1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phiên dịch giả trong tang lễ Mandela từng bị cáo buộc giết người

(Dân trí) - Vụ phiên dịch viên giả “diễn trò” trong tang lễ cố Tổng thống Nelson Mandela đang tiếp tục khiến chính phủ Nam Phi gặp rắc rối, khi trong ngày 13/12, một thông tin “lạnh người” xuất hiện khẳng định viên phiên dịch từng bị cáo buộc giết người 10 năm trước.

Thamsanqa Jantjie vẫn chối tội vòng quanh
Thamsanqa Jantjie vẫn chối tội vòng quanh

Hãng tin AP dẫn lời các quan chức chính phủ Nam Phi cho biết họ đang điều tra tiết lộ của đài truyền hình quốc gia eNCA TV rằng Thamsanqa Jantjie đã từng bị buộc tội giết người 10 năm trước.

Dù vậy các quan chức vẫn không thể, hoặc không sẵn lòng lí giải vì sao một người tự nhận mình là bị tâm thần phân liệt với xu hướng bạo lực, lại được đứng cách các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ một cái với tay.

Các điều tra viên vụ Thamsanqa Jantjie “sẽ lập một báo cáo đầy đủ”, Phumla Williams, người phát ngôn chính phủ Nam Phi khẳng định. Tuy nhiên bà không cho biết quá trình điều tra sẽ diễn ra trong bao lâu, mà chỉ nói rằng các chi tiết chưa thể tiết lộ cho đến khi điều tra hoàn tất.

“Chúng tôi sẽ không che đậy việc này”, Williams nói. “Chúng tôi muốn thừa nhận đã có một sai sót, nhưng chúng tôi không muốn là người không trung thực”.

Thông tin về vụ giết người mà eNCA cho rằng diễn ra năm 2003 vẫn chưa rõ ràng và bản tin trên truyền hình này không tiết lộ thêm bất kỳ chi tiết gì.

Các quan chức tại tòa án Johannesburg nơi vụ án dường như đã được xét xử vẫn chưa có bình luận nào.

Cơ quan công tố quốc gia Nam Phi không có dữ liệu nào về một vụ giết người liên quan đến Jantjie, tuy nhiên người phát ngôn Nathi Mncube cho rằng điều đó không nhất thiết có nghĩa là Jantjie chưa từng là nghi phạm.

“Tôi không thể xác nhận việc người đàn ông đó đã bị khởi tố, nhưng cũng không thể phủ nhận nó. Hiện tại chúng tôi không có thông tin”, ông Mncube nói.

Vẫn theo eNCA, Jantjie từng đối mặt với các cáo buộc hình sự nhẹ hơn. Trong cuộc phỏng vấn với AP hôm thứ Sáu, Jantjie đổ lỗi những vụ bạo lực mình gây ra cho chứng tâm thần phân liệt nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Trong ngày hôm qua, Bộ trưởng văn hóa và nghệ thuật Nam Phi Paul Mashatile đã phải lên tiếng xin lỗi vì đã sử dụng Jantjie trong lễ tang Mandela. Như vậy đây đã là lời xin lỗi thứ hai của chính phủ Nam Phi trong vòng 2 ngày.

Bên cạnh việc điều tra ai đã thuê viên phiên dịch giả này cũng như công ty mà tên này nói rằng đang làm việc, chính phủ Nam Phi cũng đang phải xác định xem vì sao Jantjie vượt qua được vòng kiểm tra an ninh.

Trong khi đó, thứ trưởng Bộ phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật Nam Phi Hendrietta Bogopane-Zulu cho biết công ty cung cấp phiên dịch cho tang lễ của Mandela “đã biến mất vào không khí”.

“Họ đã biến mất. Chúng tôi đã nắm được họ và nói chuyện với họ về việc muốn tìm một số câu trả lời, nhưng rồi họ biến mất vào không khí”, Bogopane-Zulu nói.

Các nỗ lực lần tìm ngôi trường mà Jantjie nói rằng mình đã học ngôn ngữ ký hiệu đều không đem lại kết quả. Phóng viên AP đã đi tìm ngôi trường có tên Komani tại tỉnh Eastern Cape mà tên này nói nhưng không thể tìm thấy.

Ingrid Parkin, hiệu trưởng trường St. Vincent dành cho người khiếm thính tại Johannesburg cho biết bà cũng như những người hoạt động vì người khiếm thính chưa từng nghe đến tên ngôi trường nêu trên.

Thanh Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm