Phiên tòa xử Milosevic: 200 triệu USD đổ xuống biển
(Dân trí) - Một trong những phiên tòa quan trọng nhất trong lịch sử đã phải khép lại với cái chết của cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic. Sau 4 năm, với hàng trăm nhân chứng, hàng ngàn bản tài liệu, và hàng triệu đô la Mỹ tốn kém, vẫn không thể tuyên bố Milosevic có tội hay vô tội.
Tuyên bố kết thúc phiên tòa sớm đã làm dấy lên câu hỏi về cách điều hành của các công tố, những người đã đưa ra quyết định dẫn đến một quá trình xét xử mệt mỏi, tốn kém, kéo dài tới 5 năm.
“200 triệu USD đã đổ xuống sông xuống biển,” Michael Scharf, một cựu chánh án Bộ ngoại giao Mỹ, và là một chuyên gia về luật tội phạm quốc tế cho biết.
Giống như tất cả các trường hợp khác, tòa án phải rút lại bản cáo trạng khi bị cáo chết. “Quá trình xét xẻ sẽ phải ngừng lại,” người phát ngôn phiên tòa xét xử Milosevic tuyên bố.
Milosevic, 64 tuổi, bị dẫn độ đến tòa án The Hague hồi tháng 6 năm 2001. Người ta phát hiện thấy ông nằm chết trên giường tại trung tâm giam giữ của Liên hợp quốc vào sáng ngày thứ bảy 11/3/2006. Trong suốt mấy năm qua, Milosevic đã tự biện hộ cho mình, và phủ nhận tất cả 66 tội danh chiến tranh mà tòa án quy kết, trong đó có tội chống lại loài người và tội diệt chủng ở Croatia, Bosnia và Kosovo những năm 1990.
“Đó là thất bại lớn cho công lý,” Richard Dicker, cố vấn luật của Tổ chức theo dõi nhân quyền nhận xét. “Và trên hết, đó là thất bại cho các nạn nhân.”
Trưởng công tố tội phạm chiến tranh Liên hợp quốc, Carla Del Ponte, cho biết bà thấy tiếc khi Milosevic chết, bởi bà tin rằng bà sẽ chiến thắng, và kết tội được cựu Tổng thống Nam Tư.
Milosevic qua đời đúng vào thời điểm chỉ còn vài tuần nữa là phiên tòa xét xử ông về tội diệt chủng dự kiến kết thúc.
Tòa án tội phạm quốc tế xét xử cựu Tổng thống Nam Tư được thành lập năm 1993 với mục đích xét xử những kẻ liên quan đến các vụ thảm sát trong cuộc chiến ở Balkan. Đây là tòa án xét xử đầu tiên về tội phạm quốc tế kể từ Chiến tranh thế giới thứ II, và là mô hình cho những phiên tòa quốc tế tiếp theo.
Nhưng thành công của phiên tòa đã bị những gì xảy ra trong Phòng xét xử I đè bẹp. Tại đây, bị cáo, nhà lãnh đạo người Serb thách thức với tất cả các nhân chứng và với cả quan tòa.
Nạn nhân của các cuộc tàn sát, và kẻ thù trước kia của Milosevic đã mất cơ hội được nghe phán quyết cuối cùng. “Công lý đã chậm,” Hashim Thaci, nhà lãnh đạo nhóm nổi dậy có vũ trang người Albania, chống lại Milosevic những năm 1998 – 99 nói trong tiếc nuối. “Chúa đã mang ông ta đi trước.”
Với tiền sử bệnh tim, thường xuyên bị cúm, và những đêm thức khuya để chuẩn bị tự bào chữa, áp lực tòa án, nguy cơ ra đi trước khi phiên tòa kết thúc đối với Milosevic là rất cao.
“Khi đến từ Belgrade, Milosevic đã bị mắc bệnh tim, vì vậy ngay từ đầu họ (tòa án) đã biết họ phải đối mặt với vấn đề này. Song rắc rối là không thể thay đổi tiến trình của tòa án được,” và vẫn phải giữ công bằng cho cả hai bên, Heikelina Verrijn Stuart, một luật sư người Hà Lan theo dõi sát sao phiên tòa, cho biết.
Năm ngoái, các công tố từng đề xuất xét xử riêng các tội của Milosevic ở Croatia, Bosnia, và Kosovo để ít nhất một tội danh có thể nhanh chóng được tuyên bố. Nhưng cả Milosevic và quan tòa đều từ chối.
Tòa án đã chỉ định một đội luật sư bảo vệ cho Milosevic. Tuy nhiên, ông thậm chí còn từ chối nói chuyện với hai luật sư người Anh. Đương nhiên, họ đã rút lui.
Theo các chuyên gia luật, tòa án đã mắc vô số sai lầm. Lẽ ra, họ không nên để người đàn ông đang ốm yếu kia được phép tự bào chữa cho mình, họ không nên đồng ý gộp ba tội danh vào một phiên xét xử, và họ không nên cách ly Milosevic với các bị cáo cũng bị xét xử cùng tội khác.
“Sẽ tốt hơn nếu có tuyên bố của tòa án đối với trách nhiệm của Milosevic,” Dicker, một nhân viên của Tổ chức giám sát nhân quyền ở New York nói. Tuy nhiên “lịch sử đã tuyên án đối với vai trò và trách nhiệm Slobodan Milosevic rồi.”
Phan Vũ
Theo AP