà cả hai đã thảo luận từ lâu. Philippines vẫn là một quốc gia yếu về quân sự trong vùng Đông Nam Á và những bước đi này là tiền đề quan trọng mang lại cho Manila điều mà các nhà hoạch định chính sách gọi là “sự răn đe đáng tin cậy tối thiểu” trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang gia tăng.
Việc giải quyết các vấn đề xung quanh EDCA ngay trước khi ông Obama đến chắc chắn sẽ làm nồng ấm thêm mối quan hệ song phương giữa hai nước, đồng thời xua tan những lo lắng của Washington về bản Hiệp ước.
Tuy nhiên, trong khi bản Hiệp ước này sẽ là đòn bẩy cho mối quan hệ giữa hai chính quyền Aquino và Obama, sẽ vẫn còn một số nghi ngại về nó. Thứ nhất, người ta không thể chắc chắn rằng phán quyết này của toà án sẽ dẹp bỏ hoàn toàn những mối lo lắng của những người phản đối Hiệp ước. Cụ thể là có những người khăng khăng rằng EDCA là một hiệp ước mới, do đó cần phải được 2/3 số thành viên Thượng viện thông qua, chứ không phải chỉ là một văn bản thoả thuận trong khuôn khổ Hiệp ước quốc phòng chung năm 1951 mà chính quyền ông Aquino thường lập luận.
Trong khi một số báo cáo lờ đi những khía cạnh này, tờ Manila Times dẫn lời các nguồn tin cho hay phán quyết chính là lời khẳng định ông Aquino hoàn toàn có quyền kí thoả thuận với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành pháp. Nếu nó thực sự xảy ra, đây sẽ là một thắng lợi về mặt pháp lý cho bộ máy của ông Aquino khi một thoả thuận kiểu này không cần sự thông qua của Thượng viện, và chứng tỏ các quan toà tin vào những diễn giải mà bộ máy của ông dày công nghĩ ra. Ngay tại thời điểm này, chưa chắc 2/3 số thượng nghị sĩ sẽ tán đồng với cách diễn giải này. Tuy nhiên, ngay cả trong nội bộ những người đối lập cũng đã có những thay đổi.
Thượng nghị sĩ Miriam Defensor Santiago, một trong những người phản đối bản Hiệp ước mạnh mẽ nhất, đã cho thấy dấu hiệu giảm nhiệt. Trong tuần vừa rồi, bà cho biết sẽ có kế hoạch xem xét lại quan điểm buộc phải có 2/3 số thành viên thượng viện tán đồng bản Hiệp ước.
Khánh Trần
Theo The Diplomat