Philippines có mạo hiểm khi viện tới LHQ?
(Dân trí) - Việc Philippines tìm kiếm sự giúp đỡ của Liên hợp quốc trong việc đối phó với "đường chín đoạn" của Bắc Kinh đang được cộng đồng khu vực và thế giới theo dõi chặt chẽ. Ủng hộ nhiều, nhưng nghi ngại cũng lắm.
Một số nhà phân tích trong khu vực coi "hành động dũng cảm" của Manila không khác gì trò chơi thả xúc sắc đầy may rủi trong chính trị và luật pháp.
“Bước đi của Manila là hành động bất thường và mang tính kỹ thuật cao, nhất là khi được thực hiện mà không có sự đồng thuận hay bàn bạc trước với Trung Quốc”, một chuyên gia luật pháp quốc tế nói.
Tuy nhiên, một số quan chức Manila lại cho rằng đây là “hành động mạo hiểm” và có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm.
“Trò đùa với lửa này sẽ kéo dài vài ba năm. Trong khoảng thời gian đó, Philippines sẽ phải gồng mình chịu đựng sự phẫn nộ ngoại giao của Trung Quốc mà không có gì đảm bảo rằng cuộc chiến pháp lý sẽ thành công”, một quan chức Philippines không giấu nổi quan ngại.
Cũng theo quan chức này, không ai dám chắc là sẽ có một tòa án được lập ra theo quy định Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS). Ngay cả khi một tòa án như thế được lập ra thì cũng chưa chắc sẽ có thể sớm hoàn tất tiến trình xét xử để đi tới phán xét cuối cùng.
Trước đó, Philippines đã chính thức kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài của LHQ liên quan đến những tuyên bố và hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặc dù không đề cập cụ thể tới “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh, song đơn khiếu kiện của Manila không nằm ngoài mục đích viện tới luật biển quốc tế để “làm rõ trắng đen” trong các tuyên bố và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Gần đây, Trung Quốc liên tục có nhiều động thái thể hiện mưu đồ độc chiếm toàn bộ Biển Đông, vùng biển huyết mạch với ước đoán có trữ lượng dầu mỏ lên tới 150 tỷ thùng. Đơn cử, Bắc Kinh cho lưu hành hộ chiếu in “đường lưỡi bò”, phát hành bản đồ in “đường lưỡi bò”, thành lập và xây dựng cái gọi là “thành phố Tam Sa”, tiến hành tập trận tại nhiều địa điểm khác nhau ở Biển Đông và liên tục cử các tàu chấp pháp tới các vùng biển tranh chấp.
Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết việc Trung Quốc liên tục quấy nhiễu các tàu cá của nước này là nguyên nhân khiến Manila quyết định tìm kiếm sự bảo vệ của luật pháp quốc tế.
“Trung Quốc đã quấy nhiễu hai tàu cá của Philippines tại bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham – PV) trên Biển Đông và chính điều này đã buộc Manila phải tìm đến sự phán xét của LHQ về tranh chấp lãnh hải giữa hai nước trong tuần này”, ông Aquino phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 26/1 diễn ra ở khu nghỉ dưỡng Davos của Thụy Sĩ.
Ông Aquino không cho biết cụ thể thời điểm xảy ra vụ khiêu khích này nhưng nêu rõ đây chỉ là vụ mới nhất trong hàng loạt động thái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển Scarborough/Hoàng Nham vốn thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Trước đó, Manila cũng khẳng định không có chuyện đánh đổi chủ quyền lấy kinh tế.
“Philippines rất muốn cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng điều đó không thể đánh đổi bằng việc giao nộp chủ quyền quốc gia của chúng tôi”, một quan chức chính phủ nói hôm 22/1.
Với lời khẳng định trên và những tuyên bố cứng rắn trước đó của các nhà lãnh đạo Philippines, đặc biệt là Ngoại trưởng Del Rosario, có thể thấy Manila đã quyết tâm theo đuổi vụ kiện tới cùng. Mặc dù hiện chưa biết chặng đường phía trước còn bao xa và Philippines sẽ phải đối mặt với những trở ngại gì, song chỉ xét riêng về mặt ý chí thì phần thắng đã nghiêng rõ về Manila.
“Trong tình hình hiện nay, việc Manila khơi mào vụ kiện bất chấp phản đối của Bắc Kinh đối với bất kỳ nỗ lực nào hòng quốc tế hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo đã được coi là một thắng lợi. Thật khó để tưởng tượng cảm giác của Trung Quốc tại thời điểm này cũng như sau khi Tòa án Trọng tài đưa ra phán quyết về vụ kiện này”, báo chí Philippines dẫn lời một luật sư nói.
Một luật sư Mỹ có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết những tranh chấp liên quan đến Luật Biển cũng nhận định: “Những cân nhắc chính trị có thể lớn hơn các vấn đề luật pháp trong các trường hợp kiểu này. Quả là bước đi táo bạo khi quyết định đưa vấn đề chủ quyền quốc gia ra phân xử để bác lại yêu sách của một nước khác”.
Trung Quốc ký UNCLOS năm 1994 nhưng không tham gia tiến trình xét xử liên quan đến các hoạt động quân sự và tranh chấp tại các vùng nước lịch sử. Chính quan điểm này của Trung Quốc, và cả việc nước này bác bỏ vai trò của Tòa án Công lý Quốc tế trong việc giải quyết những tranh chấp về chủ quyền, đã khiến các tranh chấp chủ quyền trong khu vực luôn trong tình trạng bùng nhùng, bế tắc. Nó cũng tạo kẽ hở cho Bắc Kinh đẩy mạnh tham vọng chiếm giữ Biển Đông thông qua chiến thuật “lấy mạnh hiếp yếu” và “chia để trị”.
Việt Giang